Nhiều cán bộ ở Hải Phòng tham gia làm giả hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học

16/07/2018 08:18
LÃ TIẾN
(GDVN) - Nhiều cán bộ từ xã đến huyện (tại Hải Phòng) đã làm giả hồ sơ, giúp ông Đỗ Cao Thanh chưa từng đi bộ đội được hưởng chế độ chất độc da cam nhiều năm liền.

Đầu năm 2015, ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950, trú tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) về quê (tại xã Mỹ Đức, huyện An Lão, Hải Phòng) tình cờ phát hiện ông Đỗ Cao Lanh (thực chất là Đỗ Cao Thanh, sinh năm 1937) không đi bộ đội nhưng được hưởng chế độ chất độc hoá học.

“Đồng đội báo cho tôi hay ông Thanh lấy tên tôi để hưởng chế độ. Từ đó tôi mới cất công làm rõ” – ông Lanh kể.

Không đi bộ đội, vẫn được hưởng chế độ

Quá bất ngờ và bức xúc trước việc này, ông Lanh đã vào xã Mỹ Đức đề nghị làm rõ. Sau nhiều lần tới đây, ông Lanh đã tiếp cận được hồ sơ xin trợ cấp của ông Thanh.

Ông Lanh giật mình phát hiện bộ hồ sơ này có quyết định phục viên của mình nhưng đã bị sửa chữa.

Ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950) với quyết định phục viên được cấp sau khi rời quân ngũ (Ảnh: Lã Tiến).
Ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950) với quyết định phục viên được cấp sau khi rời quân ngũ (Ảnh: Lã Tiến).

So với một bản quyết định ông Lanh còn giữ, quyết định trong hồ sơ của ông Thanh đã được đánh máy thêm chữ “(Tức Đỗ Cao Thanh)” ở dòng 12 và chữ “(Thanh)” ở dòng 26.

Ông Lanh khẳng định, ông và các đồng đội đã đi tìm hiểu và được biết, người đã hưởng chế độ dưới tên mình thực tế chưa từng đi bộ đội.

Theo ông Lanh, ngày rời quân ngũ, ông được trao 3 tờ quyết định phục viên, trong đó, một tờ nộp cho huyện đội ở quê, 2 bản ông giữ lại.

Đến năm 2006, ông Lanh có nộp hồ sơ hưởng chế độ chất độc da cam ở quận Ngô Quyền, nơi mình cư trú, trong hồ sơ có tờ quyết định xuất ngũ.

Ông Lanh đã đi giám định tại Hội đồng giám định y khoa, sau đó bẵng đi không thấy hồi âm.

Ông Lanh lên Hội đồng giám định y khoa hỏi thì được cơ quan này trả lời đã 3 lần gửi giấy báo về cho ông, nhưng giấy báo được gửi về quê ở xã Mỹ Đức chứ không gửi về nơi cư trú tại phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền.

Quyết định phục viên cấp cho ông Đỗ Cao Lanh (Ảnh: Lã Tiến)
Quyết định phục viên cấp cho ông Đỗ Cao Lanh (Ảnh: Lã Tiến)

Theo ông Lanh, ông và gia đình nghi ngờ quyết định phục viên của mình được gửi về xã đã bị ai đó lấy để làm chế độ cho ông Thanh.

Vì vậy, ông Lanh đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan chức năng kèm theo bản quyết định phục viên của ông do trung đoàn 55, sư đoàn 5, quân khu 7 cấp.

Thu hồi quyết định và chế độ “giả”

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị Mây, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và xã hội huyện An Lão (Hải Phòng) cho biết, nhận được đơn tố cáo của ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950), huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan vào cuộc kiểm tra, xác minh.

Qua kiểm tra, Ủy ban nhân dân huyện An Lão đã nhiều lần ra thông báo thu hồi quyết định và chế độ ưu đãi người có công đối với ông Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh) và con trai là Đỗ Văn Sơn (sinh năm 1972).

Đồng thời, Ủy ban nhân dân huyện đang làm rõ trách nhiệm để tiến hành xử lý kỉ luật với những cán bộ liên quan tới việc xét duyệt hồ sơ giả giúp ông Đỗ Cao Thanh (sinh năm 1937, trú xã Mỹ Đức) được hưởng chế độ nạn nhân chất độc hoá học mang tên Đỗ Cao Lanh.

Huyện An Lão yêu cầu Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức tuyên truyền, đôn đốc ông Thanh và con trai nộp lại quyết định và số tiền ưu đãi đã hưởng về Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện.

Quyết phục viên của ông Đỗ Cao Lanh và bản chỉnh sửa cho ông Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh) - Ảnh: Lã Tiến
Quyết phục viên của ông Đỗ Cao Lanh và bản chỉnh sửa cho ông Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh) - Ảnh: Lã Tiến

Cụ thể, ông Thanh phải hoàn trả số tiền hơn 140 triệu đồng, anh Đỗ Văn Sơn phải hoàn trả số tiền hơn 100 triệu đồng tiền trợ cấp nạn nhân chất độc hoá học đã hưởng từ tháng 9/2009 đến tháng 4/2017.

Theo hồ sơ, tháng 10/2006, ông Thanh có đơn xin được hưởng chất độc hoá học với tên gọi Đỗ Cao Lanh (tức Thanh, sinh năm 1937).

Trong đơn, ông Thanh cho rằng bản thân nhập ngũ năm 1969 chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đến năm 1976 phục viên với cấp bậc trung sĩ, giữ chức tiểu đội trưởng. Ông bị nhiễm chất độc hoá học, con trai bị dị dạng đề nghị được hưởng chế độ.

