Ngày 11/7/2018, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã phối hợp với IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cung cấp gói bảo lãnh giao dịch hàng hóa lên đến 50 triệu USD cho một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam, góp phần thúc đẩy dịch vụ tài trợ thương mại mặt hàng nông sản tại thị trường nhiều tiềm năng này.
Gói tài trợ này nhằm giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long (Tập đoàn Tân Long) – doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu nông sản – đa dạng hóa hoạt động thu mua nông sản.
Đây cũng là một phần của Chương trình Tài trợ Kho hàng Toàn cầu (Global Warehouse Finance Program - GWFP) của IFC, với mục tiêu giúp gia tăng khả năng bảo lãnh thương mại cho các nhà sản xuất và xuất nhập khẩu nông nghiệp tại các quốc gia mà nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế như Việt Nam.
VPBank cùng IFC tài trợ 50 triệu USD cho tập đoàn Tân Long. |
Theo thỏa thuận, IFC và VPBank sẽ chia sẻ rủi ro trong hoạt động tài trợ thương mại cho Tân Long theo tỷ lệ 50:50.
Cụ thể, mỗi bên tham gia sẽ bảo lãnh rủi ro lên đến 25 triệu USD trên cơ sở không cấp vốn nhằm bảo lãnh một nửa giá trị của mỗi giao dịch mua bán hàng hóa nông nghiệp diễn ra trong khuôn khổ gói tài trợ này.
“Đa dạng hóa các sản phẩm tài trợ thương mại sẽ giúp VPBank hiện thực hóa chiến lược trở thành ngân hàng phục vụ doanh nghiệp hàng đầu trong 5 năm tới, với một trong những trọng tâm chính là hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, ông Đinh Văn Nho, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng Doanh nghiệp VPBank cho biết.
Mối quan hệ đối tác này được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến chuỗi giá trị sản xuất đạm động vật tại Việt Nam – một lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng tại Việt Nam – vì nó sẽ tạo điều kiện cho Tập đoàn Tân Long mua, trữ và phân phối nông sản thô một cách hiệu quả hơn.
“Gói hỗ trợ này sẽ không chỉ giúp Tập đoàn Tân Long củng cố vị thế là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực thương mại nông nghiệp thông qua việc đa dạng hóa hoạt động thu mua nông sản chất lượng cao với chi phí thấp hơn, mà còn giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các chủ thể khác tham gia chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp và trong ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung,” bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết.
Sáng kiến này cũng phản ánh các ưu tiên của IFC tại Việt Nam nhằm hỗ trợ lĩnh vực ngân hàng và tăng cường năng lực của các tổ chức tài chính trung gian trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
“Lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam đang ở giai đoạn bước ngoặt khi mà sự tăng trưởng trong tương lai gắn liền với mức độ gia tăng hiệu quả, đa dạng hóa và giá trị.
Mô hình quan hệ đối tác này với VPBank và Tập đoàn Tân Long là rất cần thiết để tăng cường tính cạnh tranh của chuỗi giá trị kinh doanh nông nghiệp của Việt Nam”, ông Kyle F. Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào cho biết.
GWFP hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp bằng cách giúp các ngân hàng tăng khả năng thanh khoản hoặc bảo lãnh rủi ro bằng việc chấp nhận các chứng từ hàng lưu kho, vốn có thể được sử dụng nhằm cấp vốn dưới hình thức các khoản vay ngắn hạn hoặc bảo lãnh cho nhà sản xuất và xuất nhập khẩu nông sản.
Đến nay, GWFP đã hỗ trợ cho các giao dịch thương mại toàn cầu có giá trị hơn $6 tỷ USD và hơn 750.000 nông dân tại 66 quốc gia đang phát triển.
Trong năm 2016 và đầu năm 2017, VPBank đã được IFC và các bên đồng tài trợ cho vay 158 triệu đô la Mỹ với thời hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 50 triệu đô la Mỹ giúp VPBank mở rộng vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.
Cũng trong năm 2017, IFC cũng đã đồng ý cấp cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khoản vay chuyển đổi trị giá 57 triệu đô la Mỹ.
Theo đó, IFC có thể chuyển đổi khoản vay thành cổ phần phổ thông của VPBank trong thời hạn khoản vay.
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ: 1900 545 415 hoặc 024 3928 8880 hoặc truy cập Website: http://www.vpbank.com.vn/