LTS: Đưa ra những chia sẻ cùng giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cho các buổi tập huấn giáo viên do ngành giáo dục tổ chức, tác giả Thuận Phương đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Cứ mỗi thay đổi hoặc tiếp thu điều mới thì ngành giáo dục lại tổ chức tập huấn cho giáo viên.
Có điều giáo viên (người trực tiếp thực hiện để đem lại hiệu quả) gần như ít khi được nghe tập huấn trực tiếp mà thường là người nghe cuối cùng.
Việc phân tầng trong tập huấn của ngành giáo dục như hiện nay không tránh khỏi việc “tam sao thất bản”.
Chính vì điều này, đã dẫn đến việc “mỗi nơi làm một khác” và kết quả thường không như mong muốn.
Lớp tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên (Ảnh minh họa: HÀ XUÂN CƯỜNG). |
Mỗi tầng tập huấn kiến thức lại rơi rụng ít nhiều
Nếu là tập huấn từ trung ương, đối tượng được các tỉnh cử đi tham dự chủ yếu là chuyên viên cấp tỉnh, cấp phòng (một vài hiệu phó, hiệu trưởng đại diện). Những người này sau thời gian tiếp thu sẽ về triển khai ở cấp tỉnh.
Đối tượng được cử đi tham dự là một số hiệu trưởng, phó hiệu trưởng ở các trường (một vài tổ trưởng chuyên môn đại diện).
Khi về tập huấn cấp huyện thị, chủ yếu là Ban giám hiệu và đại diện tổ trưởng của các trường còn lại.
Cuối cùng mới đến tập huấn cấp trường, cho toàn thể giáo viên học một cách đại trà.
Báo cáo viên cho những buổi tập huấn này chủ yếu là Ban giám hiệu và một vài tổ trưởng. Họ tiến hành trình bày lại phần lý thuyết mình đã tiếp thu.
Ai cũng hiểu rằng cứ sau một tầng tập huấn thì những kiến thức cần truyền đạt đã bị vơi đi vài chục %.
Đây là hiện thực ở lớp tập huấn giáo viên, các lãnh đạo có biết không? |
Cái này còn phụ thuộc khá nhiều vào trình độ tiếp thu và khả năng truyền đạt của báo cáo viên nữa.
Thế nên những kiến thức cơ bản được truyền tải đến giáo viên đã bị "tam sao thất bản" một phần không hề nhỏ.
Trong mỗi lần tập huấn như thế, khá nhiều những điều thắc mắc không được giải đáp kịp thời.
Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy thế nên có khá nhiều câu hỏi thắc mắc xoay quanh những vấn đề họ đã từng gặp, họ cho là bất hợp lý…nhưng có những thắc mắc, những phát vấn của giáo viên vẫn chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.
Đã có không ít lần, chính báo có viên phải nói thẳng là mình cũng chỉ trình bày lại những gì đã được nghe.
Hay những điều ấy, ở lớp tập huấn trước cũng đưa ra nhưng chưa có câu trả lời chính thức.
Trước “sức ép” của giáo viên “để về dạy cho đúng” đã có những báo cáo viên gọi điện hỏi chuyên viên cấp phòng, nhưng không phải câu hỏi nào họ cũng giải đáp được.
Và rồi chuyên viên lại gọi điện hỏi cấp cao hơn…Cứ lòng vòng loanh quanh như thế nên chuyên môn giảng dạy nơi này, nơi kia có nhiều sự khập khiễng.
Lo ngại cho việc tập huấn chương trình mới
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch 270/KH-BGDĐT - Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Ông Hoàng Đức Minh, cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, cho biết để thực hiện chương trình phổ thông mới sẽ tập huấn đội ngũ giáo viên trong 8 ngày.
Tập huấn, bồi dưỡng kỹ lưỡng ở cấp trên, nhưng lại sơ sài ở cấp dưới |
Giáo viên cốt cán sẽ được bồi dưỡng theo hình thức tập trung gồm 3 giáo viên/môn học/cấp học/tỉnh, thành.
