Trái ngược ngày thi đầu tiên, hôm 5/6 thời tiết ở Quảng Bình có mưa, trời mát mẻ, các thí sinh thi vào lớp 10 bước vào phòng thi với tâm trạng dễ chịu, bớt căng thẳng hơn.
Bên ngoài phòng thi, nhiều phụ huynh che ô, mặc áo mưa ngồi đợi con. Những phụ huynh này chủ yếu là người ở xa, có những người ở cách điểm thi đến mấy chục cây số.
Thỉnh thoảng, họ lại ngóng vào phía trong cổng trường đã được khoá chặt, hồi hộp không kém những sĩ tử đang tập trung cao độ làm bài.
Trong số những phụ huynh này, có rất nhiều người là nông dân, hiện đang vào thời điểm gieo cấy mùa màng, họ đã gác lại việc đồng áng để đưa con đi thi.
Các phụ huynh đội mưa chờ con thi. (Ảnh: Thủy Phan) |
Chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1978, trú xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) có con trai đăng ký thi vào lớp chuyên Toán Trường trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp.
Nhà chị Cúc cách điểm thi gần 50 km. Hai hôm nay, sáng nào mẹ con chị cũng dậy sớm và chạy xe máy đi thi. Buổi trưa ở lại nhà người quen, buổi chiều thi xong lại chạy xe về nhà.
Hiện tại, người dân quê chị đang tất bật làm đất, ngâm giống để chuẩn bị gieo vụ lúa hè – thu.
Nhà chị Cúc làm một mẫu đất ruộng, công việc ở quê đang rất bận rộn, nhưng chị đã gác lại để tranh thủ đưa con đi thi.
Chị tâm sự, người dân ở quê chị sống chủ yếu bằng nghề rừng, làm nương rẫy… nên rất ít gia đình cho con ăn học. Phần lớn, các cháu chỉ học đến lớp 9 rồi nghỉ học đi làm rẫy.
Vợ chồng anh chị cũng nuôi con dựa vào ruộng và nương rẫy. Cuộc sống nhiều vất vả và khó khăn, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của anh chị là cả 3 đứa con đều ham học.
Nhiều thí sinh kêu khó phần làm Văn thi vào Trường Chuyên Võ Nguyên Giáp |
Vì vậy, dù vất vả đến đâu anh chị cũng cố gắng làm lụng, thậm chí là vay mượn thêm để con cái được học hành đến nơi đến chốn.
“Nếu con thi đỗ vào học trường này thì sẽ phải ở xa nhà, nhiều vất vả hơn.
Nhưng chúng tôi luôn mong con được học trong môi trường tốt để có điều kiện phát huy khả năng của con”, chị Cúc giãi bày mong muốn.
Tương tự chị Cúc, nhiều gia đình khác ở các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Quảng Ninh… cũng gác lại việc đồng áng để đưa con về đây.
Từ huyện Bố Trạch đưa em vào thành phố Đồng Hới thi, Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1998, ở xã Hải Trạch) mặc áo mưa ngồi ngoài cổng chờ trong khi trời mưa khá nặng hạt.
Hà cho biết: “Đợt này bố mẹ làm mùa, em được nghỉ hè nên tranh thủ về đưa đứa em đi thi giúp bố mẹ.
Nhà em ở cách đây khoảng 25 km, nhưng buổi nào thi xong chị em cũng chở nhau về nhà vì trong này không có người quen”.
Hà tâm sự thêm, trước đây em từng thi vào Trường Chuyên Võ Nguyên Giáp nhưng bị trượt.
Em thấy đây là một môi trường học tập rất tốt, nên mong em trai mình thi đỗ để có điều kiện học tập tốt hơn, phát huy được thế mạnh của mình.
Cuối giờ chiều 5/6, các thí sinh thi vào Trường trung học phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp (Quảng Bình) đã kết thúc kỳ thi của mình.
Các thí sinh thi vào Trường trung học phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành kỳ thi của mình. (Ảnh: Thủy Phan) |
Bài thi môn Toán vào buổi sáng, nhiều giáo viên nhận định đề thi có tính phân loại cao. Học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản thì có thể dễ dàng đạt được 5-6 điểm.
Với môn chuyên vào buổi chiều, là sở trường của các thí sinh. Tuy nhiên, để vượt qua tỷ lệ chọi đòi hỏi mỗi thí sinh phải nắm vững kiến thức, tập trung cao độ cho bài thi.
Môn chuyên là yếu tố quan trọng nhất với mỗi học sinh để vào trường Trung học phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp.
Trời mưa nặng hạt, các sĩ tử vẫn che ô dò đáp án. (Ảnh: Thủy Phan) |
Khi lọt qua kỳ thi này, các sĩ tử sẽ có điều kiện tìm hiểu sâu hơn bộ môn mình yêu thích, có cơ hội tham gia nhiều kỳ thi lớn để noi theo gương em Nguyễn Thế Quỳnh – cậu học trò nghèo chinh phục trường đại học số 1 thế giới vừa qua.