Trung Quốc tập trận chống B-52 Mỹ ở Biển Đông, Anh-Pháp sẽ điều chiến hạm tới

17/06/2018 12:33
Hồng Thủy
(GDVN) - Cạnh tranh và ma sát giữa Trung Quốc với Mỹ trên Biển Đông sẽ vẫn tiếp tục trong thời gian tới, nhưng nguy cơ xung đột đối đầu giữa 2 siêu cường không cao.

South China Morning Post ngày 15/6 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại những lo ngại sâu sắc của Mỹ với ông Tập Cận Bình hôm thứ Năm 14/6 về việc Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa (bất hợp pháp) trên "vùng biển tranh chấp" ở Biển Đông.

Ngay ngày hôm sau, Bắc Kinh công bố thông tin hải quân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận chống tập kích đường không trên Biển Đông tuần qua.

Trung Quốc đã sử dụng 3 máy bay không người lái làm "quân xanh" tập kích các mục tiêu trên biển ở độ cao và phương hướng khác nhau để nâng cao khả năng tác chiến cho hải quân nước này trong thực tế.

Hình minh họa, cuộc tập trận của Trung Quốc tuần qua được cho là nhằm phản ứng với việc Mỹ kéo B-52 đến gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nguồn: Youtube.
Hình minh họa, cuộc tập trận của Trung Quốc tuần qua được cho là nhằm phản ứng với việc Mỹ kéo B-52 đến gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), nguồn: Youtube.

3 chiếc máy bay không người lái này đã tham gia hơn 30 cuộc tập trận trước đó với hàng trăm lượt xuất kích.

Bắc Kinh không công bố chi tiết thời gian, địa điểm cuộc tập trận, nhưng lựa chọn thời điểm Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh để công bố tin này.

Tháng trước, Trung Quốc đã khiêu khích Hoa Kỳ bằng cách điều máy bay ném bom H-6K ra tập trận (bất hợp pháp) ở đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).

Chỉ vài ngày sau, Lầu Năm Góc tuyên bố hủy lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 như phản ứng ban đầu với việc Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.

Tiếp đó Mỹ đã điều 2 chiếc máy bay ném bom B-52 bay cách (đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở) quần đảo Trường Sa 32 km vào tuần trước.

Giáo sư Li Mingjiang từ Trường S. Rajaratnam, Singapore bình luận:

"Biển Đông rộng lớn kết nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, có tầm quan trọng chiến lược về an ninh, quân sự, vì thế bất kỳ quốc gia nào thống trị vùng biển này đều có lợi thế.

Nhưng Trung Quốc dường như không làm theo những gì Mỹ muốn, đồng thời Bắc Kinh đang mở rộng sự hiện diện quân sự của họ trên Biển Đông với mục tiêu biến vùng biển này thành ao nhà, đặt dưới sự thống trị quân sự của họ."

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại lo ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông hôm 14/6, ảnh: The Nation.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhắc lại lo ngại của Hoa Kỳ về việc Trung Quốc đảo hóa, quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông hôm 14/6, ảnh: The Nation.

Theo ông Li Mingjiang, hiện không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc và Hoa Kỳ có sự thỏa hiệp trong vấn đề Biển Đông. [1]

Cũng trong ngày thứ Sáu 15/6 truyền thông Trung Quốc đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thị sát căn cứ hải quân tại Thanh Đảo, Sơn Đông ngày 11/6.

Tại đây ông yêu cầu hải quân Trung Quốc "phải tận dụng từng phút để cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, tập trung vào kế hoạch huấn luyện, phát triển vũ khí trang bị và tối ưu hóa hệ thống chỉ huy".

Ông yêu cầu hải quân Trung Quốc phải chú ý phát triển lực lượng không quân, phòng không của hải quân.

Chủ tịch Trung Quốc cũng thăm 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân mang số hiệu Changzheng 16 (Trường chinh 16), loại tàu ngầm mới nhất và có khả năng tấn công mạnh nhất của hải quân nước này.

Đây là lần thứ 2 ông Tập Cận Bình lên 1 chiếc tàu ngầm hạt nhân. Lần đầu tiên diễn ra vào tháng Tư 2013 khi ông đến Tam Á, Hải Nam. [2]

Trong bối cảnh đó, các tàu chiến của 2 cường quốc hải quân châu Âu, Anh và Pháp, sẽ tới Biển Đông nhằm phô diễn sức mạnh hải quân.

Theo các nhà phân tích, hoạt động quân sự này của Paris và London ở Biển Đông nhằm 3 mục đích: biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng; chứng minh tính ưu việt trong công nghệ quân sự; giúp Hoa Kỳ duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông trước sự bành trướng của Trung Quốc.

Hoạt động tuần tra ở Biển Đông của chiến hạm Anh, Pháp đã được Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước này công bố tại Đối thoại An ninh Shangri-la vừa qua. [3]

Nguồn:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2150957/chinese-navy-deploys-drones-south-china-sea-missile

[2]https://www.straitstimes.com/asia/east-asia/chinese-president-xi-urges-navy-to-boost-combat-readiness-build-aviation-forces
[3]https://www.voanews.com/a/france-britain-ships-south-china-sea-china/4440197.html

Hồng Thủy