Sinh viên sư phạm cần việc làm, thu nhập tương xứng

29/05/2018 13:08
Đỗ Thơm
(GDVN) - Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, quan trọng là sản phẩm đầu ra của trường sư phạm tìm được việc làm, thu nhập tương xứng tốt.

Liên quan đến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhấn mạnh: “Trong thời gian qua, yếu tố “dạy người”, hình thành nhân cách, lý tưởng, lối sống còn nhiều hạn chế”.

Vị Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, rất nhiều cử tri đã gửi gắm đến bà kỳ vọng, Luật Giáo dục lần này sẽ khắc phục được tất cả những hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành và của ngành giáo dục trong thời gian qua.

Ví dụ phải quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo nhân cách, lý tưởng cho học sinh.

Bà Hải nhấn mạnh: “Vấn đề rất quan trọng đó là triết lý của giáo dục. Qua Luật Giáo dục phải tạo ra được sản phẩm của giáo dục như thế nào.

Đó phải là m­ột con người đáp ứng được yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng phải có lối sống lành mạnh, lý tưởng trong sáng. Đặc biệt phải có ý thức công dân toàn cầu.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải trao đổi bên hành lang Quốc hội. ảnh: Đỗ Thơm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải trao đổi bên hành lang Quốc hội. ảnh: Đỗ Thơm.

Cử tri cũng mong sửa đổi Luật Giáo dục lần này sẽ sửa đổi được căn bản, thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng về “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, cũng như là đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Theo đại biểu, trong thời gian vừa qua, có nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức của nhà giáo, học sinh, người học và người dạy thì ai sẽ là trung tâm.

Thêm vào đó, học sinh sau thời gian học ở trên lớp sẽ ở gia đình, xã hội.

“Không thể kỳ vọng một mình ngành giáo dục sửa đổi được mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, ngoài ra còn xã hội”.

Một điểm cũng được rất nhiều dư luận quan tâm. Đó là dự thảo Luật đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên sư phạm bằng quy định được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí.

Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Về vấn đề này, đại biểu Hải phân tích, trước đây học phí cho sinh viên sư phạm được miễn 100%.

Bản thân bà cũng là sinh viên sư phạm  khóa 1987-1991 của đại học Sư phạm 1. Sự hỗ trợ của nhà nước giúp cho sinh viên thuận lợi hơn trong học tập. Họ không phải lo lắng nhiều đến học phí khi gia đình gặp khó khăn.

Tuy nhiên, kỳ này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) thay việc thu hút bằng việc cho vay ưu đãi. Nếu sau khi ra trường cống hiến trong ngành giáo dục, họ sẽ không phải trả khoản này. Điều này phù hợp với xu thế hội nhập.

Trước thắc mắc rằng nâng chuẩn đầu vào sư phạm cao mà lại không có ưu đãi về học phí liệu có thu hút được người học sư phạm, vị Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng thắc mắc này  rất thực tế.

“Điều quan trọng ở đây là dự báo về nhu cầu của xã hội đối với ngành giáo dục. Ví dụ, năm nay xã hội cần 1.000 giáo viên thì đào tạo 1.000 giáo viên hoặc hơn một chút. Có những vị trí việc làm được rà soát.

Chúng ta biết rằng hệ thống giáo dục ngoài công lập đang rất phát triển và vì vậy việc trả lương cho nhà giáo còn liên quan đến chất lượng giáo viên. Đặc biệt trong hệ thống dân lập người ta cũng đánh giá điều này rất cao', bà Hải đánh giá.

Theo bà Hải, nâng cao chuẩn đầu vào, thay đổi chính sách về học phí không phải yếu tố cản trở người học vào sư phạm.

Sinh viên sư phạm cần việc làm, thu nhập tương xứng  ảnh 2Nâng chuẩn giáo viên, tiếp tục băn khoăn về số phận 160.000 giáo viên tiểu học

“Tôi dạy 15 năm ở đại học Bách Khoa thì thấy rằng, đầu vào của trường đại học Bách Khoa rất cao nhưng số lượng sinh viên đăng ký dự tuyển vào trường rất nhiều.

Quan trọng là sản phẩm đầu ra của trường tìm được việc làm, thu nhập tương xứng rất tốt.

Vì vậy, tôi nghĩ nâng chuẩn đầu vào cũng như chế độ hỗ trợ vừa phải chưa chắc là trở ngại trong việc thu hút người giỏi vào sư phạm”, đại biểu Hải nói.

Theo bà, quan trọng là người học nhìn thấy đầu ra, vị trí việc làm tương xứng, cung - cầu phù hợp. Lúc đó việc thu hút thu hút sinh viên vào sư phạm không phải khó.

“Tôi nghĩ rằng việc thu hút sinh viên vào sư phạm không phải là khó. Thời gian vừa qua, việc thu hút sinh viên sư phạm vào với hình thức miễn học phí được đánh giá chưa phải là biện pháp hiệu quả để thu hút người giỏi, người tài”, đại biểu Hải nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải khẳng định, dự thảo Luật mới lần đầu cho ý tại Quốc hội. Các cơ quan soạn thảo sẽ phải tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cử tri, chuyên gia, các thầy cô giáo… để hoàn thiện hơn.

Đỗ Thơm