Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có nhiều điểm đáng chú ý.
Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban đã trình bày báo cáo trong đó nêu ra 5 vấn đề mà cơ quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục cần phải tiếp tục làm rõ.
1/ Về giáo dục mầm non
Giáo dục mầm non là một bậc học quan trọng của hệ thống giáo dục quốc dân. Đầu tư cho Giáo dục mầm non vừa có hiệu quả cao nhất, có tính quyết định đến sự phát triển của trẻ trong tương lai, vừa giải quyết tốt hơn vấn đề công bằng xã hội.
Do vậy, đề nghị nghiên cứu để có những sửa đổi, bổ sung cần thiết về giáo dục mầm non nhằm tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của giáo dục mầm non.
Tăng khả năng tiếp cận giáo dục mầm non đối với trẻ em vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, khu công nghiệp…; quy định rõ về chính sách cơ bản của Nhà nước, của xã hội đối với giáo dục mầm non, trong đó có giáo viên mầm non.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Quochoi.vn) |
2/ Về phổ cập giáo dục
Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp (1992, 2013) về giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học; nghiên cứu để thể chế hóa quan điểm, nhằm đạt được các mục tiêu liên quan đến chính sách phổ cập giáo dục theo Nghị quyết 29-NQ/TW (Miễn học phí cho giáo dục mầm non 5 tuổi trước năm 2020; thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020).
Xác định trách nhiệm của Nhà nước và người học trong độ tuổi phổ cập, trong đó Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện và chất lượng giáo dục cơ bản trong độ tuổi phổ cập bắt buộc.
3/ Về đào tạo ngành, nghề đặc thù
Ủy ban đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu để giải thích thuật ngữ ngành đào tạo đặc thù và có những quy định mang tính nguyên tắc về chương trình, phương pháp, thời gian đào tạo, văn bằng, chức danh và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng dạy/hướng dẫn, giáo sư, phó giáo sư… đối với các lĩnh vực đào tạo đặc thù, mang tính thực hành cao (như y tế, nghệ thuật, thể thao…), tạo cơ sở pháp lý cho việc hướng dẫn và tổ chức thực hiện.
4/ Về việc thí điểm trong lĩnh vực giáo dục
Ủy ban cho rằng, vì thiếu khuôn khổ pháp lý, hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế. Một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.
Do vậy, đề nghị cần có Điều luật riêng về tổ chức thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, trong đó quy định những vấn đề cơ bản về mục tiêu, đối tượng, quy mô, thời gian; thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chương trình/kế hoạch thực hiện thí điểm, thực nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
5/ Về việc quy định chi tiết, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và kỹ thuật văn bản
Ngoài các kiến nghị cụ thể nêu trên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung các vấn đề dự kiến được quy định chi tiết ở văn bản khác, nhất là văn bản dưới luật, nghiên cứu để đưa ngay vào Luật các nguyên tắc, làm căn cứ hướng dẫn thi hành.
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm đầy đủ và kịp thời; rà soát các quy định dẫn chiếu trong Dự thảo Luật sao cho rõ ràng, khả dụng, tránh quy định theo pháp luật một cách chung chung.
Tiếp tục hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp, nhất quán trong các quy định của Dự thảo luật; rà các quy định của pháp luật có liên quan để tránh mâu thuẫn, chồng chéo.
Cơ quan soạn thảo cần rà soát các điều luật có chứa nội dung giải thích từ ngữ để bổ sung vào Điều 3a hoặc dẫn chiếu, nội dung giải thích từ ngữ cần tường minh, dễ hiểu và phù hợp với thông lệ quốc tế.