Dự kiến quý 2 năm học 2019-2020 sẽ bồi dưỡng đại trà cho giáo viên. Riêng việc bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp, cuối năm 2018 sẽ triển khai đại trà.
Theo tính toán, giáo viên sẽ học khoảng 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) để có thể thực hiện việc dạy tích hợp nhiều môn.
Chất lượng những buổi tập huấn đại trà cho giáo viên từ trước đến nay ở cơ sở vốn đã không đạt chất lượng vì thời gian tập huấn đã được rút ngắn khá nhiều so với thời gian cấp trung ương triển khai.
Bên cạnh đó, chất lượng báo cáo viên cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cần có.
Nay chương trình giáo dục phổ thông mới nếu vẫn giữ kiểu tập huấn phân tầng như thế thì e rằng giáo viên tiếp thu kiến thức tập huấn cũng chỉ như kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Đó là chưa nói đến việc tập huấn cho giáo viên dạy tích hợp.
Theo tính toán của các nhà biên soạn chương trình, giáo viên sẽ học khoảng 20 tín chỉ (15 tiết/tín chỉ) để có thể thực hiện việc dạy tích hợp nhiều môn.
Điều này có là vọng tưởng?
Với thời gian 15 tiết cho một tín chỉ, giáo viên mới có thể tiếp cận được phương pháp dạy học mới.
Điều mà giáo viên dạy tích hợp cần phải có ngoài phương pháp dạy học còn phải là kiến thức nền vững vàng.
Thế nhưng hiện nay khá nhiều thầy cô giáo bậc trung học cơ sở khẳng định mình không đủ kiến thức để dạy cùng lúc 3 môn như thế.
Chuyện thầy cô giáo dạy Sinh không thể giải nổi một bài tập Lý hay Hóa của lớp 8, 9 không phải là cá biệt.
Một thầy giáo dạy Hóa không thể giải nổi một bài tập Lý của học sinh lớp 7, 8 cũng khá nhiều…
Vậy thời gian tập huấn như vậy giáo viên có thể dạy nổi không?
Chúng tôi đã từng đặt câu hỏi ấy cho khá nhiều thầy cô. Họ khẳng định một cách chắc chắn “dạy được (theo kiểu đọc giáo án cho chép) còn dạy tốt thì chắc chắn rằng không”.
Một số đề xuất cho việc tập huấn chương trình mới
Nên tổ chức tập huấn trực tuyến cho giáo viên. Thầy cô cần được nghe chính những nhà biên soạn chương trình triển khai và giáo viên sẽ được tương tác trực tiếp với các báo cáo viên, với các chuyên gia giáo dục hàng đầu.
Tránh đi lại lối mòn của những lần tập huấn trước đây, phần thực hành bắt giáo viên đóng vai học sinh để dạy.
Sau khi nghe lý thuyết, giáo viên mong muốn được xem những phần thực hành dạy trên lớp của chính những chuyên gia giáo dục (xem bằng băng hình) rồi tổ chức góp ý để ghi nhận những điều chưa được.
Bên cạnh đó, các chuyên viên cấp phòng, sở, phó hiệu trưởng đang chỉ đạo chuyên môn ở các trường cũng chuẩn bị những tiết dạy để minh họa cho những lý thuyết vừa được triển khai (những tiết dạy thị phạm kiểu này chỉ được chọn lớp ngẫu nhiên, bốc bài dạy công khai và thời gian chuẩn bị không quá dài).
Những tiết dạy trực quan sinh động lại do chính những người chỉ đạo chuyên môn thực hành, chắc chắn sẽ vô cùng chất lượng cho đợt tập huấn giáo viên.
Cũng nhờ đó, những khó khăn vướng mắc trong quá trình tập huấn phát sinh sẽ được chỉnh sửa một cách kịp thời.