Australia phản đối Trung Quốc đưa máy bay ném bom xuống Hoàng Sa

22/05/2018 11:58
Hồng Thủy
(GDVN) - Kéo H-6K ra Hoàng Sa, bố trí tên lửa bất hợp pháp ở Trường Sa, Trung Quốc đang bộc lộ rõ ý đồ thống trị bầu trời và mặt nước Biển Đông.

The Guardian ngày 22/5 đưa tin, Ngoại trưởng Australia - bà Julie Bishop, đã phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông sau các báo cáo cuối tuần trước rằng, một máy bay ném bom H-6K của nước này đã cất hạ cánh (bất hợp pháp) tại Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Ngoại trưởng Julie Bishop đã có cuộc họp song phương với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị Ngoại trưởng G-20 tại Argentina.

Bà Julie Bishop cho hay, cuộc gặp đã diễn ra một cách chân tình, thẳng thắn và mang tính xây dựng.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Zimbio.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, ảnh: Zimbio.

Ngoại trưởng Australia cho biết, bà đã phản đối các hoạt động quân sự hóa Trung Quốc tiến hành ở Biển Đông, bao gồm vụ H-6K ra Hoàng Sa tuần trước.

"Lập trường của Australia rất rõ ràng và nhất quán, Trung Quốc biết rất rõ điều này. 

Mối quan tâm của chúng tôi về quân sự hóa các cấu trúc địa lý (Trung Quốc nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông là chủ đề của một số cuộc thảo luận, và lần nữa nó được nêu ra ngày hôm nay.

Tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ ngạc nhiên với việc tôi nêu vấn đề này ra", bà Julie Bishop cho biết.

Ngoại trưởng Australia cũng trao đổi vấn đề Biển Đông với Hoa Kỳ bên lề hội nghị Ngoại trưởng G-20. Australia sẽ tiếp tục thực hiện, bảo vệ quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. [1]

Trong một động thái khác có liên quan, biên tập viên tạp chí The Diplomat, Ankit Panda ngày 22/5 bình luận:

Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K tuần tra bất hợp pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ảnh: AP.
Máy bay ném bom Trung Quốc H-6K tuần tra bất hợp pháp ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, ảnh: AP.

Hoạt động kéo máy bay ném bom chiến lược H-6K ra Phú Lâm, Hoàng Sa trong video công bố hôm thứ Sáu tuần trước, có thể sẽ lặp lại ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn ngoài quần đảo Trường Sa trong tương lai.

Động thái mới này củng cố xu hướng đã và đang diễn ra trong nhiều tháng nay:

Trung Quốc đẩy mạnh triển khai quân sự hóa các tiền đồn họ xây dựng (bất hợp pháp) trên Biển Đông trong bối cảnh Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump, đẩy mạnh việc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải, hàng không. [2]

Còn tờ The Sydney Morning Herald ngày 21/5 dẫn lời nhà nghiên cứu Hugh White từ Đại học Quốc gia Australia nhận định:

"Thủ đoạn chiến lược của Trung Quốc là cắt lát xúc xích. Cứ sau vài tháng họ lại làm một cái gì đó để cho thấy, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào không thể ngăn cản được họ.

Trung Quốc đang thể hiện cho người dân nước mình, các nước láng giềng và thế giới thấy rằng, Mỹ không còn có thể ra lệnh. Họ chứng minh rằng Hoa Kỳ không còn sức mạnh như trước."

Australia phản đối Trung Quốc đưa máy bay ném bom xuống Hoàng Sa ảnh 3

"Phản ứng" của Trung Quốc với Việt Nam trên Biển Đông

Theo ông, Hoa Kỳ chưa làm gì để thay đổi cục diện này;

Tổng thống Mỹ còn đang bận rộn tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, dựa vào Trung Quốc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Hầu hết những cuộc thảo luận về chính trị trên truyền thông Australia gần đây đều liên quan đến quan hệ Trung Quốc - Australia.

Chứng "cuồng Trung Quốc" xuất hiện khi cựu Đại sứ Australia tại Bắc Kinh Geoff Raby (hiện đang làm ăn với Trung Quốc), đã kêu gọi Thủ tướng Malcolm Turbull sa thải Ngoại trưởng Julie Bishop vì "làm quan hệ Trung- Úc nguội lạnh".

Có một số dấu hiệu cho thấy sự không hài lòng của Bắc Kinh với Canberra, bao gồm việc trì hoãn một số cuộc họp cấp cao, chậm chạp trong thủ tục nhập khẩu rượu vang Úc hay giọng điệu cáu bẳn trên Thời báo Hoàn Cầu.

Trong khi Geoff Raby tiếp tục bảo vệ cái nhìn thiển cận của mình, thì Trung Quốc tiếp tục sử dụng "quyền lực chính trị tàn bạo" để tái cấu trúc trật tự khu vực.

Bằng cách đưa máy bay ném bom H-6K cất hạ cánh trên đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa tuần trước, hay bố trí tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không ngoài 3 đảo nhân tạo ở Trường Sa, Trung Quốc đã khẳng định ý đồ thống trị trên biển và bầu trời Biển Đông, tuyến đường thương mại huyết mạch của thế giới và Australia. [3]

Nguồn:

[1]https://www.theguardian.com/world/2018/may/22/julie-bishop-raises-objections-to-chinas-activities-in-south-china-sea

[2]https://thediplomat.com/2018/05/south-china-sea-what-chinas-first-strategic-bomber-landing-on-woody-island-means/

[3]https://www.smh.com.au/world/asia/while-australia-watched-a-wedding-china-was-making-its-next-move-20180521-p4zghz.html

Hồng Thủy