Cô giáo dạy Sử hướng dẫn cách ôn thi trắc nghiệm trước khi thi quốc gia

10/06/2018 06:33
Phương Linh
(GDVN) - Theo cô Huỳnh Thị Tám, học sinh khi ôn nên chú trọng vào các kỹ năng thực hành, luyện các dạng câu hỏi thường gặp trong đề thi.

Cùng với nhiều học sinh khối 12 trong cả nước, chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa, hàng chục ngàn học sinh của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, một kỳ thi rất quan trọng của đời học sinh.

Trước khi kỳ thi bắt đầu, cô Huỳnh Thị Tám – tổ trưởng tổ Sử, Trường trung học phổ thông Trưng Vương, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã có một số lời khuyên, tư vấn trong việc ôn tập môn Sử.

Học sinh khối 12 Trường Trưng Vương trong giờ ôn tập trước khi thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)
Học sinh khối 12 Trường Trưng Vương trong giờ ôn tập trước khi thi trung học phổ thông quốc gia (ảnh: P.L)

Theo cô Tám, học sinh nên nắm bắt được một số các kỹ năng ôn luyện cơ bản đối với việc làm bài trắc nghiệm môn Sử, đó là:

-   Đọc hiểu vấn đề và xác định phương án trả lời theo yêu cầu câu hỏi.

-   Đọc hiểu thông tin (đề thi có câu hỏi liên quan đến đọc hiểu một đoạn văn bản, câu nói, tuyên ngôn…,sẽ yêu cầu thí sinh phải hiểu sự kiện để lựa chọn).

-   So sánh, tổng hợp, khái quát và kết nối các sự kiện, hiện tượng lịch sử giữa các  bài, giai đoạn có liên quan (Ví dụ: nghệ thuật quân sự, đấu tranh ngoại giao…).

-  Tư duy, suy luận, kết nối các dữ kiện lịch sử ( từ các dữ kiện lịch sử cho sẳn,các em phải biết suy luận, kết nối với lịch sử để đưa ra đáp án đúng).

-   Vận dụng, liên hệ kiến thức đã học với thực tiễn ( ví dụ như: tác động của cuộc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật  hiện đại đối với Việt Nam, vấn đề chủ quyền biển đảo…).

-   Ôn luyện các dạng câu hỏi thường gặp trong bộ đề trắc nghiệm ( theo định hướng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Để học và ôn tập tốt môn Lịch Sử, học sinh cần biết:

Học sử, các em nên học theo giai đoạn. Cụ thể  lịch sử Việt Nam có các giai đoạn sau: 1919-1930; 1930-1945; 1945-1954; 1954-1975; 1975-2000… 

Học sinh cần nắm vững những kiến thức cơ bản của từng giai đoạn. Muốn vậy, hãy soạn đề cương về những vấn đề cơ bản của từng giai đoạn đó.

Mỗi giai đọan lịch sử thường có những sự kiện nổi bật gắn với những nhân vật lịch sử tiêu biểu, đánh dấu những bước phát triển (hoặc đôi khi có sự thụt lùi) của lịch sử.

Từ đó có thể so sánh các giai đọan lịch sử với nhau, rút ra những bài học lịch sử, thấy được những nguyên nhân thành công hay thất bại gắn liền với công hay tội của người lãnh đạo.

Khi soạn đề cương cho từng giai đoạn, các em  nên hệ thống kiến thức, hệ thống những vấn đề trọng tâm, những câu hỏi liên quan đến vấn đề đó.

Học sinh nên tập trung học dứt điểm một vấn đề, một giai đoạn, đừng học “nhảy cóc” lung tung.

Khi học, các em nên sơ đồ hoá kiến thức một cách ngắn gọn cho dễ nhớ. Ví dụ:Sử thế giới khi  học về các nước: Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản…các em lập sơ đồ về nguyên nhân phát triển kinh tế của các nước này để thấy được nét tương đồng của nó.

Học bằng cách sơ đồ hoá kiến thức như vậy vừa dễ nhớ, vừa rèn luyện được kỹ năng làm bài, từ tổng hợp đến khái quát và triển khai các ý.

Trong quá trình học phải biết xác định những kiến thức cơ bản, trọng tâm (thường là đoạn đầu, câu đầu của đoạn), không nên trong sách giáo khoa có gì là học nấy.

Nếu không có phương pháp, không biết đâu là kiến thức cơ bản mà cố nhồi nhét tất cả vào trong đầu thì rất dễ “tẩu hỏa nhập ma”, khi thi sẽ lẫn lộn, không có trọng điểm.

Nên tập dợt làm thử vài đề thi để thuần thục sau khi nắm chắc nội dung kiến thức. Điểm lưu ý là phải canh thời gian làm bài để còn 2 -3 phút cuối dò lại bài làm của mình trước khi nộp.

Phương Linh