"Trạm thu phí" không cần đổi thành "trạm thu giá"
Trước khi tiến hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải - ông Nguyễn Văn Thể có 5 phút báo cáo trước Quốc hội.
Trong báo cáo, ông Nguyễn Văn Thể cho biết, tiếp thu ý kiến dư luận, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi tên gọi “trạm thu giá” để trình Chính phủ.
Phát biểu ngay sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói, việc này không cần nghiên cứu: “Tôi thấy Bộ Giao thông cứ dùng lại tên gọi cũ là trạm thu phí. Đợi trình Chính phủ thì rất lâu. Cái tên cũ nó đúng thì cứ lấy lại thôi ”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn sáng nay. (Ảnh: chinhphu.vn) |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) là người đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên, đề nghị Bộ trưởng làm rõ số năm chênh lệch thu phí giao thông giữa dự toán được phê duyệt với kết quả kiểm toán?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời, về sự chênh lêch giữa kết quả kiểm toán và dự toán, theo luật và nghị định của Chính phủ tổ chức đấu thầu theo hình thức BOT, ký hợp đồng BOT.
Dự án BOT có nhiều phần dự phòng, dự phòng khối lượng, dự kiến giải phóng mặt bằng… Do đó kinh phí dự án BOT được duyệt bao gồm các gồm các khoản có thể phát sinh nên dự án có giá trị lớn.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, Bộ Giao thông Vận tải ký hợp đồng với nhà đầu tư BOT theo dự án được duyệt. Để đảm bảo tính công khai minh bạch, Bộ Giao thông Vận tải trong quá trình thực hiện dự án BOT đã chủ động kiến nghị Kiểm toán Nhà nước kiểm toán.
Với 56 trạm BOT, Kiểm toán Nhà nước đã tham gia kiểm toán 50 dự án, còn 6 dự án đang tiến hành kiểm toán.
Ông Thể lý giải: “Theo hợp đồng, để đảm bảo quyền lợi người dân, Nhà nước, doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải đã đàm phán với nhà đầu tư BOT và trong hợp đồng có điều khoản giá trị sau quyết toán để Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh thời gian thu phí, các chính sách liên quan đến phí,
Do đó Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự chênh lệch lớn giữa giá trị kiểm toán và giá trị phê duyệt là điểu hiển nhiên. Với các dự án triển khai nhanh, ít biến động giá, ít phát sinh khối lượng, thì phần dự phòng này là phần chênh lệch mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra”.
Bộ trưởng nhấn mạnh, theo so sánh số liệu kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và quyết toán của Bộ Giao thông Vận tải luôn tương đồng với nhau.
Đặc biệt số liệu quyết toán của Bộ Giao thông Vận tải nhiều dự án thấp hơn số liệu của Kiểm toán Nhà nước.
Do đó, kết quả của Kiểm toán Nhà nước là rất đúng nhưng Bộ Giao thông Vận tải thực hiện đúng và đảm bảo quyền lợi của người dân, nhà nước với dự án BOT.
Bộ trưởng Thể khẳng định: “Về việc thu phí, chúng tôi đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi của người dân.
Do đó, trong thời gian qua, khi mặt bằng giá tăng cao dưới sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với các địa phương, 56 dự án BOT, có những dự án chúng tôi giảm 2, 3 lần.
Chúng tôi hoàn toàn đứng trên quan điểm của Đảng, Nhà nước và nhân dân để điều chỉnh mức phí hài hòa với người dân. Căn cứ giảm phí tính phí là dựa vào lưu lượng phương tiện đi qua các trạm và khả năng hoàn vốn”.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm. (Ảnh: Quochoi.vn) |
Khi có áp lực lại giảm giá và nói vì người dân là không phải
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) giơ biển tranh luận lại: “Bộ trưởng nói giải quyết vấn đề BOT đứng trên lợi ích của người dân. Tôi thì tôi không thấy thế. Bởi 17 dự án đặt sai vị trí, 3 dự án không đi phải trả tiền, 6 dự án không đi đường tránh cũng trả tiền, không đi cao tốc cũng trả tiền...
Báo cáo và giải pháp mà Bộ trưởng nêu thì cứ dân chịu thì thu, không chịu thì dừng, rồi dân chịu lại thu. Như thế vì lợi ích của dân chưa, sao dân không đi phải trả tiền?”.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, có dự án lịch sử để lại: "Với trách nhiệm của mình, chúng tôi thực hiện theo chỉ đạo. Còn với dự án trước đây đưa vào có sự tham gia của chính quyền địa phương và Bộ ngành và các bên liên quan cho rằng trạm thu chỗ đó là hợp lý.
