Hồi năm 2014, Bộ trưởng Giáo dục lúc đó là ông Phạm Vũ Luận phát biểu “Triết lý giáo dục của Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương”. Nghị quyết này dài 12 trang và khoảng 7.000 chữ.
Sáng ngày 6/6, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải mang “Triết lý” này ra chất vấn Bộ trưởng Giáo dục đương nhiệm bằng câu hỏi “nếu cần đúc rút một câu ngắn gọn về triết lý giáo dục thì đó là gì thưa Bộ trưởng?”.
Trước câu hỏi hóc búa, chủ trì phiên chất vấn “đỡ” lời “câu hỏi này cần có một hội thảo khoa học thì Bộ trưởng mới có câu trả lời” và đề nghị “cần tổ chức một hội thảo khoa học về triết lý giáo dục Việt Nam”.
Triết lý giáo dục Việt Nam (Ảnh minh họa: Satế). |
Trên thế giới chắc chắn không quốc gia nào có triết lý giáo dục dài 12 trang giấy vì nó không thể kết cấu thành câu nói cửa miệng, không thể phát biểu đầy đủ mọi lúc, mọi nơi.
Có thể hiểu nôm na triết lý giáo dục là một “slogan” đúc kết những gì nền giáo dục muốn hướng đến, đã là triết lý thì phải đạt đến tầm tư duy lý luận, gọi tắt là một loại tư tưởng.
Triết lý không phải là Triết học vì triết lý vẫn chỉ là một dạng nhận thức thấp hơn Triết học.
Trước đây giới nghiên cứu có tranh luận vấn đề Việt Nam có Triết học hay không?
Đa số thống nhất dân tộc ta chưa có Triết học theo kiểu phương tây mà chỉ có triết lý Việt Nam. Trong đó có triết lý về giáo dục.
Triết lý dễ dàng thay đổi qua từng giai đoạn nhưng Triết học dường như vĩnh viễn.
Trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định giáo dục phải là “Dân tộc - Dân chủ - Khoa học” và được coi là triết lý giáo dục trong giai đoạn lịch sử đó.
Những khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” hay “Học đi đôi với hành” cũng có thể xem là một triết lý giáo dục.
Người Pháp có triết lý “Sau phổ thông có thể đi làm”; người Nhật “Giáo dục đạo đức là cốt lõi”; người Đức “Nhân bản, thực tiễn”; Phần Lan “Tuyệt đối tin trẻ”.
Việt Nam đã từng có triết lý giáo dục nhưng không hiểu sao chẳng còn ai nhắc đến và bổ sung.
Chỉ đến khi nền giáo dục đối mặt với nhiều thử thách người ta mới tá hỏa đi tìm rồi tranh cãi, và đến thời điểm này vẫn rơi vào bất định.
Câu trả lời bị gác lại, cũng có nghĩa đến giờ phút này giáo dục nước nhà vẫn chưa thể tìm ra một phát biểu đủ tầm triết lý.
Không biết thế nào nếu một nền giáo dục đào tạo của hơn 90 triệu con người như con thuyền hỏng máy lênh đênh trên biển.
Triết lý giáo dục như chiếc la bàn định hướng, nó khái quát nhưng không phải trừu tượng, nó rộng lớn nhưng rất cụ thể, “giáo dục là con người”, “giáo là trận đánh” không sai chút nào nhưng cũng chưa đủ để lấy làm triết lý.
Triết lý giáo dục không hiện ra một cách tự nhiên như gan tiết ra mật, nếu vậy người ta không mất công tìm kiếm.
Triết lý giáo dục như cái khuôn đúc ra chiếc bánh, khuôn thế nào sản phẩm thế ấy.
Ví dụ người Pháp, vốn dĩ lãng mạn nhưng triết lý của họ nghe có vẻ không sang trọng bóng bẩy, nhưng để làm được điều đó không đơn giản, soi vào Việt Nam tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ chưa chắc đi làm được.
Không đi làm được có hai lý do, một là thiếu việc làm; hai là thiếu kỹ năng.
Như vậy, 8 chữ người Pháp hướng đến giải quyết hai vấn đề mà hầu hết nền kinh tế hiện nay phải đau đầu: giải quyết tình trạng thất nghiệp và trang bị kỹ năng cho con người.
Triết lý giáo dục đang tồn tại trong mọi hoạt động giáo dục đang diễn ra hàng ngày, với vô vàn biểu hiện dưới dạng khác nhau, khi nào rút ra được “dòng chảy” chủ đạo của vô vàn biểu hiện ấy tức là xác định được triết lý giáo dục.
Đương nhiên, rút cái gì và lược bỏ cái gì phải căn cứ vào yêu cầu từng thời kỳ, xu thế thời cuộc, trong đó giữ lại cái cốt lõi xuyên suốt.
Triết lý giáo dục phải được “gò” sao cho phù hợp với thực tiễn chứ không phải là quá trình tự nhiên thuần túy.