Mùa thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia năm nay là lần thứ hai, môn Địa được đưa vào danh sách các môn thi dưới hình thức thi trắc nghiệm.
Cô Ngô Thị Như Hiền – giáo viên môn Địa, Trường trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thi trắc nghiệm môn Địa muốn đạt điểm cao sẽ rất khó, đòi hỏi rất lớn sự đầu tư trong ôn tập, kỹ năng làm bài của học sinh.
Năm nay là năm đầu tiên, trong đề thi sẽ có cả chương trình của lớp 11, nên muốn làm bài thi cho tốt, học sinh cần lưu ý vấn đề sau:
Nắm vững cấu trúc đề thi: Căn cứ theo đề thi minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 1/2018, đề thi sẽ bao gồm 40 câu, bao gồm lý thuyết của lớp 12 là 19 câu (địa lí tự nhiên 2 câu, địa lí dân cư 1 câu, địa lí các ngành kinh tế 7 câu, địa lí các vùng kinh tế 9 câu), lý thuyết của lớp 11 là 6 câu (địa lí một số quốc gia và khu vực có 5 câu, khái quát nền kinh tế xã hội, thế giới 1 câu).
15 câu hỏi còn lại của đề sẽ thuộc về hai phần: Thực hành lớp 12 (13 câu) và thực hành lớp 11 (2 câu).
Học sinh Trường trung học phổ thông Gia Định trong giờ ôn tập cho kỳ thi quốc gia năm 2018 (ảnh: P.L) |
Trong đó sẽ có 10 câu yêu cầu học sinh đọc Atlat Địa lí Việt Nam, các câu còn lại sẽ yêu cầu học sinh làm việc với các biểu đồ, bản đồ.
Nếu nắm vững cấu trúc đề thi, học sinh sẽ có hướng ôn tập cho phù hợp với thời gian còn lại nhất.
Vì là năm đầu tiên áp dụng việc đưa các kiến thức của lớp 11 vào đề thi, nên các câu hỏi sẽ phần lớn thuộc về mức độ nhận biết và thông hiểu. Học sinh chỉ cần nắm vững, tốt kiến thức trong sách giáo khoa là có thể làm được phần này.
Đối với phần kiến thức lớp 12 sẽ giữ vai trò phân hóa trình độ, nên học sinh cần phải có đủ 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Chính vì vậy, muốn đạt được điểm cao ở môn Địa lí, học sinh ngoài việc nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, các em còn cần phải tìm các mối liên hệ trong Địa lí.
Biết đọc và phân tích Atlat là một lợi thế: Cần nắm vững phương pháp sử dụng Atlat như: Biểu hiện các đối tượng địa lí, kí hiệu, mối quan hệ giữa các đối tượng trên Atlat.
Việc rèn luyện kỹ năng sử dụng bản đồ, đọc Atlat thường xuyên sẽ giúp các thí sinh khai thác hiệu quả những nội dung do Atlat truyền tải một cách triệt để.
Rèn luyện kỹ năng nhận biết, làm việc với các biểu đồ, bảng số liệu: Học sinh cần nghiêm túc chú trọng kỹ năng phân tích bảng số liệu, biểu đồ. Đối với các biểu đồ, học sinh cần nắm được các cụm “từ khóa, lời dẫn” của từng dạng đề khi đặt câu hỏi lên, có cụm từ nào thì ta nhận biết ngay dạng biểu đồ đó.
Thường xuyên làm đề: Muốn được điểm cao thì học sinh cần thường xuyên làm được các đề ví dụ.
Cuối cùng: Học sinh cần biết phân bố thời gian làm bài cho đủ hết 40 câu hỏi trắc nghiệm, câu nào dễ cảm thấy làm được thì phải làm ngay, lúc đó tâm lý làm bài của học sinh sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
Đối với những câu hỏi khó, nếu không thể tìm ra được đáp án, thì có thể sử dụng kỹ năng phỏng đoán loại trừ để tìm cho mình một đáp án thích hợp nhất, không bỏ trống bất kỳ câu hỏi trắc nghiệm nào.
Học sinh cũng cần cẩn thận với các câu hỏi phủ định: Tìm câu không đúng/sai, vì các câu này, học sinh thường đọc vội vàng, dễ làm sai yêu cầu dẫn đến việc mất điểm.