Xứ Thanh còn nghèo mà sao cứ muốn chơi sang?

30/06/2018 06:52
NHÂN MINH
(GDVN) - “Kỷ niệm một ngày lễ mà khái toán lên hàng trăm tỷ thì lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét kỹ lưỡng, bởi đây còn là tỉnh nghèo”, ông Sửu nói.

Thực hiện Di chúc của Bác, cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước nghèo.

Đâu đó trên những vùng miền của tổ quốc vẫn còn nhiều người phải chịu cảnh đói rét. Theo ý kiến của chuyên gia thì một trong những trở lực của sự phát triển là lãng phí.

Quan điểm tiết kiệm của Bác Hồ là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của nhân dân.

Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu.

Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chính là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Tiết kiệm không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch.

Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều”.

Mới đây, trong Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã chỉ đạo rất rõ:

“Công quỹ là của công cho nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi”.

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng nói: “Cán bộ, Đảng viên phải trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí”.

Tỉnh Thanh Hóa được biết đến là một trong số những tỉnh có số hộ nghèo nhiều, nhưng lạ thay nơi đây lại có những đề xuất rất "khủng". 

Để từ đó dư luận có cái cớ nghi ngại với những đề xuất được cho là rất lãng phí, xa hoa, phô trương về mặt hình thức. 

Trước đây, dư luận đã từng choáng ngợp về việc Ủy ban nhân dân Thành phố Sầm Sơn có đề xuất làm bánh giầy nặng đến 3 tấn dâng lên đền Hùng trong dịp dỗ tổ Hùng Vương 2018.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng làm bánh nặng đến hàng tấn là một sự lãng phí, phô trương.

Dân còn đói, khát mà bỏ trăm tỷ làm lễ kỷ niệm thì các cụ sẽ không vui đâu!

Kinh phí làm bánh được lấy từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên đề xuất trên đã vấp phải sự phản ứng của dư luận nên lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa không cho phép thực hiện. 

Mới đây nhất, dư luận cũng đang xôn xao về việc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính khái toán tổng số kinh phí tổ chức các hoạt động tiến tới kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa (1029 - 2019) với số tiền dự chi lên tới 104,7 tỷ đồng.

Trong số đó, hơn 82 tỉ đồng lấy từ ngân sách, còn lại là nguồn xã hội hóa.

Với con số khái toán lên đến cả trăm tỷ đồng cho hoạt động kỷ niệm danh xưng ở địa phương này, một số ý kiến cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét cân đối nguồn ngân sách, chi sao cho phù hợp, theo đúng tinh thần tích kiệm, chống lãng phí, bởi địa phương đang còn là tỉnh nghèo.

Nêu quan điểm về vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam hôm 27/06, ông Ngô Văn Sửu -  nguyên nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét, cân đối nguồn ngân sách chi tiêu cho hợp lý, tránh sự lãng phí.

Ông Ngô Văn Sửu - nguyên nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, trong điều kiện hiện nay lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét kỹ lưỡng con số khái toán lên cả trăm tỷ của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh để chi tiêu cho hợp lý, tránh sự lãng phí.
Ông Ngô Văn Sửu -  nguyên nguyên Vụ trưởng Vụ 1 (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) cho rằng, trong điều kiện hiện nay lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét kỹ lưỡng con số khái toán lên cả trăm tỷ  của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh để chi tiêu cho hợp lý, tránh sự lãng phí.

“Trong điều kiện hiện nay, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần phải xem xét, cân đối nguồn ngân sách để chi tiêu cho hợp lý trong dịp kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa, bởi địa phương còn là tỉnh nghèo.

Phải căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế hiện nay để làm cho đúng theo tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc tích kiệm, chống lãng phí”, ông Sửu nói.

Nguyên Ủy ban kiểm tra trung ương nhấn mạnh rằng, cần phải chi tiêu cho phù hợp đề vừa tích kiệm, vừa giúp đỡ được nhiều người dân còn nghèo đói, khó khăn. 

Cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt nam về việc con số khái toán lên đến cả trăm tỷ đồng để tổ chức hoạt động nhân dịp kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng – Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói là đang bận họp và không có ý kiến gì khác.

Trả lời ở một số tờ báo, ông Xứng cho biết, sự việc không có gì để phải ồn ào.

Đó mới chỉ là khái toán, dự chi do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch lập, còn việc xét duyệt hay không còn phải tính toán nhiều yếu tố làm sao đảm bảo thiết thực, hiệu quả.  

Nhiều điểm trường học của các em vùng cao xứ Thanh còn rất khó khăn.
Nhiều điểm trường học của các em vùng cao xứ Thanh còn rất khó khăn. 

“Sự việc có chi đâu mà ồn ào. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch mới chỉ tập hợp các kiến nghị của các đơn vị thôi chứ có ai quyết định gì đâu", ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá cho biết.

Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết thêm, lãnh đạo tỉnh cũng đã có chỉ đạo giao Sở Tài chính chủ trì, làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để làm rõ về các nguồn vốn đối với từng sự kiện, đảm bảo tiết kiệm tối đa và thiết thực, hiệu quả.

Nói đến vấn đề trên, người đứng đầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa – Phạm Duy Phương thông tin rằng, đây là chủ trương của Tỉnh ủy Thanh Hóa, đơn vị chỉ biết trình theo khái toán của các đơn vị liên quan để trình lên trên.

Vê việc duyệt kinh phí chi cho lễ kỷ niệm thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Được biết, trong thời gian qua, nhiều năm liền, tỉnh Thanh Hóa vẫn phải xin hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho chi thường xuyên.

Cụ thể, trong 2 năm 2015 và 2016, Thanh Hóa thu ngân sách trên 11.000 tỉ đồng nhưng chi trên 20.000 tỉ đồng; năm 2017 thu khoảng 13.000 tỉ đồng nhưng chi 23.000 tỉ đồng.

Theo báo cáo ngân sách năm 2018, Thanh Hóa sẽ chi khoảng 28.000 tỉ đồng, hơn 50% trong số này vẫn phải xin Trung ương.

Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính về việc khái toán nguồn kinh phí nhằm chuẩn bị tổ chức các hoạt động dịp lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá.

Theo đó, lễ kỷ niệm danh xưng Thanh Hóa dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/2019.

Tổng kinh phí cho sự kiện này được khái toán ban đầu là hơn 104 tỷ đồng. Trong đó, hơn 82 tỷ đồng sẽ được lấy từ ngân sách, số còn lại (khoảng 22 tỷ đồng) huy động từ các nguồn xã hội hóa.

Sở Văn hóa dự kiến có nhiều hoạt động, lễ hội liên quan hướng tới lễ kỷ niệm 990 năm danh xưng Thanh Hoá, như:

Lễ kỷ niệm 600 năm Khởi nghĩa Lam Sơn; 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang; tưởng niệm 585 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và Lễ hội Lam Kinh năm 2018; thi sáng tác ca khúc về Thanh Hóa, in nhân bản đĩa CD, DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa; hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thanh Hóa năm 2019...

NHÂN MINH