Giải pháp mới tạo đột phá cho nền kinh tế
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thắng (đoàn Hà Nội) đánh giá, trong hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã xây dựng và thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế mới để tìm ra mô hình phù hợp cho tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và định hướng phát triển của đất nước.
Sự ra đời và nở rộ mô hình các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do tại các địa phương trong những năm trước đây đã thu hút được lượng lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, các mô hình này chủ yếu dừng ở khâu tạo không gian mặt bằng và một số cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, vận hành của các khu này về cơ bản vẫn theo cung cách và phương thức thông thường, bộ máy quản lý vẫn được tổ chức theo mô hình truyền thống, chưa có những đột phá về thẩm quyền, về phương thức thực hiện, thẩm quyền đặc biệt.
Vì vậy, việc xây dựng mô hình mới với sự thay đổi toàn diện từ trong tư duy, nhận thức đến hệ thống thể chế chính sách và phương thức quản lý, điều hành là nhu cầu rất cấp thiết, là đòi hỏi khách quan của nền kinh tế và là tiền đề cần thiết quan trọng trong công cuộc đổi mới, thể chế kinh tế gắn liền với đổi mới thể chế chính trị.
Theo đó áp dụng mô hình đặc khu kinh tế mà đa số các nước đã xây dựng và phát triển thành công vào một số đơn vị hành chính có đủ điều kiện, tiềm năng, lợi thế là một hướng đi mới và có thể coi là giải pháp đột phá cho sự phát triển của kinh tế.
Để xây dựng thành công các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Việt Nam từ bài học kinh nghiệm sống còn của các quốc gia đã phát triển thành công đặc khu kinh tế là phải xây dựng một bộ luật điều chỉnh riêng cho các đặc khu nhằm thể hiện cam kết lâu dài, ổn định, không thay đổi về cơ chế, chính sách từ Đảng, Quốc hội, Nhà nước đối với các nhà đầu tư.
Đặc biệt những chính sách này sẽ có tác động tích cực tới việc các nhà đầu tư chiến lược khi họ bỏ ra nhiều tỷ USD để đầu tư kinh doanh.
"Đây là lý do chính mà các quốc gia dù có một hoặc một vài đặc khu thì đều vẫn ban hành một đạo luật riêng để điều chỉnh. Trên tinh thần đó tôi tán thành cao về sự cần thiết ban hành luật và xác định đây là bước chuẩn bị tiền đề quan trọng và khó khăn nhất cho quá trình xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt", ông Thắng nêu quan điểm.
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng nêu quan điểm, cần phải có những chính sách đặc biệt ưu đãi cho đặc khu nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo sức bật cho nền kinh tế. ảnh: Trung tâm thông tin Quốc hội. |
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, ông cơ bản thống nhất với các nội dung được nêu trong dự thảo luật, rất đồng tình với đề án cũng như chiến lược thành lập 3 đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại 3 khu vực Bắc, Trung và Tây Nam của Tổ quốc.
Với vị trí địa lý cách xa nhau và vừa có định hướng phát triển riêng của từng đặc khu, giúp giảm thiểu cạnh tranh nội bộ.
Đồng thời lại có những điểm chung như cảng biển du lịch, khách sạn, casino, để cộng hưởng sức mạnh cạnh tranh quốc tế với các đặc khu của các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaixia, Thái Lan.
"Tôi cho rằng, yếu tố cạnh tranh quốc tế phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, 3 đặc khu cần phải hội tụ đầy đủ các điều kiện về nguồn lực cũng như những điểm mạnh, ưu đãi, lợi thế so sánh quốc gia với các quốc gia khác.
Do vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu, rà soát danh mục ngành nghề ưu tiên gắn với quy hoạch về địa giới hành chính ở mỗi đặc khu để đảm bảo hội tụ đầy đủ sức mạnh, điều kiện cần thiết cho mỗi đặc khu khi muốn cạnh tranh quốc tế để thu hút đầu tư", ông Thắng nói.
Cần có những chính sách đặc biệt
Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề nghị bổ sung 3 lĩnh vực vào danh mục ngành nghề ưu tiên phát triển gắn với quy hoạch cho cả ba đặc khu, trong đó có 2 lĩnh vực liên quan đến nguồn lực rất quan trọng mà đặc khu nào cũng cần phải có mới đảm bảo yếu tố thành công.
Thứ nhất, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bao gồm chủ yếu các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư, các công ty tài chính:
Khi triển khai 3 đặc khu thì phải dành một nguồn lực rất lớn để triển khai và trong bối cảnh nguồn lực ngân sách có hạn thì việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, trong đó quan trọng nhất là đến từ ngân hàng, các quỹ đầu tư và định chế tài chính là nguồn lực có yếu tố quyết định đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào đặc khu.
