Ngày 7/5/2018 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam khai mạc Lớp đào tạo giảng viên quốc gia về quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự và khai mạc lớp đào tạo. Tham dự khai mạc lớp đào tạo còn có Tiến sĩ Kidong Park - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh và gần 40 học viên là các Bác sỹ đến từ các bệnh viện trường Đại học Y Dược.
Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã nêu rõ các mục tiêu liên quan đến bệnh không lây nhiễm, đó là tỷ lệ phần trăm trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm đến năm 2025 là 95% và đạt 100% vào năm 2030.
Đây là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị và ngành y tế cần thực hiện. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định 376 ngày 20/3/2015 về Chiến lược quốc gia về phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025, Quyết định số 2348 ngày 05/12/2016 về củng cố và tăng cường y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng đã ban hành các phác đồ, hướng dẫn quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm khá chi tiết, đầy đủ.
Tuy nhiên, nhiều địa phương còn chưa xây dựng các kế hoạch triển khai cụ thể, một số tỉnh còn có tâm lý chờ đợi kinh phí, hỗ trợ của Trung ương.
Câu hỏi đặt ra là với hơn 11.000 trạm y tế xã, phường trên cả nước, khi nào có thể triển khai được quản lý bệnh không lây nhiễm, trước mắt là tăng huyết áp và đái tháo đường tại trạm y tế xã.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết: bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe ban đầu tuy là hai vấn đề nhưng thực chất là một vấn đề.
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu khai mạc lớp đào tạo (Ảnh: moh.gov.vn) |
Việc quản lý tốt hơn bệnh không lây nhiễm chỉ có thể thực hiện khi chúng ta tăng cường năng lực cho các đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Mặt khác thông qua nâng cao năng lực quản lý các bệnh không lây nhiễm ở các trạm y tế xã chúng ta có thể tăng cường năng lực chung cho các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tăng huyết áp và đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của bệnh tim mạch và cũng là những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất ở Việt Nam và toàn cầu.
Tăng huyết áp và đái tháo đường có thể được chẩn đoán và quản lý dễ dàng ở tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sớm của bệnh tim mạch.
Việt Nam ngày càng làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe toàn dân |
Tại Việt Nam, theo báo cáo kết quả điều tra các yếu tố nguy cơ của một số bệnh không lây nhiễm năm 2015, tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp là 18,9, tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ đái tháo đường là 4,1%.
Trong đó, con số đáng lo ngại là tỷ lệ người được phát hiện, quản lý điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường còn rất thấp. Trong số người tăng huyết áp, chỉ có 43,1% từng được chẩn đoán bởi bác sỹ trước đó (tương đương với 56,9% chưa được phát hiện).
Tỷ lệ tăng huyết áp được quản lý tại cơ sở y tế chỉ có 13,6%. Đối với đái tháo đường, chỉ có 31,1% từng được chẩn đoán bởi bác sỹ trước đó (tương đương với 68,9% chưa được phát hiện); tỷ lệ được quản lý tại cơ sở y tế là 28,9%.
Để đáp ứng về sự gia tăng của bệnh không lây nhiễm và khoảng trống trong quản lý, điều trị, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2559/QĐ-BYT ngày 20/04/2018 về Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018-2020.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của kế hoạch là tổ chức lớp đào tạo giảng viên khu vực về quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình.
Trên cơ sở kết quả của lớp tập huấn, các giảng viên sẽ tổ chức tập huấn và hướng dẫn triển khai thực hiện, theo dõi hỗ trợ cho các tỉnh theo kế hoạch được phân công. Vì vậy, lớp tập huấn này có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm (http://moh.gov.vn) |
Tại khóa học này các giảng viên sẽ tập trung hướng dẫn các nội dung như: Phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, cách thức quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường, đánh giá nguy cơ tim mạch; hướng dẫn thực hành và thảo luận các ca lâm sàng cụ thể; Dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong quản lý điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường.
Thực hành giáo dục bệnh nhân về tuân thủ điều trị, giảm ăn muối, dinh dưỡng hợp lý, hoạt động thể lực; Truyền thông về tăng huyết áp, đái tháo đường và giảm ăn muối tại cộng đồng; Tích hợp nguyên lý y học gia đình trong quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường;
Hướng dẫn chung về triển khai hoạt động dự phòng, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm tại tuyến y tế cơ sở; Thống kê báo cáo và sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế.