LTS: Sau khi kì thi Trung học phổ thông Quốc gia vừa kết thúc, nhiều người đã có ý kiến về công tác ra đề thi năm nay.
Thầy giáo Phan Thế Hoài, một giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ một vài nhận định đánh giá về đề Ngữ văn.
Bài viết thể hiện quan điểm, nhận thức và cách hành văn của riêng tác giả.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Những năm gần đây, đề thi Ngữ văn đã có những thay đổi đáng kể nhằm phát triển năng lực học sinh.
Tuy nhiên, việc ra đề thi còn quá nhiều bất cập dẫn đến hạn chế về năng lực thẩm mĩ và năng lực ngôn ngữ của người học thông qua bộ môn này.
Từ năm 2014, môn thi Ngữ văn đã có những thay đổi đáng kể so với cách thi truyền thống trước đó.
Cụ thể, đề thi gồm có 2 phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn. Đề thi được phân hóa qua 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao (1).
Đề thi môn Ngữ văn trong kì thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018. Ảnh trên Giaoduc.net.vn |
Và qua mỗi kì thi, Bộ Giáo dục và Giáo dục đều có những hiệu chỉnh nhất định về nội dung đề thi sao cho vừa đảm bảo yêu cầu tốt nghiệp và phân hóa được đầu vào tuyển sinh đại học có chất lượng (2).
Nhìn chung, cách cấu trúc hình thức đề thi như thế này đã có những tiến bộ vượt bậc so với kiểu tái hiện kiến thức (thực chất là học thuộc lòng), nhằm phát huy khả năng chủ động tiếp cận văn bản của học sinh.
Từ đó, người dạy và người học buộc phải thay đổi phương pháp trong việc tiếp cận bộ môn Ngữ văn.
Tuy nhiên, nếu quan sát kĩ đề thi qua các năm, đặc biệt là kì thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2017 và 2018, chúng tôi nhận thấy đề thi Ngữ văn còn quá hạn chế trên nhiều phương diện.
Theo đó, phần Đọc hiểu trong đề Ngữ văn năm 2017 là một văn bản văn xuôi bàn về sự “thấu cảm” được trích từ bài viết “Thiện – ác và smart phone” của tác giả Đặng Hoàng Giang (3).
Tuy nhiên, việc thiết kế các câu hỏi ở phần Đọc hiểu quá mức dễ dãi đã làm mất đi chất “văn” vốn có của bộ môn này.
Cách hỏi: “Theo tác giả, thấu cảm là gì?”, “Nhận xét về hành vi của đứa trẻ 3 tuổi, cô bé có bạn bị ốm, cậu bé Bồ Đào Nha được nhắc đến trong đoạn trích” chỉ phù hợp với học sinh tiểu học.
Vì học sinh đã qua 12 năm ăn học, có thể nói, các em đã “sạch nước cản” với tiếng mẹ đẻ.
Thí sinh thi Trung học phổ thông Quốc gia. Ảnh minh hoạ: Báo Nhân Dân |
Tiếp đến năm nay là phần Đọc hiểu đoạn trích thơ “Đánh thức tiềm lực” của Nguyễn Duy, có những câu hỏi khiên cưỡng, hỏi cho có (4).
Câu 1, hỏi đoạn trích được viết theo thể thơ nào, là một câu hỏi vô hồn vì nó không hề liên quan gì đến giá trị của nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Câu 2, hỏi chỉ để học sinh liệt kê các yếu tố thuộc về tiềm lực tự nhiên của đất nước như khoáng sản, châu báu, rừng, biển,…thì chỉ cần người biết chữ là có thể chép câu trả lời từ văn bản.
Câu 3, yêu cầu học sinh nêu hiệu quả của câu hỏi tu từ trong đoạn trích là một cách “mớm cung” không đáng có.
Lẽ ra, ban ra đề cần hỏi, chỉ ra biện pháp tu từ có trong đoạn trích (cho sẵn) và phân tích hiệu quả nghệ thuật mà biện pháp tu từ đó mang lại thì sẽ kiểm tra được năng lực hiểu kiến thức tiếng Việt của học sinh một cách rõ ràng.
