Tình yêu là thứ tuyệt vời nhất tạo hóa ban tặng cho loài người, trong tình yêu nói chung thì tình cảm đôi lứa là thứ đẹp nhất – mọi giáo trình dạy đạo đức và giáo dục công dân đều đại khái như thế.
Có một sự so sánh mắc cười để mô tả lối suy nghĩ lạ thường của người Việt, đó là ở bên Tây hôn nhau ngoài đường là hành động đẹp còn tiểu tiện ngoài đường là phạm luật nghiêm trọng.
Ở Việt Nam thì ngược lại, “xả thải” ngoài đường được cho là đương nhiên còn thể hiện tình cảm nơi công cộng mới là suy đồi, hết sức bậy bạ!
Đương nhiên muốn bày tỏ tình cảm nơi công cộng cũng phải nhòm trước ngó sau, đơn cử như vụ một danh hài “chiếm sóng” tỏ tình cách đây chưa lâu bị la ó cũng đáng đời, vì anh ta buộc hàng triệu người phải “phục vụ” mình.
Thời sinh viên tôi chứng kiến không ít cuộc tình lâm ly bi đát, họ yêu nhau điên cuồng, chàng và nàng biến sân ký túc xá thành sân khấu để “thả tim” dưới tràng pháo tay reo hò của “họ hàng” đôi bên.
Không biết những cặp đôi ấy dắt díu nhau đến được chừng nào nhưng những thứ đó với sinh viên đã trở thành ký ức tuyệt vời mà mỗi khi gặp lại nhau thường đem ra kể lại như một trong những câu chuyện đáng nhớ nhất.
Tình yêu là thế, thôi thì hãy bớt đi những xì xầm quanh chốn công cộng thi thoảng bắt gặp vài nụ hôn, hay một vài cử chỉ quá trớn.
Hãy đừng quá khắt khe xem đó là “thuần phong mỹ tục” vì bản thân cụm từ quá sang chảnh này thật sự thế nào chưa ai tóm lại được.
Người ta lại xôn xao một nam giảng viên quỳ gối cầu hôn một tân cử nhân ngay tại lễ tốt nghiệp.
Cô giáo tôi bày tỏ sự buồn lòng, tôi khá hiểu trăn trở của cô – một giảng viên mẫu mực có thâm niên, luôn dõi theo sự thành bại của từng học trò. Với cô, như thế là quá đáng lắm!
Tôi càng hiểu hơn vì cô đã từng ngồi ở vị trí mà những người thầy trong buổi tốt nghiệp bất đắc dĩ phải chứng kiến màn cầu hôn bất ngờ.
Nghĩ cũng có cái lý cái tình, bởi đó là giảng đường, là nơi dành cho sự tôn kính tri thức, là nơi làm mẫu cho lớp trẻ có đủ sự tự hào lẫn trách nhiệm để bước ra đời với trọng trách của một trí thức.
Nhưng trộm nghĩ, tình yêu không có lỗi, nếu có lỗi đó cũng chỉ là những cánh hồng rơi rụng làm bước chân người không muốn dẫm lên mà thôi.
Phó Bí thư đoàn Trường đại học Vinh quỳ gối cầu hôn nữ sinh ngay trong lễ bế giảng (Ảnh cắt từ Clip). |
Còn gì tuyệt vời hơn trong thời điểm đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời lại được đón nhận một tình yêu đã đủ độ chín để công khai trước thiên hạ.
Người cầu hôn là một giảng viên, 100% trí thức chứ không còn nghi ngờ gì nữa như đám trẻ trâu học đòi sự lãng mạn từ phim ảnh.
Giữa một cộng đồng đã từng có thói quen quy mọi thứ về thước đo đạo đức, thì cũng không mấy ngạc nhiên khi người ta không cảm thấy thoải mái với những thứ vốn thuộc về riêng tư.
Có một con số đau lòng ở nữ giới, mỗi năm có 250 – 300 ngàn ca nạo phá thai được báo cáo chính thức, trong đó 20 – 30% là phụ nữ chưa kết hôn và 60 – 70 là sinh viên, chủ yếu ở độ tuổi 15 đến 19.
Một thực trạng khó coi với một quốc gia từng có quá khứ ngặt nghèo với tình cảm trai gái. Do sách báo, phim ảnh hay lỗ hổng giáo dục giới tính? Từng có những đề nghị đưa giáo dục giới tính vào chương trình phổ thông từ rất sớm.
Những thứ bị cấm đoán luôn tìm cách để bung ra ở đâu đó một khi đầy đủ điều kiện, tình yêu học đường bị coi là hư hỏng, và những đứa trẻ dắt díu nhau trốn vào “yêu” nhau trong… nhà nghỉ; trong gia đình, bố mẹ có cái nhìn nghiêm khắc với trái tim con mình và thế là chúng dắt nhau ra ngoài đường!.
Những thứ thuộc về bản năng không ai thiện chí chỉ ra lối mở để trẻ con tự tìm lấy, rồi tự khám phá, tự trải nghiệm và hậu quả để lại chỉ là sớm hay muộn.
Chỉ trong vài ngày ngành giáo dục có 2 vụ “quỳ gối”, vụ còn lại là lời thỉnh cầu của giáo viên xin đừng đóng cửa trường. Hai sự việc khác nhau nhưng cũng chỉ để giải bày sự kìm nén.
Với tình cảm, bất kỳ sự khuyến khích hay cấm đoán đều phản tác dụng, hãy để nó trở thành một loại hương thơm phát ra khi con người hội đủ tâm sinh lý.
Chúng ta hãy nói về định hướng, có lẽ sẽ đúng hơn!