Ngày nay không khó để bắt gặp chuyện đổ lỗi từ cán bộ cơ quan công quyền, trong số ấy thì "anh đánh máy" có lẽ thường phải chịu lỗi nhiều nhất.
Năm 2017, Thứ trưởng Bộ Văn hóa & Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đã từng dễ dàng đặt bút ký vào những văn bản... đến buồn cười.
Theo đó, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái từng ra văn bản yêu cầu xử lý phát ngôn của ông Huỳnh Tấn Vinh (Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) tại một buổi tọa đàm về quy hoạch Sơn Trà (Đà Nẵng) được cho là chủ quan, thiếu cơ sở và làm cho dư luận hiểu sai vấn đề.
Ngay sau đó, cũng Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã ký công văn thu hồi văn bản do chính mình ký chưa đầy 48 giờ trước đó.
Lỗi sau đó được chỉ ra do"quá trình tham mưu" (1)!
Còn Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp - ông Nguyễn Văn Dương khiến dư luận dậy sóng và phải xin lỗi người đi tố cáo tiêu cực.
Theo đó, 27/3/2017, Chủ tịch Dương đã ký một quyết định về việc thụ lý giải quyết và giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo của ông V.V.Đ.
Thế nhưng, trong quyết định này lại ghi rõ thông tin tên họ, địa chỉ của ông Đ. - người tố cáo. Người mà ông Đ. tố cáo là ông Đặng Văn Nang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Cao Lãnh.
Dư luận lúc đó không hiểu vị Chủ tịch tỉnh có vô tình hay cố ý để lộ tên người tố cáo nhưng rõ ràng người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã... quên luật.
Cuối cùng, Chủ tịch ký nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức xin lỗi. (2)
Sau chuyện "đánh máy" là đổ lỗi cho "quy trình". Bổ nhiệm kiểu gì cũng đúng quy trình, làm gì cũng đúng quy trình nhưng sai vẫn hoàn toàn sai.
Chẳng ai biết nổi cái quy trình ấy được làm thế nào đúng nhưng khi phát hiện ra cái sai là người ta đổ lỗi.
Câu chuyện của “hot girl” xứ Thanh, bà TrầnVũ Quỳnh Anh cựu Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Sở Xây dựng Thanh Hóa được ông Ngô Văn Tuấn “nâng đỡ không trong sáng” cũng là câu chuyện điển hình về quy trình.
Thời điểm đó, dư luận xã hội cũng đã đặt ra câu hỏi trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, trong đó có ông Trịnh Văn Chiến Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa.
Thật có lý khi mà ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bí thư Chiến: "Anh quản lý như thế nào mà để cán bộ mắc từ sai phạm này đến sai phạm khác, nhưng vẫn được thăng chức? Lãnh đạo thế nào mà xử lý vi phạm như kiểu "phủi bụi"?” (3).
Đến nay, nhân dân vẫn không tìm thấy được câu trả lời thỏa đáng từ các cơ quan chức năng.
Từ rất nhiều sự cố khác nhau trong xã hội, các nhà quản lý, các quan chức sẽ là những người luôn tìm ra thủ phạm, tất nhiên là họ trừ trách nhiệm của mình ra để đổ lỗi cho người khác.
"Trách nhiệm thuộc về ai?", câu hỏi không lời đáp? (Tranh minh hoa: ndiep) |
Mới đây, bàn về phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể ngày 4/6, nhiều chuyên gia cho rằng, bộ trưởng chỉ trả lời đúng 50-60% trọng tâm, còn đổ lỗi nhiều cho quá khứ, tiền nhiệm.
Trước đó, ngày 22/5, Bộ trưởng Thể đã cho rằng "BOT là sản phẩm của giai đoạn trước, nhiệm kỳ trước". Người dân phải giật mình vì đây được coi là một cách đổ lỗi rất… vô tư.
Nhưng nhiều người cũng đặt ngược lại với Bộ trưởng Thể rằng trong nhiệm kỳ đó ông Thể đang làm gì? Và ai cũng biết ông Thể lúc đó là Thứ trưởng của Bộ này, nghĩa là ông cũng trong nhiệm kỳ đó.
Bức xúc về BOT, tai nạn đường sắt, tắc đường, tai nạn giao thông xuất hiện nhan nhản trên phương tiện thông tin đại chúng nhưng Bộ trưởng vẫn… đổ lỗi. (4)
Nói về câu chuyện chối tội, đổ lỗi nhiều người cho rằng đó là một tâm lý rất bình thường của con người. Việc đổ lỗi cũng thể hiện sự yếu đuối của con người trước những biến cố của cuộc sống.
