Trong đó, cần nêu rõ sự tăng, giảm và nguyên nhân của việc tăng, giảm số lượng, danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh trong kỳ báo cáo.
Đây là một trong những nhiệm vụ mới vừa được Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan trong Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh.
Đây cũng là chỉ đạo mới nhất về vấn đề này được Thủ tướng đưa ra.
Trước đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan liên quan đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đạt được một số kết quả ban đầu.
Thủ tướng nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật. Ảnh: VGP |
Cụ thể như Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2018/NĐ-CP về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh; Bộ Y tế trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn thực phẩm thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP, đã giảm khoảng 95% lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra an toàn thực phẩm…
Nhiều quy định mới mang tính cải cách đã tác động thực sự mạnh mẽ đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Điển hình, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 87/2018/NĐ-CP về kinh doanh khí, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã gọi điện, gửi thư, bày tỏ vui mừng, cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nghiêm cấm tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành |
Điểm nổi bật nhất của Nghị định này là đã đơn giản hóa và bãi bỏ các điều kiện kinh doanh về quy mô tối thiểu, quy định về sở hữu cơ sở vật chất; các thủ tục hành chính nhiều và rườm rà...
Các yêu cầu trước đây như thương nhân xuất nhập khẩu phải sở hữu ít nhất 150.000 vỏ bình gas 12 lít, thương nhân phân phối phải có ít nhất 100.000 vỏ bình… nay đã được bãi bỏ.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, cơ quan ngang bộ chưa thực sự chú trọng đến công tác này.
Nay, để cải cách thực chất hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị từng đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần quán triệt việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm điều kiện kinh doanh là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng nguồn lực xã hội;
Do đó cần tập trung chỉ đạo thực hiện công tác này một cách quyết liệt, thực chất, xử lý nghiêm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trước ngày 15/8, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.
Chỉ thị này còn nêu rõ hàng loạt yêu cầu khác với các Bộ ngành, như phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh phải thực chất, không gộp nhiều điều kiện thành 01 điều kiện theo kiểu cơ học hoặc chỉ thay đổi tên gọi.
Nghiêm cấm các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự đặt thêm điều kiện kinh doanh, danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành trái quy định của pháp luật.
Phải cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa kiểm tra trước khi thông quan |
Đúng một ngày trước khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị nói trên, sáng 12/7, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đã chủ trì buổi kiểm tra các bộ, cơ quan trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu và đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Tại đây, nhắc lại mục tiêu hoàn thành cắt giảm 50% tổng số điều kiện kinh doanh trước mốc 31/10, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thực trạng:
“Rất nhiều bộ có phương án rà soát, cắt giảm và công bố trên báo chí, truyền hình nhưng thực chất đến giờ vẫn chưa làm được, như vậy sẽ gây ảnh hưởng đến lòng tin của doanh nghiệp”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nhắc đến những câu chuyện về kiểm tra chuyên ngành được đưa ra tại Hội nghị mới đây về cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 19/2018:
Một gói cà phê sữa cho sữa sấy khô vào để tạo sản phẩm nhưng thủ tục là phải bóc vỏ ra kiểm tra xem có dịch bệnh bên trong hay không; có doanh nghiệp dán nhãn hiệu suất năng lượng cho 4 chiếc tủ lạnh mất đến 149 triệu đồng…
Điều này khiến tuân thủ kiểm tra chuyên ngành là khâu tốn thời gian nhất và cũng rất tốn kém chi phí khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa.
Trong khi đó, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, thực tế đánh giá của doanh nghiệp về kiểm tra chuyên ngành cho thấy vẫn còn những bất cập lớn.
Cho đến nay mới chỉ có khoảng 6% các mặt hàng được đưa ra khỏi diện phải kiểm tra.
Mặc dù có nhiều cải cách về thủ tục, tới nay thời gian kiểm tra trung bình vẫn là 76 giờ/thủ tục, cao hơn xấp xỉ ba lần so với các nước ASEAN-4.
Ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, chất lượng đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đồng đều, có tình trạng chạy theo con số, mang tính đối phó, không thực chất.
Tính cải cách trong các phương án rà soát chưa thực sự triệt để.
“Phần lớn đề xuất trong các phương án mới chỉ dừng lại việc xem xét các điều kiện kinh doanh hiện hành ở trong nghị định.
Các kiến nghị chủ yếu xoay quanh sửa đổi, bổ sung Nghị định mà chưa mở rộng đánh giá các điều kiện kinh doanh chứa đựng trong Luật.
Đây được xem là một hạn chế không hề nhỏ trong hoạt động rà soát.
Trong khi, rất nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý có trong Luật cần được đánh giá để bãi bỏ hoặc sửa đổi”, ông Lộc nói.