Dữ liệu dân cư là gì, Hà Nội có được "bán" để thu tiền không?

03/07/2018 13:19
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lưu Bình Nhưỡng: "Không được làm tràn lan, đặc biệt việc sử dụng nguồn tiền này để làm gì? Cái này rất quan trọng, tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút".

Ngày 2/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất Chính phủ cho thành phố Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc cung cấp chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng và một số các lĩnh vực khác.

Theo ông Chung, nếu được đồng ý, mỗi năm, thành phố trước mắt sẽ thu được trên 300 tỷ đồng.

Thông tin này khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí có nhiều cách hiểu khác nhau về thông tin dữ liệu dân cư khiến nghi ngại về việc để lọt thông tin cá nhân.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng thì cần tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút, sử dụng thông tin không đúng mục đích. (ảnh quochoi.vn).
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng thì cần tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút, sử dụng thông tin không đúng mục đích. (ảnh quochoi.vn).

Bàn luận về vấn đề này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: “Việc chia sẻ dữ liệu dân cư rất quan trọng.

Tuy nhiên, bây giờ phải làm rõ nội hàm chia sẻ dữ liệu dân cư như thế nào?

Chia sẻ cho đối tượng nào và phương thức chia sẻ như thế nào cần làm rõ. Khi xác định rõ nội hàm phương thức mới định được giá dịch vụ”.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: “Những gì thuộc vào dạng miễn phí hay thuộc vào tính dịch vụ thu phí cần làm rõ.

Tôi cho rằng, không được làm tràn lan, đặc biệt việc sử dụng nguồn tiền này để làm gì?

Cái này rất quan trọng, tránh tình trạng thu theo kiểu bòn rút, sử dụng thông tin không đúng mục đích”.

Khó xảy ra khủng hoảng kinh tế chu kỳ 10 năm tại Việt Nam

Ông Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: “Nếu thu giá để tăng thu cho ngân sách nhà nước hoặc tăng thu cho địa phương thì cần tính toán cân nhắc cho kỹ lưỡng.

Bởi vì với người dân và doanh nghiệp thì bản thân nhà nước phải phục vụ".

Cũng liên quan đến đề xuất này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tiến sĩ Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, pháp luật hiện hành, luật căn cước công dân đã có quy định tương đối cụ thể về xây dựng dữ liệu dân cư.

Cụ thể, theo ông Sơn, trách nhiệm xây dựng dữ liệu dân cư của Bộ Công an và chính quyền địa phương.

Cơ sở dữ liệu dân cư được xây dựng trên nền tảng các thông tin cá nhân, các thể nhân nhằm phân biệt người này với người khác để không bị chồng chéo, trùng lắp, lẫn lộn.

Cơ sở dữ liệu dân cư trước hết phục vụ quản lý hành chính nhà nước và phục vụ cho công dân khi tham gia xác lập cơ sở dữ liệu cho chính họ và sau này có quyền truy xuất thông tin của mình và các cơ quan có thẩm quyền khi thực thi nhiệm vụ hành chính nhà nước.

Việc trích xuất dữ liệu của những cá nhân để phục vụ cho yêu cầu quản lý chống việc quản lý không chính xác giữa công dân này với công dân khác và loại trừ trường hợp giả mạo, lừa đảo, sai trái.

Cơ sở dữ liệu phục vụ cho yêu cầu quản lý, bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trong xã hội.

Theo quan điểm của ông Lê Hồng Sơn, việc chia sẻ cơ sở dữ liệu cho một số ngành, một số doanh nghiệp hoặc đơn vị liên quan 7 thông tin cá nhân để đối chiếu, so sánh tránh lừa đảo, nhầm lẫn là việc có lợi và nên làm.

Ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh: “Hoàn toàn không có chuyện gì e ngại trong việc này.

Vấn đề cần phòng chống là các hành vi sai trái nên cần quy chuẩn chặt chẽ, ai được quyền cung cấp, chia sẻ những thông tin này;

Trách nhiệm quản lý thông tin được chia sẻ như thế nào để bảo đảm bí mật đời tư".

Dữ liệu dân cư là gì, Hà Nội có được "bán" để thu tiền không? ảnh 2Phát hiện mới: “Con ông cháu cha… vỉa hè”!

Cuối cùng vị chuyên gia này khẳng định: “Tôi ủng hộ hướng đề xuất của Hà Nội, còn việc đưa ra hệ thống quy chuẩn thế nào cho chặt chẽ, chống tùy tiện, vi phạm pháp luật thì các văn bản quy phạm pháp luật quy định cho chặt chẽ”.

Liên quan đến vấn đề này, giải thích về đề xuất của mình, Chủ tịch thành phố Hà Nội- ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, cơ sở dữ liệu đề xuất là 7 thông tin trong chứng minh thư.

Từ trước đến nay, thông tin chứng minh thư chỉ lưu trong phòng quản lý hành chính, nhưng tới đây sẽ lưu trữ trong một hệ thống.

Thông tin này không chỉ dùng trong ngành công an mà chia sẻ cho các ngành như ngân hàng, đơn vị hành chính, đơn vị công chứng…Việc chia sẻ thông tin này không vi phạm, vẫn đúng luật.

Bởi thực tế chứng minh thư đi đâu cũng phải xuất trình. Còn đơn vị muốn có thông tin thì phải được phép thì mới được truy cập.

Đề xuất như vậy là đúng luật và có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp, có lợi cho ngành kinh tế.

Trinh Phúc