Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay

11/07/2018 07:58
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhà trường xem nhẹ, giáo viên phân biệt, nhiều thầy cô chưa chịu học hỏi, đổi mới thì sao học sinh lại không coi thường và chán học môn Sử cho được.

LTS: Trước việc môn Sử là môn thi mà các em học sinh thường có kết quả không cao trong kỳ thi trung học phổ thông, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết bàn về về cách dạy và học môn học này trong nhà trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Chuyện điểm thi môn Lịch sử đạt kết quả thấp trong kỳ thi trung học phổ thông không phải mới xảy ra lần đầu.

Nhiều chuyên gia giáo dục, nhiều bạn đọc quan tâm đến giáo dục cũng đã phân tích, mổ xẻ lý do dẫn đến tình trạng học sinh chán học Lịch sử.

Nguyên nhân được lên án nhiều nhất là chương trình sách giáo khoa Lịch sử quá ôm đồm, dàn trải và khô khan.

Điểm thi môn Lịch sử thấp nghĩ về cách dạy và học trong nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: báo Nghệ An).
Điểm thi môn Lịch sử thấp nghĩ về cách dạy và học trong nhà trường hiện nay (Ảnh minh họa: báo Nghệ An).

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không bàn đến chương trình. Bài viết chỉ muốn gửi đến bạn đọc cách người ta đối xử với môn Lịch sử, cách dạy và học Lịch sử trong các trường phổ thông hiện nay.

Điều này, là nguyên nhân không nhỏ góp phần tạo nên chất lượng môn Lịch sử thấp đến như vậy.

Sự xem nhẹ và coi thường

Điều đau buồn cho giáo viên dạy Lịch sử chính là sự xem nhẹ và coi thường của chính Ban giám hiệu nhà trường, chính những đồng nghiệp của mình. Thể hiện rõ nhất là trong việc phân công chuyên môn ở nhiều trường học.

Nếu là những môn học khác như môn Toán, môn Tiếng Anh, Văn, Vật lý, Hóa học… nếu thiếu giáo viên thì những thầy cô dạy môn này phải dạy tăng tiết đến bù đầu mà không phân công cho bất kỳ giáo viên môn khác đảm nhận (mặc dù khá nhiều thầy có có đầy đủ kiến thức theo yêu cầu).

Riêng những môn Địa lý, Lịch sử và một số môn học khác nhà trường sẵn sàng phân công giáo viên dạy chéo ban.

Có trường phân công một cách “tréo cẳng ngỗng” như phân công giáo viên Toán, Vật lý, Hóa học thậm chí cả Thể dục để vào dạy Địa lý, Lịch sử cho đủ số tiết chuẩn (do những giáo viên đó dư thừa nên dạy chưa đủ tiết).

Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay ảnh 2Cô giáo dạy Sử hướng dẫn cách ôn thi trắc nghiệm trước khi thi quốc gia

Theo lý giải của một số giáo viên, dạy Lịch sử, Địa lý có gì khó? Ai dạy mà chẳng được!

Vì kiểu phân công tréo ngoe này đã dẫn đến tình trạng, nhiều tiết dạy Lịch sử của giáo viên không có chuyên môn học sinh chép bài mỏi tay mà chép y chang trong sách chẳng thiếu một chữ.

Có giờ dạy Lịch sử do giáo viên Tiếng Anh, Thể dục dạy chỉ khoảng 25 phút đã hết bài.

Nhà trường đối xử với môn Lịch sử như vậy, nhiều giáo viên dạy những môn (được cho là môn chính) cũng chẳng coi trọng. Họ vẫn còn tư tưởng “môn phụ ấy mà”.

Một cô giáo dạy Lịch sử đã từng nghẹn lời khi nói về một thầy giáo dạy Toán trong trường.

Chẳng là thầy giáo ấy có con trai học lớp cô dạy Lịch sử. Cậu bé học rất giỏi những môn tự nhiên nhưng những môn học khác thì lơ là. Nhiều lần cô kiểm tra bài cũ cậu học trò không thuộc.

Cô giáo cho khất và dặn cậu học trò về học chỗ này, chỗ kia mai cô kiểm tra cho hợp lý. Thế nhưng cậu bé vẫn không chịu thuộc.