Câu 4, "theo anh/chị, quan điểm của tác giả trong hai dòng thơ: “ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/tiềm lực còn ngủ yên có còn phù hợp với thực tiễn ngày nay không? Vì sao?" thực sự là một câu hỏi mở giúp học sinh thể hiện khả năng trình bày lập luận của mình.
Đề Văn mở nên đáp án cũng mở, chỉ cần không trái thuần phong mỹ tục |
Tuy nhiên, học sinh chúng ta được dạy như thế nào về cách phản biện, đây là điều mà chúng tôi thật sự băn khoăn, trăn trở.
Câu Nghị luận xã hội, thí sinh trình bày suy nghĩ về sứ mệnh đánh thức tiềm lực đất nước của mỗi cá nhân trong cuộc sống ngày nay.
Mới đọc qua câu hỏi, chúng tôi có cảm giác rằng, ngôn từ rất hàn lâm, nhưng càng đọc kĩ, thì cách diễn đạt thật rối rắm về mặt ngữ nghĩa.
Thay vì dùng từ đao to búa lớn, có thể đặt câu hỏi tường minh hơn, kiểu như, suy nghĩ của anh/chị về vai trò của tuổi trẻ trong việc trong việc khai thác những thế mạnh của đất nước thì học sinh sẽ hiểu vấn đề nhanh nhất có thể.
Câu Nghị luận luận văn học, liên hệ về “vẻ đẹp của hình ảnh chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực của gia đình hàng chài” với “cảnh phố huyện lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu” thật là khiên cưỡng, áp đặt vì giữa chúng chẳng có một tương đương nào và không cùng hệ quy chiếu (5).
Tiến sĩ Châu Minh Hùng, giảng viên khoa Ngữ văn của trường Đại học Quy Nhơn phân tích:
“Ở đây chẳng có một tương đương nào, ngoại trừ một dị biệt lớn đến mức không thể nối kết là giữa “hình ảnh con thuyền ngoài xa” và “đoàn tàu”, giữa “cảnh bạo lực gia đình” và “phố đêm”.
Hình ảnh con thuyền ngoài xa là ánh sáng thiên nhiên của ta với chân trời rộng mở, còn đoàn tàu đi qua phố huyện là ánh sáng nhân tạo của bọn Tây thực dân với không gian chật hẹp thoáng đến rồi đi; cảnh bạo lực trong gia đình hàng chài là bóng tối còn sót lại của phố đêm ngày xưa?
Đó chỉ có thể là một liên tưởng đầu Ngô mình Sở.
Một số ý kiến về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 |
Theo suy nghĩ của chúng tôi, có lẽ Ban ra đề thi trong những năm qua đã rập khuôn một cách máy móc cách kiểm tra năng lực đọc hiểu của môn Ngoại ngữ (tiếng Anh), kiểu như “đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi” (Read the following paragraph and answer the questions).
Đây là cách hỏi chỉ phù hợp với những người học tiếng nước ngoài nhằm kiểm tra khả năng hiểu từ vựng, ngữ nghĩa, cú pháp, văn bản (6).
Riêng câu Nghị luận văn học, phải chăng giáo viên và học sinh đã dự đoán hầu hết phần liên hệ của kiến thức lớp 12 và lớp 11 trên các phương tiện thông tin đại chúng nên Ban ra đề cố nghĩ cho ra những câu hỏi mới, lạ?
Và, để đánh thức tiềm lực của đất nước, có lẽ nên bắt đầu từ việc đánh thức tiềm lực của Ban ra đề thi!
Tài liệu tham khảo:
(1) http://www.tinmoi.vn/de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-van-nam-2014-011308210.html
(2) https://news.zing.vn/de-thi-va-dap-an-dai-hoc-thpt-quoc-gia-mon-ngu-van-2015-post654822.html
(3) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/de-thi-mon-van-tot-nghiep-thpt-quoc-gia-nam-2016-313409.html
(4) http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/de-thi-chinh-thuc-mon-van-ky-thi-thpt-quoc-gia-2018-cua-bo-gd-dt-459596.html
(5) https://news.zing.vn/tranh-luan-ve-nham-lan-khai-niem-trong-de-ngu-van-thpt-quoc-gia-2018-post854658.html
(6) http://giaoducthudo.com.vn/tin-tuc/61-mot-so-phuong-phap-day-ki-nang-doc-tieng-anh-1134.html