LTS: Nhân kỉ niệm 93 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tác giả Phan Tuyết - một cây bút quen thuộc đã gửi đến Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam những suy nghĩ cũng tâm tư, tình cảm của mình đối với quý Báo.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Không ít lần, tôi chứng kiến cảnh các đồng nghiệp rỉ tai nhau “Có bài này viết về giáo dục hay lắm, đọc chưa?”, “Báo Giáo dục Việt Nam chứ gì? Mới đọc sáng nay”… người biết rồi họ bàn tán về nội dung bài báo.
Người chưa đọc họ cho nhau đường link, người chưa biết đến báo lại được nghe giới thiệu “muốn biết về tình hình giáo dục nước nhà ở khắp nơi, cứ vào Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam là đầy đủ nhất”.
Có thể nói những bài viết được phản ánh trên mặt báo đặc biệt chuyên mục Giáo dục 24H luôn đa dạng, phong phú về thể loại và nội dung.
Chuyên mục Bạn đọc thẳng thắn vạch trần những khuất tất trong chi tiêu nội bộ, trong cách hành xử thiếu văn hóa của cán bộ lãnh đạo với giáo viên… vì thế, lượng bạn đọc đến với báo ngày càng nhiều và cũng khá đa dạng.
Đó là tầng lớp giáo viên, những người được xem là yếu thế trong ngành vì tiếng nói của họ khá lẻ loi, yếu ớt.
Họ tìm đọc những bài báo đăng trên chuyên mục Giáo dục 24H để tìm thấy mình trong đó, để tự an ủi chính mình, để tìm một chỗ dựa tinh thần khi nhiều cái sai bị lên án, bị vạch trần.
Dù câu chuyện ấy xảy ra ở nơi khác nhưng nhiều thầy cô cũng rất vui vì giáo viên đã được chở che, được bảo vệ.
Đó là những vị lãnh đạo, những cán bộ quản lý từ cấp trường trở lên.
Họ vẫn thường xuyên đọc Báo Giáo dục hàng ngày. Đọc để tự soi mình, tự điều chỉnh hành vi làm việc, hành vi đối xử với cấp dưới sao cho đúng mực. Điều này đã được minh chứng trong thực tế.
Sự khác biệt của ngành giáo dục với nhiều ngành nghề khác là mang tính rập khuôn khá phổ biến.
Chẳng thế mà có những bài viết phản ánh ở nơi tác giả sinh sống, nhiều bạn đọc là giáo viên ở khắp các tỉnh thành đều thốt lên "sao giống trường mình thế?".
Có thể nói không ngoa “giống nhau đến từng xen ti mét”.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam dưới góc nhìn của thầy Trần Sơn |
Thế nên một bài phản ánh viết về địa phương này nhưng có hàng trăm địa phương khác “giật mình” vì “hình như bài họ viết về trường mình? Ai cung cấp thông tin cho họ?”.
Nhờ đó, mà những bài viết của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có sức lan tỏa và tác động rất lớn.
Tôi đã từng có khá nhiều bài viết phản ánh về thực trạng giáo dục của địa phương một số đồng nghiệp ở nơi khác.
Nhưng khi đọc báo, có lãnh đạo cấp trên đã chuyển đường linh cho khá nhiều hiệu trưởng trong địa bàn đọc.
Có lẽ nhờ thế mà những việc làm chưa hay, những ứng xử chưa đúng cũng dần được nhiều cấp trên điều chỉnh và sửa đổi.
Đến với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam còn có đông đảo quý vị phụ huynh.
Khá nhiều người đã chia sẻ họ tìm thấy nhiều bài viết hay về phương pháp dạy học, về tâm lý lứa tuổi, về cách ứng xử giữa cha mẹ với con cái… để dạy và giáo dục con mình.
Ngoài ra, còn có nhiều người quan tâm đến những chuyên mục có những bài viết chuyên sâu về tình hình biển đông, về quan hệ thế giới như bài của các tác giả Hồng Thủy, Tiến Sĩ Trần Công Trục.
Đặc biệt những bài viết ở chuyên mục Góc nhìn của tác giả Xuân Dương “không lẫn với ai được” vì bài viết luôn mang tính phản biện cao với những lý luận sắc bén đầy thuyết phục.
Trong thực tế thì hàng chục phản ánh hay hàng trăm lời góp ý cũng chẳng có tác dụng nhiều bằng một bài phản ánh trên mặt báo mà đặc biệt là báo ngành.
Vì thế, nếu nói không quá thì nhờ có những bài viết thẳng tay, mạnh mẽ trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì ngành giáo dục ở từng địa phương cũng có nhiều biến chuyển theo hướng tích cực.
Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam chúc mừng Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam (Ảnh: Vũ Phương). |
Nếu cách đây vài năm, nhiều người chưa biết đến tờ Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì bây giờ khá nhiều người chia sẻ “khi mở máy tính lên phải tìm ngay trang Báo giáo dục Việt Nam để đọc”.
Có lẽ đây chính là niềm vui, là món quà vô giá mà bất kì tờ báo nào cũng mong muốn được.
Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc cho Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh để chiếm trọn niềm tin yêu của độc giả.