LTS: Với mong muốn gửi những lời chia sẻ đến với lãnh đạo của tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận để mùa thi sau các em học sinh tại huyện đảo Phú Quý được tổ chức thi tại đảo, tác giả Đăng Khôi đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Có mặt tại cảng Phan Thiết vào lúc 10 giờ sáng ngày 20/6 vừa qua, 251 học sinh huyện đảo Phú Quý tham dự kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia đã lên bờ an toàn.
Thế nhưng vẻ mệt mỏi vẫn còn đọng lại sau những khuôn mặt hốc hác, bơ phờ vì phải di chuyển cả một chặng đường dài.
Nhiều em bị say sóng, có em bị ngất xỉu dù đã được y tế cho uống thuốc.
Các em học sinh huyện đảo Phú Quý đi tàu vào đất liền để tham dự kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Ngày 28/6, nhiều học sinh huyện đảo Phú Quý đã trở về quê an toàn sau gần chục ngày vào đất liền dự thi.
Các em đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ tinh thần đến vật chất của nhà trường, của các cấp chính quyền từ xã, huyện đến tỉnh trong việc lo tiền di chuyển, tiền ăn ở tại các điểm thi…
Thế nhưng học sinh, phụ huynh và nhiều giáo viên nơi đây vẫn ước ao “giá các em được thi ở nhà”, “giá các em không phải di chuyển cả một chặng được dài mệt mỏi” thì sức khỏe, tinh thần sẽ được thoải mái hơn rất nhiều.
Sao không thể tổ chức hội đồng thi tại đảo?
Nhiều năm nay, cứ mỗi lần đến mùa thi thì học sinh, phụ huynh nơi đây lại thấp thỏm đợi chờ quyết định từ tỉnh Bình Thuận sẽ thành lập hội đồng thi tại huyện đảo như nhiều nơi khác vẫn đang làm, nhưng rồi những ước vọng ấy vẫn mãi chỉ là mong ước.
Nhiều người đã thắc mắc “tại sao không thể đặt hội đồng thi tại đảo”, “tại sao học sinh phải di chuyển vào đất liền dự thi mà không phải cán bộ, giáo viên ra đảo coi thi?”…
Học sinh trung học ở huyện đảo Phú Quý tăng tốc thi quốc gia |
Với 251 học sinh dự thi tại huyện đảo chắc chắn sẽ thành lập được một hội đồng thi tại đây để học sinh không phải di chuyển nhiều.
Sẽ có 11 phòng thi với gần 40 cán bộ và nhân viên phục vụ cho công tác thi là đủ.
Nếu hội đồng thi được thành lập, chỉ cần điều động lãnh đạo, giám sát và thanh tra từ đất liền ra đảo là đủ.
Giám thị, nhân viên phục vụ sẽ điều động giáo viên bậc trung học cơ sở tại đảo làm công tác coi thi.
Tính về nhiều mặt thì tổ chức hội đồng thi tại đảo không chỉ tạo sức khỏe, tâm lý tốt cho học sinh mà còn tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn.
Đơn cử, nếu huy động 40 người tham gia coi thi tại đảo thì chi phí cho đợt thi mất khoảng 100 triệu đồng. Nhưng để học sinh vào đất liền dự thi lại tốn khoảng 500 triệu đồng.
Chưa nói nhiều gia đình còn phải bỏ việc để tháp tùng theo con cho thật yên tâm. Nhiều em đi tàu bị say nên sức khỏe bị giảm sút cũng ảnh hưởng không nhỏ quá trình làm bài của các em.
Lãnh đạo huyện Phú Quý và phụ huynh nơi đây đã nhiều lần kiến nghị tỉnh Bình Thuận xem xét nhưng vẫn chưa được đồng ý.
Câu trả lời mà nhận được nhiều nhất vẫn là “sợ không an toàn trong khâu vận chuyển đề thi, đợi khi Phú Quý có sân bay”.
Khao khát hội đồng thi trung học phổ thông Quốc gia sẽ được tổ chức tại đảo
Nhìn sang tỉnh bạn, tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi có một điểm thi với 214 thí sinh.
Để bảo mật cho đề thi trung học phổ thông Quốc gia, Quảng Ngãi cử cảnh sát “hộ tống” ra đảo bằng tàu cao tốc. Điểm thi sẽ nhận được đề trước một ngày so với đất liền.
Để đảm bảo an ninh, các giáo viên huyện đảo được điều động đi nơi khác. Khoảng 40 cán bộ, giáo viên từ đất liền được điều động ra Lý Sơn giám sát kỳ thi.
Hành trình "áp tải" đề thi vượt biển ra đảo, ngược xuôi miền núi |
Nếu xét về số lượng học sinh tham gia dự thi thì đảo Lý Sơn còn thua học sinh huyện đảo Phú Quý.
Tỉnh bạn cũng đưa đề thi bằng tàu cao tốc nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Vậy chẳng có lý do gì tỉnh Bình Thuận phải đợi đến khi có sân bay mới tổ chức thi tại đây.
Chúng tôi đã liên hệ với ông Phan Đoàn Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận được biết “đây là mùa mưa bão, học sinh đã được bố trí vào đất liền trước một tuần.
Nếu thi ngoài đảo, gặp ngày sóng lớn, gió giật cấp 8 biên phòng sẽ không cho tàu ra khơi, việc vận chuyển đề trước một ngày sẽ gặp khó khăn và sẽ ảnh hưởng đến việc thi cử của các em.
Chỉ khi có máy bay, mới có thể tổ chức thi ngoài đảo được”.
Khi chúng tôi dẫn chứng việc tỉnh Quảng Ngãi vận chuyển đề thi ra đảo bằng tàu cao tốc, ông Đoàn Thái cho biết”
“Không thể so Phú Quý với đảo Lý Sơn vì Lý Sơn gần đất liền. Đảo Phú Quý cách đất liền cả trăm cây số”.
So sánh như thế là nhiều người không chịu hiểu, dù đảo Lý Sơn có gần đất liền thì gặp sóng lớn tàu cũng chẳng thể rời bờ vì đó là quy định.
Một số phụ huynh có con thi lớp 12 năm nay được phỏng vấn đều cho biết, con bị say sóng nên đi tàu khá mệt.
Suốt 4 tiếng lênh đênh trên sóng, một số học sinh đã xỉu ngay trên tàu nên khi vào đất liền nhiều em còn bơ phờ, mệt mỏi.
Mong rằng những mong ước, những lời chia sẻ đến được với lãnh đạo của tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận để mùa thi sau, học sinh nơi này chẳng phải đùm dắt nhau vào đất liền dự thi trong tinh thần mệt mỏi.