Thế nhưng, một con người tính trung thực, dám làm dám chịu trách nhiệm, biết dũng cảm nhận lỗi khi làm sai. Đó là con người có phẩm chất cao quý luôn được đề cao.
Nó đối lập hoàn toàn với con người thiếu bản lĩnh, sợ trách nhiệm tìm cách thoái thác đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Biết là như vậy nhưng xem ra việc nhận lỗi khó lắm, nhất là đối với giới quan chức khi mà sự thăng tiến được quyết định bởi các loại thành tích của họ.
Xưa nay chúng ta vẫn nói đến căn bệnh thành tích. Thậm chí, không biết từ bao giờ bệnh thành tích đã trở thành một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển của xã hội ta hiện nay.
Vẫn biết, học tập, lao động, chiến đấu, cá nhân nào cũng có ước muốn chính đáng là lập được nhiều thành tích tốt đẹp.
Nhưng cũng vì ham thành tích mà xuất hiện hiện tượng báo cáo láo, thổi phồng thành tích để lấy bằng khen, rước xách rầm rộ, liên hoan lu bù, báo công ầm ĩ.
Thời gian vừa qua không ít cán bộ bị tố khai báo gian dối để được phong danh hiệu này, cấp phát chế độ sinh hoạt kia. Và ngay cả đợt phong Giáo sư, Phó Giáo sư vừa qua cũng bị dư luận đặt câu hỏi nghi ngờ.
Hẳn mọi người vẫn không quên chuyện Trịnh Xuân Thanh đã từng được phong đến… anh hùng lao động. Đó là căn bệnh thiếu trung thực.
Những việc đổ lỗi, chối tội thanh minh, tranh công… đang diễn ra hàng ngày khiến chúng đang biến thành một căn bệnh, và là thứ văn hóa độc hại trong nhiều cơ quan công quyền.
Xã hội xảy ra không ít chuyện nổi cộm, sai phạm nhưng chẳng thấy ai tự đứng ra chịu trách nhiệm. Báo chí, truyền thông liên tục có nhưng bài viết về văn hóa từ chức… nhưng những người có trách nhiệm thì vẫn tìm đủ mọi lý do, nhận trách nhiệm một cách hình thức.
Trong nhiều bài học từ những lớp vỡ lòng, học sinh cũng đã được dạy về lòng tự trọng về và tính trung thực, không bao giờ lấy của người khác làm của mình, và nếu làm sai thì biết dũng cảm nhận lỗi.
Thế nhưng không hiểu vì sao người lớn dạy trẻ con những điều tốt đẹp như vậy mà họ lại làm ngược lại.
Trách nhiệm của người cán bộ chính là trách nhiệm với nhân dân - đã tin tưởng và giao phó bằng lá phiếu cử tri của mình.
Và nói như đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội: “Những người được trao quyền đó phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước về những quyền mà mình được trao. Nếu anh lạm dụng quyền được trao, báo cáo sai sự thật, thiếu trung thực thì cán bộ đó phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm”.
Người dân không thể chấp nhận khi trong bộ máy công quyền, bộ máy công chức, chính quyền của nhân dân đang ngấm ngầm chấp nhận thứ văn hóa độc hại đổ đổ lỗi cho người khác.
Người dân cần thấy được quyết tâm dám mổ xẻ những yếu kém, khuyết tật của bộ máy và chỉ rõ trách nhiệm cá nhân của những con người cụ thể trước mỗi vụ việc. Không ai muốn nghe lời đổ lỗi!
* Tài liệu tham khảo:
1. https://vov.vn/vov-binh-luan/vi-sao-thu-truong-bo-vhttdl-lai-de-dang-ky-1-van-ban-nhu-vay-632130.vov
2. https://tuoitre.vn/chu-tich-tinh-lam-lo-ten-nguoi-to-cao-ubnd-tinh-to-chuc-xin-loi-1328895.htm
3. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Bi-thu-Trinh-Van-Chien-khong-the-thoai-thac-trach-nhiem-post182300.gd
4. http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Dai-bieu-Luu-Binh-Nhuong-khong-dong-y-voi-bao-cao-cua-Bo-truong-Nguyen-Van-The-post186602.gd