Nội dung chất vấn xoay quanh giải pháp về chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập.
Giải pháp về tình trạng xuống cấp về chuẩn mực đạo đức, lối sống trong ngành giáo dục.
Dù sáng nay, Quốc hội mới bắt đầu phiên chính thức chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhưng tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chiều qua, một loạt câu hỏi của đại biểu liên quan đến trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được nêu ra.
Nhiều vấn đề nóng trong giáo dục sẽ được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: TTXVN) |
Cụ thể, đại biểu Triệu Thanh Dung (đoàn Cao Bằng) nêu, rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là thanh niên.
Chúng ta đã được nghe rất nhiều ý kiến trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.
“Tuy nhiên, cá nhân tôi rất mong muốn vấn đề này Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông tin thêm cho quý vị đại biểu Quốc hội và cử tri được biết về vấn đề phân luồng học sinh, tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông”, đại biểu Dung nêu quan điểm.
Theo đại biểu, đây là một bước rất quan trọng trong việc đào tạo và giải quyết việc làm.
Trong phần giải trình thêm các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh, về cơ cấu lao động, chúng ta không phải nói nhiều về tầm quan trọng của việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi cơ cấu lao động cũng như đánh giá về chất lượng đào tạo qua các bậc học.
Ngày mai đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục trả lời chất vấn chúng ta sẽ có dịp xem xét kỹ hơn.
Năm 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học sẽ đi học nghề |
Cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) cho biết, thời gian gần đây cũng như các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu thì tình trạng xâm hại trẻ em trong các cơ sở nuôi dạy trẻ em.
Đặc biệt ở các trường tư thục đang diễn biến phức tạp. Thứ hai là tỷ lệ huy động trẻ em đến nhà trẻ chỉ đạt 27,7%.
Theo đại biểu, tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân thiếu trường lớp nhà trẻ còn diễn ra ở nhiều nơi.
Trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội, đại biểu có đề xuất một phương án là nhà nước cần quan tâm hơn đến đầu tư cho các cơ sở nuôi dạy trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi và bậc học mầm non bởi vì bậc học mầm non hiện nay được đầu tư thấp nhất.
“Do vậy, tôi xin gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng cũng như chuyển câu hỏi này đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này là như thế nào?”, đại biểu Bình đặt câu hỏi.
Trước đó, trong báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri do Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày cũng đã nêu một số ý kiến của cử tri về giáo dục.
Trong đó, cử tri có kiến nghị về chương trình giáo dục, đào tạo còn bất cập; tình trạng dạy thêm, học thêm, lạm thu xảy ra ở nhiều nơi; mất an toàn thực phẩm...
Đặc biệt, tại kỳ họp này cử tri Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường có dấu hiệu gia tăng, mối quan hệ giữa phụ huynh học sinh với giáo viên, giữa giáo viên và học sinh xuất hiện một số vụ việc có biểu hiện bất bình thường, trái với truyền thống tôn sư trọng đạo.