Ba đặc khu tạo nên sức hút lớn đưa Việt Nam thành con hổ ở Đông Nam Á |
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam càng cần thiết khuyến khích hiện diện nhanh chóng của ngân hàng trong và ngoài nước khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến từ ngân hàng.
Bên cạnh đó sự hiện diện của các ngân hàng, các định chế tài chính cũng đem lại những lợi ích rất lớn về tài chính, về ngân sách khi họ tham gia đầu tư kinh doanh trên thị trường quốc tế.
Hầu hết các đặc khu trên thế giới đều dành những điều kiện ưu đãi và quy hoạch những vị trí trung tâm dành cho các ngân hàng, các định chế tài chính.
Điều này đã được đúc kết trong kinh nghiệm thành công, thất bại của nhiều đặc khu trên thế giới.
"Do vậy, tôi đề xuất đưa lĩnh vực tài chính, ngân hàng vào danh mục ưu đãi đầu tư và bổ sung vào quy hoạch xây dựng khu tài chính, ngân hàng cho cả 3 đặc khu", ông Thắng đề nghị.
Một góc cảng Cái Rồng, Vân Đồn, Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN) |
Thứ hai, lĩnh vực giáo dục, đào tạo: Nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam đang rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.
Đối với ba đặc khu hiện nay thì thiếu cả thầy lẫn thợ, đặc biệt nguồn lực chất lượng cao thì gần như không có, trong khi nhu cầu lại rất cần và đây cũng là yếu tố rất quan trọng khi nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc đầu tư tại đặc khu.
Chúng ta không còn nhiều thời gian, phải tạo nên sự khác biệt cho đất nước |
Do vậy, vấn đề khuyến khích đào tạo nguồn nhân lực phải được đặt lên hàng đầu đối với tất cả các đặc khu và cần đưa lĩnh vực giáo dục đào tạo, dạy nghề vào danh mục ngành nghề ưu tiên cho cả ba đặc khu.
Đồng thời để tránh hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài đưa nhân lực có trình độ thấp từ nước ngoài đến đặc khu nếu trong nước không đáp ứng được.
Thứ ba, vấn đề về y tế, ba đặc khu đều có chung những lĩnh vực ưu tiên nghỉ dưỡng, khách sạn, casino thì cũng nên được khuyến khích chung về phát triển y tế, ít nhất xây dựng kinh doanh bệnh viện và cơ sở khám, chữa bệnh để việc phục vụ cho loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tại đặc khu.
Đây là lĩnh vực đầu tư rất tốn kém, chi phí cao và rất khó thu hút nguồn nhân lực và độ rủi ro rất lớn, nếu không có cơ chế ưu đãi sẽ không thể huy động được nguồn vốn và nguồn lực thực hiện.
Đại biểu Thắng bày tỏ: "Đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt dựa trên học tập kinh nghiệm và mô hình phù hợp của nước ngoài, nên việc tiến hành phải vừa mạnh dạn, vừa thận trọng nhưng không quá cầu toàn để không làm chậm các cơ hội thu hút đầu tư tạo cực tăng trưởng mới để phát triển kinh tế đất nước.
Sau một thời gian sẽ tổng kết, đánh giá để tiến tới hoàn thiện và mở rộng đến các khu vực khác có điều kiện, khả năng phù hợp".
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Nam Định ủng hộ xây dựng luật đặc khu và cho rằng dự thảo luật cần thể hiện thực sự có những bước đột phá, thể hiện tính chất vượt trội, đặc biệt. Một số ưu đãi còn chưa mang tầm quốc tế và tính cạnh tranh chưa cao.
Cụ thể, theo biểu đồ so sánh cơ chế ưu đãi của dự thảo luật với quốc tế. Biểu đồ này được gửi kèm theo trong hồ sơ dự án luật thì cho thấy, vẫn còn có những cơ chế ưu đãi mới đạt ở mức độ ưu đãi bình quân của các nước khác. Một số cơ chế ưu đãi còn kém hơn mức này, thậm chí kém hơn các quy định hiện hành dành cho các khu kinh tế, kém hơn một số quy định tại dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp trước.
Đại biểu Hoa chỉ rõ: "Tôi cho rằng các quy định này giảm đi tính hấp dẫn của các đặc khu, tất nhiên cần thận trọng nhưng không thể vì quá thận trọng mà bỏ lỡ cơ hội thu hút nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư chiến lược.
Vì vậy cần có ưu đãi nhiều hơn trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã hình thành nhiều khu kinh tế với ưu đãi hấp dẫn. Do đó, chúng tôi đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu rà soát kỹ hơn để quy định cho đúng định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị đó là nội dung cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế".