Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 thừa nhận tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi.
Cũng tại Nghị quyết này, Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 kiên quyết xoá bỏ tệ chạy chức, chạy quyền.
Đánh giá về mục tiêu này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An cho rằng: “Đây là mục tiêu không đơn giản để thực hiện nhưng Đảng đã đề ra thì kiên quyết thực hiện bằng được”.
Đại biểu Quốc hội khóa 13 Bùi Thị An cho rằng: "Tệ nạn chay chức chạy quyền đã tồn tại lâu dài và tiêm nhiễm sâu sắc" - ảnh Lại Cường. |
Bàn về tệ nạn chạy chức, chạy quyền, theo bà Bùi Thị An, tệ nạn này đã tồn tại lâu dài và tiêm nhiễm sâu sắc.
Chính vì vậy, không dễ để “gột rửa”, “lọc máu” ngay lập tức nhưng vì là tệ nạn có tính nguy hại lớn nên bắt buộc phải xóa bỏ hết.
Cũng theo bà An, để đạt được mục tiêu này cần phải có biện pháp mạnh mẽ vì tệ nạn này đã ngấm lâu rồi.
Thậm chí, sinh viên tốt nghiệp mới ra trường đã nghĩ ngay đến chạy việc hay như có đại biểu Quốc hội từng nói, đang tồn tại việc chạy, chạy từ trong bào thai, chạy chỗ đẻ, chạy học, chạy chỗ án táng… trong đó có chạy chức.
Chạy tuổi đâu chỉ dối Đảng, mà còn là chặn đường tiến thân của lớp trẻ tài cao |
“So với các loại chạy thì chạy chức là đỉnh cao của các tệ nạn chạy. Việc chạy luôn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, đạt đến tầm nghệ thuật nên rất tinh vi.
Vì thế, mục tiêu đặt ra xóa tệ nạn này là cực kỳ tốt, thể hiện quyết tâm làm lành mạnh hóa toàn bộ quan hệ xã hội trong công tác cán bộ. Tuy nhiên, để làm được mục tiêu này cần quyết tâm cực kỳ cao thì mới làm được” – bà Bùi Thị An nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu đề ra vị chuyên gia cho rằng: “Trước hết phải có người đứng đầu anh minh.
Do đó, quy trình tuyển chọn cán bộ phải chọn được người đứng đầu các ngành, các địa phương là người có tâm, có tầm.
Rồi phải tăng cường giám sát quy trình công tác cán bộ trong từng khâu. Từ khâu tuyển chọn, đào tạo đã phải giám sát nghiêm ngặt.
Ngoài ra, phải có chế tài đủ nặng để răn đe, trừng trị những người làm không đúng.
Mỗi khi phát hiện ra mà xử lý nhẹ thì không được. Chỉ cần phát hiện thấy mầm mống thực hiện sai trái là có chế tài kỷ luật cho nghỉ việc ngay”.
Ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (ảnh quochoi.vn). |
Đồng quan điểm, ông Trương Minh Hoàng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng: “Muốn đạt được mục tiêu đến năm 2020 xóa tệ chạy chức chạy quyền thì cần đẩy mạnh công khai minh bạch trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ”.
Theo ông Trương Minh Hoàng, quy trình bổ nhiệm phải được thực hiện nghiêm túc, công khai và dân chủ.
Bây giờ việc bổ nhiệm cán bộ quy định phải qua 5 bước do đó từng bước cần được thực hiện chặt chẽ.
Một cá nhân nào muốn vào vị trí lãnh đạo trước hết người đó thuộc diện trong quy hoạch.
"Người ngoài" đến làm lãnh đạo thì vẫn phải kiểm soát quyền lực |
Một vị trí có bao nhiêu người thuộc diện quy hoạch cần phải công khai.
Phải tiến hành so sánh, đối chiếu, xem xét ai là người đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Tất cả phải được đánh giá, bình bầu công khai. Tất cả các khâu cần phải dân chủ hóa.
Cũng theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: “Từ người giới thiệu đến người đứng đầu cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm đến cùng về người được bổ nhiệm.
Phải ràng buộc trách nhiệm người được bổ nhiệm với người giới thiệu và người tiến hành bổ nhiệm.
Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, giám sát. Tổ chức Đảng, cơ quan thanh tra, kiểm tra của chính quyền cần phải tăng cường giám sát để phát hiện sai phạm. Phát hiện sai phạm thì xử lý dứt điểm và công khai việc xử lý.
Tôi tin mục tiêu đề ra sẽ trở thành hiện thực khi cả hệ thống chính trị thực hiện quyết mục tiêu này”.