Chưa có lúc nào việc đổi mới đào tạo sư phạm và xem xét lại chương trình đào tạo giáo viên trong các trường đại học sư phạm lại trở thành một đòi hỏi cấp thiết đến thế trong giai đoạn hiện nay.
Đại học Hải Phòng là một những địa chỉ có bề dày truyền thống 60 năm đào tạo sư phạm, với mô hình đào tạo gắn liền với thực tiễn, sinh viên sư phạm của Đại học Hải Phòng ra trường có tỷ lệ việc làm cao, có những chuyên ngành các em sinh viên có việc 100%.
Giáo sư Nguyễn Văn Minh: 80% sinh viên sư phạm Hà Nội có việc làm sau 1 năm |
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng đã chia sẻ cách làm hay từ mô hình đào tạo gắn liền với thực tiễn.
Trường đại học Hải Phòng là một trường đại học đa ngành, tuy nhiên, nhiệm vụ đào tạo sư phạm được coi là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của nhà trường.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thị Hiên, do đặc thù là trường đại học địa phương, ngành sư phạm của Đại học Hải Phòng chỉ có thể tuyển thí sinh tại địa phương, do đó đây cũng là một trong những khó khăn của nhà trường khi số lượng, đăng ký, thí sinh đầu vào tương đối hạn hẹp theo tình hình chung.
Bên cạnh đó, việc ngành giáo dục đang có quy hoạch lại, nhiều trường phải sáp nhập lại với nhau, do đó cơ hội việc làm của sinh viên sư phạm cũng trở nên khó khăn.
Tuy nhiên, cùng với xu thế chung, hệ thống đào tạo giáo dục công lập phải chuyển đổi thì hệ thống giáo dục tư thục sẽ có cơ hội phát triển.
Do vậy, ban lãnh đạo nhà trường cũng đã xác định chất lượng đào tào sẽ quyết định đầu ra cho các em sinh viên nên nhiều năm gần đây, nhà trường đã đổi mới phương pháp, chương trình đào tạo để phù hợp với xu thế mới.
Đại học Hải Phòng đang thay đổi chương trình đào tạo để phù hợp thực tiễn hơn. (Ảnh: Cổng thông tin trường Đại học Hải Phòng) |
Phó Giáo sư Nguyễn Thị Hiên cho biết, ngay từ năm học này (năm học 2018), trường Đại học Hải Phòng sẽ thí điểm gửi sinh viên xuống trường, kéo dài thời gian thực tập. “Mô hình mới đào tạo giáo viên sẽ gần như đào tạo bác sĩ”, Phó giáo sư Hiên cho biết.
“Hiện nay nhà trường đang tiến hành thí điểm hai ngành đào tạo chính là mầm non và tiểu học. Đây cũng là hai ngành đào tạo của nhà trường mà tỷ lệ các em sinh viên ra trường có việc làm nhiều nhất.” Phó Giáo sư Hiên cho biết.
Để làm được việc này, lãnh đạo Đại học Hải Phòng đã thực hiện ký kết hợp đồng liên kết đào tạo với các nhà trường phổ thông, mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Trong quá trình đào tạo thực hành nghề nghiệp, nhà trường sẽ gửi thẳng sinh viên xuống trường để vừa song song học nghiệp vụ ở trường đại học vừa tiến hành thực tập ngay dưới bậc học cho các em.
Việc đào tạo này sẽ gắn liền với thực tiễn nghề nghiệp, các em sẽ được rèn luyện trong môi trường của nghề, qua đó tự nắm bắt kinh nghiệm từ thực tiễn trau dồi các kỹ thuật sư phạm, kỹ năng của bản thân. Phó Giáo sư Hiên chia sẻ về kinh nghiệm đào tạo của trường Đại học Hải Phòng.
Cũng theo Phó Giáo sư Hiên, song song với việc gửi thẳng sinh viên xuống cơ sở, nhà trường cũng sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành. Hiện nay với riêng khối ngành sư phạm, các học phần thời lượng thực hành sẽ được đẩy lên cao.
