Xin đừng hỏi con!

04/07/2018 06:48
Thảo Ly
(GDVN) - Con nói tới chỗ đông người sợ nhất bị hỏi “có làm bài được không”, “thi được khoảng mấy điểm” hay “con học trường nào?”.

LTS: Trước áp lực về điểm số và kết quả đạt được sau kì thi trung học phổ thông quốc gia, nhiều em học sinh đã cảm thấy sợ hãi và phiền lòng bởi những câu hỏi quan tâm có phần thái quá của mọi người xung quanh.

Từ câu chuyện của chính gia đình mình, tác giả Thảo Ly đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Cứ tưởng lúc học, lúc thi mới có áp lực nhưng ngay cả khi con thi xong rồi áp lực vẫn bủa vây đến độ con không dám đi đâu vì sợ phải trả lời những câu hỏi của người lớn.

Từ ngày thi trung học phổ thông quốc gia về đến nhà, con đã ở miết trong phòng và tránh tiếp xúc với mọi người đặc biệt là những vị khách tới nhà.

Biết con làm bài không tốt dù con đã cố gắng hết sức nên ba mẹ luôn động viên “học tài thi phận. Con không học đại học, học cao đẳng sau liên thông cũng được”, “nhiều người đã rất thành công nhưng họ chỉ học trường đại học của tỉnh, thậm chí là chỉ học trường nghề”…

Dù thế, con cứ lầm lì cả ngày và gần như muốn tuyệt giao với mọi người.

Tâm lý sợ hãi, lo lắng của các em trước những câu hỏi của mọi người xung quanh về kết quả thi (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).
Tâm lý sợ hãi, lo lắng của các em trước những câu hỏi của mọi người xung quanh về kết quả thi (Ảnh minh họa: vietnamnet.vn).

Sợ con bị trầm cảm, gia đình thường hay tổ chức những chuyến du lịch ngắn ngày cùng vài gia đình bạn bè thân thiết (con cũng đã rất thích kiểu sum họp thân mật này).

Thế nhưng con nhất quyết không tham gia vì sợ bị hỏi, sợ phải trả lời những câu hỏi quá tò mò của nhiều người.

Cách đây vài hôm, cả nhà chuẩn bị về quê đám giỗ bà cố. Dù nói thế nào, con vẫn nhất định không đi.

Trước sức ép của ba mẹ, con chạy vào buồng vùi đầu khóc nức nở.

Con nói tới chỗ đông người sợ nhất bị hỏi “có làm bài được không”, “thi được khoảng mấy điểm” hay “con học trường nào?”.

Con sợ vì năm ngoái khi con mới vào 12 cũng đã từng chứng kiến trong bữa ăn, các bác, các chú hỏi điểm người này, người nọ.

Đừng đánh mất con, nếu trượt đại học

Từ đó, câu chuyện học hành, thi cử đã trở thành đề tài xuyên suốt bữa ăn hôm ấy.

Người thì dẫn chứng con bé A nhà nghèo nhưng học giỏi thi đại học được 27 điểm. Con bé B ngày đi học, đêm chạy quán cafe nhưng thi đại học vẫn đỗ tốp đầu.

Và một số em điểm thấp cũng bị lôi ra làm dẫn chứng. Điển hình là thằng T cuối xóm, gia đình lúc nào cũng khen con nhưng thi điểm thấp tệ.

Rồi con nhà anh này, chị kia cũng chỉ vào được trường đại học tư thục thì giỏi giang gì “học thế cho chết tiền à?”.

Hỏi chuyện làm bài, chuyện điểm thi của người mới thi về, hỏi danh hiệu của các em học sinh vào cuối năm học…người lớn cho rằng mình đang quan tâm đến trẻ, đến gia đình các em. Nhưng nhiều em nói thẳng mình rất sợ những câu hỏi của người lớn như thế.

Vì với những em làm bài không tốt, kết quả học tập không cao thì những lời hỏi thăm kia chẳng khác nào lát dao cứa vào vết thương chưa lành.

Hãy ứng xử có văn hóa, phù hợp khi con thi trượt

Chính các bậc cha mẹ (có con học và thi chưa tốt) cũng thấy không vui khi phải trả lời những câu hỏi kiểu như thế.

Có em cũng chỉ vì vài ba câu hỏi của người lớn bị cha mẹ giận dữ, chửi và kể tội luôn “có phải làm công lên việc xuống gì đâu, mỗi việc học cũng chẳng bằng ai. Thấy con người ta mà ham, còn con mình…”.

“Xin đừng hỏi con” như một lời khẩn cầu, một lời nhắn nhủ của các cô cậu bé học trò vừa trải qua một kỳ thi quá mệt mỏi và căng thẳng. Đừng làm khó trẻ vì những câu hỏi tưởng chừng đơn giản ấy.

Thảo Ly