Tại Hội nghị, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời bày tỏ các dự định đầu tư vào đây.
Trước sự chứng kiến của Thủ tướng, Thành phố Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án với tổng số vốn tương đương hơn 17 tỷ USD và với kết quả này, Hà Nội tạm vượt lên đứng thứ nhất cả nước trong năm nay về thu hút FDI.
Thủ tướng trao giấy chứng nhận đầu tư. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận con số hơn 17 tỷ USD đạt được là một cố gắng rất lớn của Hà Nội.
Cho rằng tinh thần doanh nhân đã thấm sâu và bền vững trong văn hóa của người Hà Nội, góp phần làm nên Hà Nội 36 phố phường nổi tiếng, Thủ tướng nêu rõ, đây không chỉ là truyền thống mà còn là tài sản vô hình quý giá thu hút các nhà đầu tư, làm động lực để tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng nhắc lại, trong Hội nghị xúc tiến đầu tư của Hà Nội năm 2017, ông đã nói rằng để thu hút được nhiều nhà đầu tư, lôi cuốn những ý tưởng xuất sắc và tầng lớp tinh hoa đến với Hà Nội, chính quyền Hà Nội phải hành động hiệu quả mỗi ngày, có phương thức kết nối, đồng hành, động viên toàn diện sự tham gia sâu sắc của người dân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào mục tiêu chung về một Hà Nội xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, bản sắc, hướng tới một thành phố toàn cầu, một Thủ đô có vị thế nổi bật trong lòng cộng đồng ASEAN và rộng hơn.
Thủ tướng đặt vấn đề, vậy sau hơn 1 năm, Hà Nội đã làm được những gì để đạt được mục tiêu đó.
Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, kinh tế Thủ đô phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá cao.
Hà Nội đang dần khẳng định mình là Thành phố đáng trải nghiệm, là trung tâm du lịch mới nổi của ASEAN.
Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký kinh doanh qua mạng đạt 100%. Kê khai thuế điện tử đạt 98%. Hà Nội đang hướng đến một nền hành chính phi giấy tờ.
“Và như có đồng chí đã nói, Hà Nội đã khác, sắp hết câu hay nói: "Hà Nội không vội được đâu" và sẽ thành câu "Hà Nội, không vội không xong”". Một chính quyền năng động, quyết đoán đã thể hiện rõ ở Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển Hà Nội. |
Tuy nhiên, bên cạnh thành quả đạt được, Thủ tướng cho rằng, Hà Nội đang phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong môi trường đầu tư.
Theo đó, điểm yếu cần quan tâm là chỉ số tiếp cận đất đai của Hà Nội mặc dù tăng 4 bậc so với năm trước nhưng vẫn thấp.
Môi trường kinh doanh tốt nhiều khi thể hiện rất giản dị như thành lập doanh nghiệp nhanh chóng, nộp thuế phải thật dễ dàng, thuận lợi.
Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì nộp thuế tại Hà Nội còn phiền hà. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của Hà Nội còn ở mức thấp. Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở cần phải tăng cường hơn. Chỉ số công khai minh bạch cần cố gắng hơn.
Để hiện thực hóa tầm nhìn xây dựng một đô thị sáng tạo, văn minh, hiện đại, nhưng không mất đi giá trị văn hóa đặc sắc của một Thủ đô ngàn năm văn hiến, theo Thủ tướng, còn rất nhiều việc phải làm.
Thủ tướng mong muốn chính quyền Thành phố cần tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa và lưu ý một số điểm.
Hà Nội cần tìm kiếm động lực tăng trưởng mới với chính sách đột phá, bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, cần phóng tầm nhìn đến những khu vực tiềm năng, những quận, huyện mới.
Thủ tướng lấy dẫn chứng về sự phát triển của Cầu Giấy mà cách đây vài chục năm còn là huyện rất nghèo. Nay giá trị công nghiệp của Cầu Giấy lên tới 45.000 tỷ đồng, tăng 77 lần. Dịch vụ tăng 38 lần, đạt con số trên 100.000 tỷ đồng. Thu ngân sách trên 7.000 tỷ đồng.
Theo Thủ tướng, điều này cho thấy cần quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả, phù hợp với cơ cấu kinh tế trong tương lai, hài hòa, cân đối lợi ích ngắn hạn và dài hạn.
Tránh tình trạng dồn quỹ đất cho dự án tăng trưởng ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn đến khi thực hiện mục tiêu dài hạn thì không còn đất. Đất đai là cần câu chứ không phải con cá.
Vì vậy, Hà Nội cần quy hoạch hợp lý và kết nối Khu công nghệ cao Láng – Hòa Lạc với các trường đại học và cộng đồng doanh nghiệp Hà Nội, rộng hơn là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thủ tướng trao cờ thi đua. |
Hà Nội là nơi có tiềm năng rất lớn về công nghệ và đang trên đường đi vào kinh tế số hóa, kinh tế tri thức một cách tích cực.
Đó là một hướng để xây dựng động lực tăng trưởng mới. Hà Nội cần đi đầu trong cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số ở nước ta.
Cần đẩy nhanh triển khai dự án thành phố thông minh thông qua việc kiến tạo môi trường sáng tạo, minh bạch và hiện đại hóa bộ máy quản lý hành chính để tạo bước phát triển đột phá về kinh tế xã hội.
Hà Nội cần phát huy vai trò là cái nôi của cả nước trong đào tạo nhân tài, hiền tài trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, toán học, vật lý, tin học… Cần có cơ chế tốt, huy động nhân tài, đóng góp cho sự phát triển của Thủ đô.
Hà Nội cần đi đầu trong đổi mới thể chế, môi trường kinh doanh, đặc biệt tập trung vào những hạn chế, yếu kém đã nêu trên. Cần lắng nghe doanh nghiệp nhiều hơn, chủ động tháo gỡ khó khăn.
Thủ tướng nêu rõ, rất nhiều thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nằm ở cấp quận, huyện, xã, phường. Do đó, cấp này cần “nóng lên” vì sự phát triển của Thủ đô.
Để giảm thời gian và lượng người tham gia giao thông trên đường, mọi giao dịch hành chính, giao dịch công nên tăng cường thực hiện trực tuyến.
Hà Nội cần đi đầu cả nước về ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ công, kỹ thuật, hạ tầng.
“Toàn bộ thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp ở Hà Nội thì người dân cơ bản không phải đến trụ sở cơ quan Nhà nước được không?
Singapore đã làm được điều này thì thời gian tới, Hà Nội có làm được hay không?”, Thủ tướng đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cho biết sẽ thực hiện được việc này.
Thủ tướng đề nghị tăng cường xây dựng cơ sở công cộng phục vụ công chúng như không gian chung, phố đi bộ, nhà vệ sinh, công viên…
Chúc mừng các nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký thỏa thuận đầu tư tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng đây là chính là thời cơ của doanh nghiệp chứ không chỉ là thời cơ của Hà Nội; đồng thời lưu ý cần xóa bỏ khoảng cách giữa giấy tờ và hiện thực.
Thủ tướng nêu rõ việc giải phóng mặt bằng liên quan đến người dân, nhất là nông dân, phải hợp tình, hợp lý và thuyết phục. Thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch cho tốt. Phải quan tâm bảo vệ môi trường sống cho người dân.