Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia tại Việt Nam là một sự kiện quan trọng của ngành Giáo dục Việt Nam, được tổ chức bắt đầu vào năm 2015.
Là kỳ thi 2 trong 1, được gộp bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng, kỳ thi này xét cho thí sinh hai nguyện vọng: tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng, nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí.
năm 2015 được đánh giá là tổ chức đơn giản, hiệu quả nhưng khâu xét tuyển phức tạp, tạo căng thẳng cho cả thí sinh, phụ huynh.
Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chiều 21/8/2015, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phạm Vũ Luận “xin nhận trách nhiệm” khi đợt xét tuyển nguyện vọng lộ rõ những bất cập.
Ngay sau khi kỳ thi quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 kết thúc, ngày 14/11/2015 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị đổi mới căn bản thi, tuyển sinh từ năm 2016.
Công văn này nêu rõ: Theo dõi diễn biến tình hình, dư luận của các trường và xã hội về thay đổi trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh vào đại học/cao đẳng năm 2015 có sự thay đổi lớn so với các năm trước tuy nhiên Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vẫn có một vài kiến nghị trong đó có nội dung về tuyển sinh đại học, cao đẳng cần giao cho các trường tự chủ lựa chọn cách tổ chức tuyển.
Và một trường đại học, cao đẳng có thể tổ chức tuyển sinh một hay vài lần trong mỗi năm.
Còn nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tập trung vào việc đề ra chính sách và kiểm tra thực hiện.
Ngày 27/10/2017, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hội đồng giáo dục cao đẳng, đại học Hàn Quốc chính thức ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (Ảnh: Thùy Linh) |
Đến ngày 11/3/2016, Hiệp hội tiếp tục gửi góp ý cho các quy định về tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2016 gửi Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phạm Vũ Luận.
Ở văn bản góp ý này, Hiệp hội đóng góp một số ý kiến trong đó có nêu, không nên quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định vì đây là một dạng biến tướng của “điểm sàn” mà để đảm bảo chất lượng đầu vào.
Còn Bộ nên tập trung tổ chức tốt kỳ thi quốc gia đồng thời giao quyền, hướng dẫn và kiểm tra giám sát các trường tổ chức tuyển sinh với các phương thức sáng tạo hướng tới sự chuẩn mực.
Chỉ tiêu tuyển sinh và tiêu chí tuyển sinh vào các trường cần được xem xét chặt chẽ xuất phát từ năng lực đào tạo và sứ mệnh (bậc, hạng) của mỗi trường.
Và Hiệp hội kiến nghị, Bộ tôn trọng quyền tự chủ của các trường trong công tác tuyển sinh nhưng Bộ không nên từ chối trách nhiệm đứng ra tổ chức các “dịch vụ công ích trong việc xét tuyển sinh” khi có đề nghị từ nhiều trường.
Hiệp hội cũng kiến nghị, để vừa thỏa mãn nguyện vọng lựa chọn ngành đào tạo của người học, đồng thời tôn trọng tiêu chí tuyển sinh riêng biệt của từng trường Bộ nhất thiết cần chọn phần mềm xét tuyển dựa trên thuật toán “chấp nhận trì hoãn” do Trường Đại học Thăng Long đề xuất.
Đến năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiều đổi mới trong khâu xét tuyển, đó là thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến và không được thay đổi nguyện vọng.
Sự thay đổi này khiến việc xét tuyển không còn “vỡ trận” nhưng còn nhiều băn khoăn về tỷ lệ thí sinh ảo dẫn đến việc một số trường đưa ra điểm chuẩn cao quá nên chỉ tuyển được 40% đến 80% chỉ tiêu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến tại hội thảo "Tự chủ đại học - cơ hội và thách thức" do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức. (Ảnh: Ngọc Quang) |
Nếu năm 2015, 2016 mỗi thí sinh chỉ được đăng ký nguyện vọng vào 2 trường (mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng) thì năm 2017, 2018 không có giới hạn. Điều này giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển.
Và đến năm 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo hình thành hai nhóm xét tuyển ở khu vực phía bắc và phía nam để giảm số lượng thí sinh ảo.
Ở phía bắc (từ Hà Tĩnh trở ra), nhóm do Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì. Ở phía nam (từ Quảng Bình trở vào), nhóm do Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì.
Đồng thời, việc tham khảo số liệu phần mềm lọc ảo chung của nhóm, các trường đưa ra điểm chuẩn phù hợp.
Và năm 2018, bên cạnh các ưu điểm của kỳ tuyển sinh 2017 được giữ lại thì năm nay, các trường được thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm.
Năm nay, lần đầu tiên, Bộ yêu cầu các trường phải công khai tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành trong đề án tuyển sinh.
Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì không được thông báo tuyển sinh...
Dấu ấn của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trong đổi mới thi cử |
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2018, cả nước có 952.792 (năm 2017: 866.006) thí sinh, trong đó, tổng số thí sinh dự thi sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học, cao đẳng là 688.466 (chiếm 74,3%).
Sau ba năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, sự đổi mới về cách thức tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, với quy chế xét tuyển "thoáng" nhưng kiểm soát được vấn đề có việc làm thì ắt hẳn chất lượng giáo dục đại học cũng sẽ tăng lên.
Nhìn nhận một cách khái quát cho thấy, những đổi mới về tuyển sinh những năm qua có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tóm gọn một vài nội dung cơ bản như vậy về những đổi mới về tuyển sinh đại học, cao đẳng từng năm cũng như những công văn của Hiệp hội Các trường Đại học, cao đẳng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (bao gồm nguyên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và đương Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ) đã cho thấy sự nỗ lực cố gắng kiên trì góp ý thông qua những văn bản, hội thảo do Hiệp hội tổ chức và đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu, hoàn thiện đặc biệt từ khi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đảm nhận vai trò Tổng tư lệnh ngành giáo dục.