Trong nhiều năm trở lại đây, điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” lặp đi lặp lại quá nhiều đến nỗi các Đại biểu Quốc hội đã phải rất nhiều lần bày tỏ nỗi lo lắng, bức xúc ở nghị trường, nhưng rốt cục thì bài ca "giải cứu" vẫn cứ xảy ra.
Hết dưa hấu, đến lợn, cải bắp, su hào, hành đỏ, thanh long… và hầu hết sản phẩm của người nông dân làm ra không năm này thì năm khác đều bị ế thừa, liên tục phải kêu gọi giải cứu.
Tình trạng này không chỉ làm cho nông dân điêu đứng, nhiều người bị phá sản mà còn làm cho đất nước tổn thất một khối lượng lớn tài sản và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành Nông nghiệp và cả nền kinh tế quốc gia.
Nông sản Việt bao giờ hết... "giải cứu"? Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN |
Nếu ai thấu hiểu được nỗi gian truân của người nông dân một nắng hai sương làm ra sản phẩm mà phải bán tống bán tháo, thậm chí không thèm thu hoạch mà “trả lại cho đất” làm phân bón ruộng thì không thể không xót xa cho sự uổng phí tài sản, công sức thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của nhà nông.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng tập trung vào những nguyên nhân chính dưới đây:
1. Quán tính của bệnh thành tích
Suốt một thời gian dài, do quán tính của lối sản xuất theo phong trào và bệnh thành tích của cơ chế cũ, từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đến người sản xuất không quan tâm tới nhu cầu của thị trường và chất lượng sản phẩm mà chỉ chú trọng mục tiêu sản xuất ra sản lượng thật nhiều và thật rẻ.
Đó là một trong những nguyên nhân của tình trạng hoặc là cung vượt cầu hoặc là chất lượng không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Làm cho nhiều mặt hàng nông sản ế ẩm, giảm giá sâu.
2. Một nền nông nghiệp chưa có quy hoạch bài bản, nông dân chưa tuân thủ quy hoạch
Nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn |
Về nguyên tắc, bất kỳ một ngành kinh tế nào muốn phát triển bền vững cũng phải có quy hoạch.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp nước ta tuy có quy hoạch nhưng quy hoạch đó hoặc là chưa tuân thủ quy luật của kinh tế thị trường; chưa sát với đặc điểm, tiềm năng của từng vùng miền.
Hoặc là có quy hoạch nhưng nông dân không tuân thủ theo quy hoạch mà chạy theo phong trào của hội chứng đám đông, sản xuất tự phát; luẩn quẩn trong vòng quay chặt cây nọ, trồng cây kia làm cho quy hoạch bị phá vỡ.
Đơn cử, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích cây cà phê trên toàn tỉnh Đắk Lắk 170 ngàn ha, hồ tiêu 15 ngàn ha...
Nhưng năm 2016, diện tích cà phê đã lên đến 203 ngàn ha, hồ tiêu trên 27 ngàn ha…(1).
Tình trạng phá vỡ quy hoạch, sản xuất tràn lan là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho nông sản giảm giá thảm hại hoặc ế thừa.
Điển hình là tình trạng rớt giá của thịt lợn, chuối, hạt tiêu… trong năm 2017.
3. Công tác dự báo, thông tin còn nhiều hạn chế
Việc nghiên cứu, dự báo, cung cấp thông tin thị trường trong lĩnh vực nông nghiệp của nước ta còn nhiều hạn chế. Vì vậy người sản xuất thiếu thông tin hoặc không được cung cấp thông tin kịp thời.
Không những vậy, phần nhiều nông dân cũng không được các cơ quan chức năng, hướng dẫn, tư vấn, khuyến cáo trong quá trình sản xuất. Vì vậy, ở nhiều địa phương nông dân vẫn sản xuất hàng hoá theo kiểu “tù mù”.
Thay vì tìm hiểu thông tin thị trường, địa chỉ tiêu thụ sản phẩm rồi mới đầu tư sản xuất, thì nông dân chỉ nghe một loại nông sản nào đó được giá thì tất cả đổ xô, lao vào sản xuất theo phong trào, dẫn đến dư thừa.
Đến lúc đó vẫn không biết địa chỉ tiêu thụ sản phẩm ở đâu mà chỉ ngồi chờ thương lái thu mua.
Nên nông dân thường xuyên bị ép giá, buộc phải bán tống bán tháo, thậm chí phải đổ bỏ. Với tình trạng đó, nông dân luôn là người chịu thiệt.
Gần đây nhất (đầu năm 2018), là thảm cảnh hoa ly, dưa chuột, bắp cải, su hào, củ cải … phải bán với giá rẻ như cho, thậm chí có những nơi người nông dân buộc phải bỏ rau củ lại ruộng hoặc đổ xuống sông.
4. Chưa hình thành chuỗi sản xuất bền vững
Do những hạn chế về công nghệ, nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thời tiết, mùa vụ.
Trong khi đó nhu cầu tiêu dùng đòi hỏi quanh năm nên vào những thời điểm chính vụ, cung tăng mà cầu không tăng, dẫn đến dư thừa.