Kèm theo đơn đề nghị là một bản quyết định phục viên gốc mang số 1503TM/QL do Trung đoàn 55, Sư đoàn 5, Quân khu 7 cấp năm 1976 mang tên Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh), cùng một Huân chương kháng chiến hạng 3 mang tên Đỗ Đức Thanh.

Quyết định và phiếu trợ cấp được cấp cho ông Thanh từ hồ sơ giả mạo (Ảnh: Lã Tiến).

Quyết định và phiếu trợ cấp được cấp cho ông Thanh từ hồ sơ giả mạo (Ảnh: Lã Tiến).

Hồ sơ đề nghị của ông Thanh đã được Ủy ban nhân dân xã Mỹ Đức, Ban chỉ huy quân sự xã, Ban chỉ huy quân sự huyện An Lão xác nhận.

Sau đó, Hội đồng xét duyệt hồ sơ xã Mỹ Đức thông qua cho ông Thanh và con trai được hưởng chế độ chất độc hoá học.

Sau đó, hồ sơ đề nghị xin hưởng chế độ chất độc hoá học của ông Thanh được chuyển lên huyện, lên Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng để làm thủ tục.

Tháng 8/2009, Hội đồng giám định y khoa thành phố Hải Phòng xác định ông Thanh dưới cái tên Đỗ Cao Lanh suy giảm khả năng lao động do bệnh, tật là 41%.

Đến tháng 9/2009, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng ra quyết định cho ông Thanh được hưởng chế độ trợ cấp chất độc hoá học mức 717.000 đồng/ tháng dưới cái tên Đỗ Cao Lanh.

Cùng với đó, con trai ông Lanh là anh Sơn được hưởng chế độ trợ cấp 685.000 đồng/ tháng.

14 cán bộ xã, huyện liên quan

Từ đơn tố cáo và các tài liệu ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950) cung cấp, năm 2016, Ủy ban nhân dân huyện An Lão tiến hành xác minh tại Công an xã và Công an huyện.

Kết quả, tại xã Mỹ Đức chỉ có ông Đỗ Văn Thanh (sinh năm 1937) chính là người đang hưởng chế độ chất độc hoá học dưới tên Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh).

Quyết định và phiếu trợ cấp được cấp cho con trai ông Thanh là Đỗ Văn Sơn từ hồ sơ giả mạo (Ảnh: Lã Tiến).
Quyết định và phiếu trợ cấp được cấp cho con trai ông Thanh là Đỗ Văn Sơn từ hồ sơ giả mạo (Ảnh: Lã Tiến).

Theo Ủy ban nhân dân huyện An Lão, hồ sơ giám định y khoa của ông Thanh sử dụng chứng minh nhân dân mang tên Đỗ Đức Thanh là một người hoàn toàn khác.

Thế nhưng Hội đồng giám định y khoa thành phố Hải Phòng vẫn giám định cho ông Thanh.  

Tháng 3/2017, huyện An Lão đã đề nghị Phòng kỹ thuật hình sự Công an Hải Phòng giám định quyết định phục viên trong hồ sơ hưởng chế độ chất độc hoá học mang tên Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh).

Theo đó, công an xác định quyết định phục viên này các chữ đánh máy “(Tức ĐỖ CAO THANH)” tại dòng 12 và chữ “(Thanh)” tại dòng 26 là các chữ đánh máy thêm.

Quyết định này được “sửa” từ quyết định phục viên của ông Đỗ Cao Lanh (sinh năm 1950, quê gốc xã Mỹ Đức, trú tại quận Ngô Quyền).

Nhiều cán bộ ở Hải Phòng tham gia làm giả hồ sơ hưởng chế độ chất độc hóa học ảnh 6Cán bộ gây lỗi lớn, sao lại để dân gánh hậu quả?

Từ các căn cứ này, Công an thành phố Hải Phòng kết luận hồ sơ hưởng chế độ chất độc hoá học của ông Đỗ Cao Lanh (tức Đỗ Cao Thanh) là giả mạo.

Đến ngày 12/5/2017, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã ra quyết định thu hồi quyết định và chế độ trợ cấp chất độc hoá học của ông Thanh và con trai. Tuy nhiên đến nay việc thu hồi này chưa được thực hiện.

Ngày 6/6/2018, ông Trần Văn Tuấn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão, đã làm việc tại xã Mỹ Đức để làm rõ trách nhiệm trong việc xét duyệt hồ sơ chính sách giả này.

Ông Tuấn đã chỉ rõ trách nhiệm thuộc về phó chủ tịch, chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự, cán bộ chính sách và hội đồng xét duyệt hồ sơ của xã thời kỳ đó.

Ông Tuấn đã yêu cầu xã Mỹ Đức tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Theo nguồn tin của phóng viên, huyện An Lão đã xác định có 14 cán bộ từ xã đến huyện có liên quan tới vụ giả mạo hồ sơ chất độc hoá học, trong đó có ông Nguyễn Văn Thông, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện An Lão (ông Thông mới bị xử lý, kỷ luật bằng hình thức cách chức vào đầu năm 2018).

Cơ quan chức năng huyện An Lão đang làm rõ trách nhiệm để xử lý kỷ luật.

Tuy nhiên, ông Đỗ Cao Lanh cho rằng, cơ quan chức năng cần đề nghị công an khởi tố điều tra, xử lý những người liên quan.

LÃ TIẾN