Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế - Tiến sĩ Cấn Văn Lực khẳng định là chưa có nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản như lo ngại, bởi 3 dấu hiệu phổ biến chưa rõ.
Dấu hiệu thứ nhất là giá bất động sản phải tăng từ 30 % đến 50%. Thời gian vừa qua, có một số địa điểm, khu vực, dự án giá có tăng. Đặc biệt là ở một số địa phương sắp thành đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc.
Nhưng ngay sau đó, các địa phương, Chính phủ đã trấn an và đã kiểm soát được việc đội giá cao.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng chưa có dấu hiệu rõ ràng bong bóng bất động sản đang trở lại. (Ảnh: VOV) |
Tiến sĩ Lực cho rằng, ở các khu vực khác như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… có sốt đất ở các khu vực quy hoạch nhưng chỉ là cục bộ.
“Đây không phải là bong bóng bất động sản mà nó xuất phát từ câu chuyện tin đồn, quy hoạch, thổi giá, đầu cơ. Các cơ quan chức năng vào cuộc thì giá có thể giảm được ngay”, ông Lực nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Lực, bong bóng phải là giá sốt trên toàn bộ thị trường bất động sản, tuy nhiên giá bất động sản trong 2 năm qua có nhích lên nhưng chỉ tầm 10 – 15% tùy vào mỗi phân khúc.
Dấu hiệu thứ hai của bong bóng bất động sản là tình trạng đầu cơ xảy ra phổ biến. Điều này ở Việt Nam thời gian qua cũng không phải đại trà mà chỉ xảy ra ở một vài dự án, địa phương.
Dấu hiệu thứ ba của bóng bóng bất động sản là hiện tượng đổ xô đi bán, bán tháo bất động sản. Nhưng hiện nay, thị trường bất động sản không phải như vậy.
Tiến sĩ Lực nhấn mạnh: “Tôi chưa thấy ba dấu hiệu phổ biến của bong bóng bất động sản xuất hiện ở Việt Nam. Vì thế, tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo ngại về vấn đề bong bóng bất động sản”.
Tuy nhiên, ông Lực cũng cảnh báo, quản lý rủi ro là cần nhưng không nên để điều đó biến thành tâm lý cho thị trường.
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, Tiến sĩ Bùi Quang Tín - Giảng viên khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc điều hành trường Doanh nhân Bizlight cũng cho rằng đã không xảy ra và rất khó xảy ra bong bóng bất động sản như lo ngại.
Theo ông Tín, thực tế, cuối năm ngoái đã có lo ngại về chu kỳ bong bóng bất động sản xảy ra đầu năm nay nhưng nó đã không xảy ra.
Tiến sĩ Bùi Quang Tín. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Tiến sĩ Tín nói thêm, hơn một tháng qua, theo đánh giá là thị trường bất động sản có dấu hiệu trầm lắng trở lại.
Tại một số khu vực như quận 2, quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh, giá bất động sản có hiện tượng tăng nóng, nhưng nguy cơ rơi vào khủng hoảng như những năm trước đây khó xảy ra. Do cơ quan quản lý nhà nước đã can thiệp khá kịp thời nhằm chấn chỉnh thị trường.
Ở góc độ tài chính, Tiến sĩ Bùi Quang Tín nhấn mạnh, chính sách quản lý vốn từ phía Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại đang được siết chặt. Vì thế, doanh nghiệp, người dân mua bán, xây dựng bất động sản tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ không còn thuận lợi như trước.
Tiến sĩ Tín nêu rõ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Các ngân hàng cũng được yêu cầu phải thường xuyên giám sát, đánh giá, theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản đảm bảo để có biện pháp xử lý thích hợp.
Việc xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn hơn.
Tiến sĩ Tín phân tích thêm, về phía các ngân hàng thương mại, trước áp lực về nợ xấu, các ngân hàng cũng không dám đẩy mạnh cho chủ đầu tư bất động sản vay.
Ngoài ra, áp lực về lãi suất đầu vào, chi phí quản lý, chi phí nhân viên khiến ngân hàng khó giảm lãi suất cho vay rộng rãi cho nhiều đối tượng, đặc biệt đối với khách hàng có nhiều rủi ro khi vay vốn ngân hàng, cụ thể là đầu tư bất động sản.
“Vì thế, theo tôi sẽ rất khó xảy ra tình trạng thị trường bất động sản đổ vỡ như năm 2007, đầu 2008”, ông Tín đánh giá.