Trong khi đó năng lực dự trữ và công nghệ chế biến nông sản của nước ta còn rất hạn chế.
Xin nêu dẫn chứng, từ năm 2002 đến 2017, mặc dù sản lượng nông sản tăng rất nhanh; cụ thể thịt lợn tăng ba lần, sữa tăng 15 lần, các sản phẩm vật nuôi, cây trồng tăng ba, bốn lần.
Trong khi đó năng lực chế biến nông sản dự trữ tăng không đáng kể, rau chỉ khoảng 5%, thịt chỉ 1%... (2)
Vì thiếu hành lang pháp lý đầy đủ trong liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông, nên đang còn tồn tại tâm lý bên này sợ bên kia phá bỏ hợp đồng.
Dẫn đến tình trạng nông dân sản xuất theo kiểu tự phát mà chưa sản xuất theo hợp đồng.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dư thừa hàng hoá nông sản.
5. Công nghệ trồng trọt, sản xuất và chế biến nông sản của Việt Nam về cơ bản còn lạc hậu so với thế giới
Đây là nguyên nhân chính làm cho chi phí sản xuất trong nông nghiệp của nước ta còn rất cao.
Không những vậy, đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm chưa đảm bảo.
Vì vậy, không chỉ với người tiêu dùng các nước phát triển (rất khó tính) mà ngay cả với người tiêu dùng trong nước vẫn rất quan ngại với nhiều hàng hoá nông sản do người Việt sản xuất.
Cho nên sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả thị trường trong nước.
6. Do ràng buộc của Luật Đất đai, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát
4 tiêu chí để được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao |
Mặc dù từ nhiều năm qua, Nhà nước đã có chủ trương dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng mẫu lớn.
Tuy nhiên, đến nay nông dân nước ta hầu hết vẫn canh tác theo lối nhỏ lẻ.
Do những hạn chế được quy định trong Luật Đất đai về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hạn điền và thời hạn giao đất nông nghiệp làm cho cho nông dân chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Quy định thời gian sử dụng đất, mức hạn điền của Luật Đất đai rất thấp, không phù hợp với phát triển nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Quy định đó cũng mâu thuẫn với chủ trương tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm tăng quy mô canh tác, phát triển kinh tế trang trại, giải quyết việc làm cho người lao động …
Những ràng buộc của Luật Đất đai làm cho sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, không theo quy hoạch.
Và vì vậy không thích ứng được quy luật cung cầu của kinh tế thị trường.
Nguyên nhân của sáu nguyên nhân trên đây là do các bộ ngành chưa thực hiện đầy đủ chức năng tham mưu cho Nhà nước và chức năng phối hợp giữa các bộ ngành với nhau và phối hợp với chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức, hướng dẫn sản xuất nông nghiệp.
Trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, chính quyền địa phương các cấp chưa hoàn thành các chức năng nghiên cứu, dự báo nhu cầu thị trường;
Phối hợp xây dựng quy hoạch, tổ chức, hướng dẫn nông dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp; phối hợp nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp.
Bộ Công thương chưa hoàn thành các chức năng tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phát triển công nghiệp thực phẩm, hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa kịp thời tham mưu cho Nhà nước sửa đổi Luật Đất đai để mở đường cho nông nghiệp cũng như nền kinh tế nói chung phát triển theo quy mô lớn, tiên tiến.
Tại kỳ họp thứ thứ 3 Quốc hội Khoá XIV, trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội về tình trạng nông sản của nông dân ế thừa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - ông Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: Lỗi là do việc quản lý của Ngành chưa nghiêm, dự báo chưa sát thực tế. “Là Bộ trưởng tôi xin nhận trách nhiệm …” (3)
Bộ trưởng Bộ Công thương - ông Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, công tác phát triển thị trường chưa thực sự hiệu quả.
Ông cho rằng: "Khi đưa một mặt hàng ra nước ngoài cần 3-7 năm để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, công tác quy hoạch cần tính toán vấn đề này và cần sự phối hợp giữa các bộ ngành." (4)
Để “giải cứu” nông sản cho nông dân một cách cơ bản, lâu dài và mở đường cho nông nghiệp, nông thôn phát triển; và để nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và đời sống của nông dân, đòi hỏi các bộ, ngành chức năng và các cấp chính quyền địa phương phải phối hợp khắc phục được những nguyên nhân đang kìm giữ sự phát triển của ngành Nông nghiệp.
Có như vậy người dân mới tin rằng những lời hứa trên đây của các vị Bộ trưởng trước Quốc hội là lời hứa để sửa chữa khuyết điểm chứ không phải là lời hứa suông!
Tài liệu tham khảo:
(1). http://tnnn.hoinongdan.org.vn/sitepages/news/1093/54231/thiet-hai-tu-san-xuat-nong-nghiep-khong-theo-quy-hoach
(2). http://www.nhandan.com.vn/kinhte/chuyen-lam-an/item/33034802-de-khong-con-phai-%E2%80%9Cgiai-cuu%E2%80%9D-nong-san.html
(3),(4). https://kinhdoanh.vnexpress.net/tong-thuat/vi-mo/bo-truong-nong-nghiep-khung-hoang-thua-khong-phai-tai-dan-3598721.html