Hiện tại Đại học Hải Phòng, phần nghiệp vụ sẽ được thực hiện theo tỷ lệ 40/60, tức là 40 lý thuyết 60 thực hành. Ở một số khoa chuyên biệt, phần thực hành còn được đẩy cao hơn ví dụ như Giáo dục thể chất hoặc mầm non…
“Chúng tôi bố trí trong chương trình dậy học phần đó là 2 tín chỉ, tuy nhiên với những giờ thực hành là phải nhân đôi lên, ví dụ như 1 tiết thực hành là phải thành 2 tiết, còn với lý thuyết chỉ 1 tiết thôi.
Khi thực hành là hướng dẫn, tổ chức cho sinh viên thực hành phải nhân lên hệ số 2.” Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hải Phòng cho biết.
Cách nào để sinh viên sư phạm ra trường không phải chạy việc? |
Nói về việc thực hành sư phạm, Phó Giáo sư Hiên chia sẻ: “Việc thực hành sư phạm tai trường Đại học Hải Phòng không chỉ là thực hành cả lớp mà chia theo nhóm.
Trong những nhóm thực hành về phương pháp nghiệp vụ sẽ được chia nhỏ, mỗi nhóm không quá 15 người.
Trong giờ thực hành giáo viên phải dậy so le với việc này sinh viên sẽ phải tự học không phải thực hành cả 1 lớp là 30 sinh viên, lúc đó có người học người không.
Với mô hình này, nhà trường đang cố gắng đưa các em đến với thực tiễn và cọ sát với các kĩ năng nghề nghiệp”.
Không chỉ tăng cường các tiết học thực hành, tại Đại học Hải Phòng hiện nay, việc mời trực tiếp giáo viên dạy giỏi tại trường phổ thông đến thị phạm cho sinh viên cũng đang được áp dụng rộng rãi.
Việc thị phạm không chỉ qua việc trực tiếp đứng lớp mà còn thông quá các lớp học trực tuyến. Các lớp học trực tuyến này được kết nối trực tiếp từ Giảng đường đại học với lớp học Phổ thông.
Đại học Hải Phòng đang phát triển trường phổ thông trực thuộc trường. Đây là những trường học thực hành đang vận hành và được đánh giá cao về chất lượng học sinh cũng như chất lượng giảng dạy.
Việc đào tao gắn liền với thực hành đang giúp sinh viên sư phạm của Hải Phòng có cơ hội tìm việc làm cao (Trong ảnh: Lễ Khai giảng trường tiểu học thực hành của Đại học Hải Phòng. Ảnh: Cổng thông tin Đại học Hải Phòng) |
Phó Giáo sư Hiên chia sẻ: “Việc đào tạo sư phạm hiện nay tại Đại học Hải Phòng gần giống với mô hình đào tạo bác sĩ.
Các trường Đại học Y có bệnh viện thì trường đào tạo sư phạm cũng cần phải có trường phổ thông thực hành.
Với cách làm này, cũng như sinh viên Y, sinh viên sư phạm sẽ tiếp cận với thực tế giáo dục tốt hơn.”
Hiện nhà trường đang có 3 trường phổ thông thực hành trực thuộc là trường phổ thông Phan Đăng Lưu là trường thực hành liên cấp Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, trường tiểu học thực hành và trường mầm non thực hành.
Nhà trường sẽ đưa sinh viên tiếp cận môi trường giáo dục phổ thông sớm ngay từ những năm đầu học tập ở giảng đường đại học. Bên cạnh đó sẽ đa dạng hóa các hình thức học tập của sinh viên nhằm tăng cường kỹ năng mềm cho sinh viên.
Với hệ thống giáo dục phổ thông thực thuộc Trường Đại học Hải Phòng, các sinh viên sư phạm của nhà trường sẽ được học tập và trải nghiệm nghề ngay tại các trường này.
Phó Giáo sư Hiên chia sẻ: “Việc học tập và thực hành tại các trường thực hành này là cách thực hành tốt nhất.
Ví dụ như sinh viên mầm non thực hành mà không được thực hành, không biết trông trẻ như thế nào, thay quần thay áo, cho trẻ ăn như thế nào thì chắc chắn là ra sẽ bạo hành trẻ bình thường.
Khi các em có kỹ năng, có "nghề" việc bắt đầu một công việc mới sẽ không còn bỡ ngỡ, như vậy các em cũng sẵn sàng với nghề hơn”.
Với cách làm này, Phó Giáo sư Hiên cho biết, theo khảo sát của nhà trường thì số lượng sinh viên sư phạm mầm non và tiểu học 100% là các em có việc và hầu hết là các cơ sở tư thục.