Hiện nay nếu di dời thì phải tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để có khoản kinh phí với hợp đồng của nhà đầu tư BOT.
Rồi một số dự án hết sức quan trọng như đi Hải Phòng, nhưng vì đầu tư lớn nên thời điểm đó thống nhất chủ trương mở trạm ở Quốc lộ 5.
Tương tự, mở rộng tuyến tránh và nâng cấp tuyến hiện hữu, mong muốn của địa phương là mở rộng đô thị, tạo sự phát triển cho địa phương, rồi nâng cấp cải tạo quốc lộ... các dự án đều thực hiện đúng theo trình tự thủ tục, có sự thống nhất của các bộ ngành và địa phương.
Hiện ngân sách khó khăn, khi Quốc hội biểu quyết cân đối nguồn vốn thì chúng tôi sẵn sàng mua lại dự án này. Mong xã hội và người dân thông cảm. Còn chúng tôi cố gắng miễn, giảm phí cho người dân, nhất là người dân ở khu vực trạm".
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng giơ biển tranh luận đặt câu hỏi, vấn đề bất cập hiện nay về BOT nói riêng là thể chế chưa hoàn chỉnh, quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, lợi dụng chính sách, dẫn đến tranh chấp và bức xúc. Chưa giải quyết vấn đề lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân, còn ăn đong trong lĩnh vực này. Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời, thời gian qua, thể chế chưa hoàn chỉnh, một số biểu hiện dư luận quan tâm có sai phạm thì vừa qua các đoàn thanh kiểm tra chỉ ra. Hiện đang khắc phục triệt để.
"Lợi dụng chủ trương thực hiện dự án thì việc này Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức lợi dụng làm ảnh hưởng đến người dân. Còn Bộ quán triệt làm nghiêm túc, nếu có chỉ rõ sai phạm thì với trách nhiệm của mình tôi xử lý cán bộ thuộc quyền nghiêm túc nhất.
Tranh chấp có xảy ra, rồi không hiệu quả thì doanh nghiệp cũng có tâm tư. Việc đền bù, tái định cư... có xảy ra tranh chấp. Làm dự án thì không thể tránh khỏi bất cập, nhưng để đảm bảo hài hoà lợi ích thì chúng tôi quan tâm dự án, khi có dư luận là xuống xử lý ngay.
Còn lâu dài, thực hiện nghiêm Nghị quyết Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chúng tôi dừng 4 dự án triển khai chậm, 10 dự án khác chưa ký hợp đồng cũng dừng lại. Sắp tới chỉ làm trên đường song hành, đường mới hoàn toàn để người dân có sự lựa chọn", Bộ trưởng trả lời.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) tranh luận lần 2 nói rằng, Bộ trưởng nói mới thấy có “vấn đề lịch sử”. Nhưng trước đây khi làm dự án có hỏi ý kiến người dân không? Thương thảo để giảm lãi suất chưa? Giờ vỡ ra người dân phải chịu là chưa thoả đáng.
Đồng quan điểm với đại biểu Hoàng Quang Hàm, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (đoàn Bình Dương) giơ biển tranh luận nêu: "Có phải do có khả năng nhà đầu tư BOT có thể kiện lại Bộ Giao thông Vận tải nên Bộ cứ tư duy vá ổ gà để xử lý các trạm “nằm lạc”? Bộ trưởng nói giảm giá, cước và kéo dài thời gian thu phí là tư duy không chấp nhận được".
Dừng thu giá ở những dự án không áp dụng thu tự động theo lộ trình |
Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) tranh luận: Nghe Bộ trưởng nói vì lợi ích hài hoà và vì người dân mà giảm giá, nếu nói thế giống như ban phát, xin cho.
Ta cần nguyên tắc cung cầu theo thị trường, quyền lợi của người dân và doanh nghiệp phải bình đẳng, phải thảo luận, đồng tình giữa người mua và người bán.
Không thể nói vì nhà đầu tư rồi khi có áp lực lại giảm giá rồi nói vì người dân là không phải.
Theo tổng kết, chỉ trong nửa phiên chất vấn buổi sáng, đã có 9 đại biểu chất vấn, 5 đại biểu chất vấn tranh luận lại, và 10 đại biểu khác chất vấn.
Điều đó cho thấy phần nào câu trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể chưa làm hài lòng các đại biểu chất vấn.