Nếu ghi điểm 0 thì "tuyệt tình quá" vì con của đồng nghiệp cùng trường. Cô giáo đành gặp bố cậu bé (một giáo viên dạy Toán) nói rằng: “Hùng thường xuyên không thuộc bài môn Lịch sử, thầy về nhắc Hùng học giúp em với”.

Chẳng ngờ mặt thầy lạnh tanh đáp một cách lạnh lùng: “Cô thích cho mấy điểm thì tùy. Tôi bảo nó không học đấy, dành thời gian để ôn luyện đại học, gần thi rồi”.

Cô giáo bộ môn Lịch sử này cho biết, mình chẳng thể nói được lời nào vì nghẹn đắng cổ họng. Giáo viên còn có tư tưởng thế nói gì đến những bậc phụ huynh?

Giáo viên dạy Lịch sử đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo hứng khởi cho học sinh yêu thích bộ môn này.

Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay ảnh 3Viết sách giáo khoa lịch sử, hãy nghĩ đến học sinh, đừng viết cho nhà nghiên cứu

Tôi đã từng được một cô giáo dạy Lịch sử kể cho nghe câu chuyện vào nghề của mình.

Vốn là học sinh giỏi Toán có ước mơ vào trường đại học Kinh tế, thế mà chỉ vì quá yêu những giờ dạy Lịch sử của cô thời cấp 3 mà em đành bỏ ước mơ vào trường Kinh tế để thi vào sư phạm ngành Lịch sử.

Thế nhưng những thầy cô như thế hiện cũng không có nhiều.

Vẫn còn một bộ phận giáo viên dạy Lịch sử nhưng kiến thức lịch sử chỉ quanh quẩn trong sách giáo khoa.

Vì thế, những giờ dạy của giáo viên không hấp dẫn, cũng không gây được hứng thú cho học sinh.

Nhà trường xem nhẹ, giáo viên phân biệt, nhiều thầy cô chưa chịu học hỏi, đổi mới thì sao học sinh lại không coi thường và chán học cho được. Hầu như ai cũng gọi Lịch sử là môn phụ nên học một cách đối phó.

Học sinh của chúng ta hiện nay chủ yếu mang tư tưởng “học để thi”. Vì thế môn nào thi sẽ đầu tư học, học đến mức quên ăn quên ngủ.

Ngược lại những môn không thi chẳng cần quan tâm đến và chỉ cố gắng học hoặc thi không bị điểm liệt là đủ.

Chịu khó học Lịch sử hiện nay là những học sinh chọn tổ hợp Khoa học xã hội để thi và xét tuyển đại học.

Số học sinh này ít hơn nhiều những học sinh chọn các tổ hợp khác. Vì những ngành nghề dễ xin việc và có thu nhập cao thường không có môn Lịch sử.

Nếu muốn học sinh học Lịch sử

Để kéo học sinh lại với môn Lịch sử, nhiều biện pháp đã được đưa ra đặc biệt là việc đổi mới phương pháp dạy học và thay chương trình sách giáo khoa.

Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay ảnh 4Hãy để môn Sử đứng độc lập

Thế nhưng dù phương pháp dạy học có tiến bộ, dù chương trình sách giáo khoa có hấp dẫn thì cũng khó kéo học sinh hứng thú với việc học Lịch sử.

Tâm lý “học để thi” đã ăn sâu bén rễ trong suy nghĩ của bao người, bao thế hệ.

Lịch sử không có mặt trong nhiều khối thi đương nhiên học sinh sẽ không chọn học. Các em rồi cũng chỉ học qua môn, cho khỏi bị liệt.

Giống như nhiều học sinh dù không thích học Văn nhưng không thể bỏ vì môn Văn đã có mặt trong khá nhiều kỳ thi quan trọng. Đó là kỳ thi vào 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi khối D (Văn, Toán, Anh).

Vậy bây giờ, ta cứ giả sử rằng, học sinh thi khối A (Toán Lý, Hóa) hay khối B (Toán, Hóa, Sinh), khối D (Văn, Toán, Anh) cũng bắt buộc phải thi môn Lịch sử đi kèm thì chắc chắn môn Lịch sử sẽ không bị xem nhẹ như bây giờ. Và học sinh cũng sẽ không thể lơ là, học một cách đối phó như hiện nay.

Phan Tuyết