Ông Lê Như Tiến: Dự án đội vốn nghìn tỷ có chảy vào túi cá nhân không?

05/06/2018 06:24
THANH MINH
(GDVN) - Dự án đội vốn hàng nghìn tỷ đồng còn có trách nhiệm của các cơ quan kiểm tra, giám sát. Vụ việc có dấu hiệu làm trái các quy định của nhà nước...

Đề cập đến việc nhiều dự án ở tỉnh Ninh Bình đội vốn lê tới cả nghìn tỷ đồng (dự án Sào Khê điều chỉnh tăng mức đầu tư từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng và sau hơn 17 năm thi công, dự án này vẫn dang dở), ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đây là điều phi lý và chắc chắn có dấu hiệu thất thoát vốn của nhà nước.

Vị Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, để xảy ra tình trạng dự án đội vốn lớn là do năng lực quản lý của cán bộ yếu kém.

“Dự án đội vốn lên hàng chục lần thì địa phương (chủ đầu tư) đó phải chịu trách nhiệm. 

Nếu chính quyền và những người đứng đầu địa phương “đi đêm” bắt tay với doanh nghiệp làm chuyện mờ ám trong vụ việc này thì chắc chắn nguồn vốn của nhà nước sẽ bị thất thoát.

Liệu dự án đội vốn có chảy tiền vào túi cá nhân không? Tôi đề nghị các cơ quan trung ương cần vào cuộc làm rõ những vấn đề càng sớm càng tốt ”, ông Tiến nhận định.

Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang.
Ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Ngọc Quang.

Trước đó, ngày 18/8/2004, Ban Quản lý Thủy lợi – Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình kí hợp đồng xây lắp với Công ty xây dựng Xuân Trường để thực hiện "Dự án Nạo vét bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê" với giá trị hợp đồng là 126 tỷ đồng. 

Giá trị dự án  này ban đầu ở mức 72 tỷ đồng và đã qua 4 lần điều chỉnh vào các năm 2004; 2008; 2009. Đến năm 2010 tổng mức đầu tư của dự án đã bị điều chỉnh tăng lên 2.595 tỷ đồng. 

Sau khi kí hợp đồng, từ năm 2004 đến tháng 6/2010, chủ đầu tư đã cho công ty tạm ứng 6 lần với tổng giá trị tạm ứng là 683,7 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2004-2009 đã cấp tạm ứng 175,7 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị nghiệm thu, thanh toán thực tế của công ty Xuân Trường chỉ đạt 3 tỷ đồng.

Ông Lê Như Tiến: Dự án đội vốn nghìn tỷ có chảy vào túi cá nhân không? ảnh 2

Dân nộp thuế bao nhiêu cho đủ khi dự án cứ đội vốn cả nghìn tỷ đồng

Điều đáng nói là trong suốt thời gian 5 năm lĩnh gần 200 tỷ tạm ứng, doanh nghiệp không đầu tư thực hiện dự án nhưng vẫn tiếp tục được chủ đầu tư ưu ái tạm ứng thêm 508 tỷ đồng vào tháng 6/2010. 

Đến lúc này, doanh nghiệp Xuân Trường mới dành một phần vốn của Nhà nước để thực hiện dự án nhưng kết quả nghiệm thu thanh toán cũng chỉ được khoảng 382 tỷ đồng... 

Về việc này, ông Ngô Văn Sửu, nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, vụ việc có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của nhà nước...

“Thử đặt câu hỏi ngược lại, nếu dự án đó là của tư nhân, do doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư thì họ có thể để dự án đội vốn lớn như vậy không? 

Nếu cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thì sẽ làm rõ được những dấu hiệu vi phạm như đã nêu. 

Bên cạnh đó, cần chỉ mặt, đặt tên cá nhân, cơ quan phải chịu trách nhiệm và xử lý nghiêm khi để dự án đội vốn lớn, có dấu hiệu thất thoát tiền của nhà nước”, ông Ngô Văn Sửu đề nghị.

THANH MINH