Sau vụ nâng điểm ở Hà Giang, Giám đốc Sở Giáo dục Thanh Hóa như trút gánh nặng

19/07/2018 14:39
QUỐC TOẢN
(GDVN) - “Bây giờ tôi cảm thấy rất thanh thản như trút bỏ được gánh nặng về tâm lý về thứ hạng điểm trung bình thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của Thanh Hóa".

Có dấu hiệu buông lỏng kiểm tra, giám sát

Việc nâng điểm hàng loạt thí sinh trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang đang khiến dư luận cả nước quan tâm, bức xúc.

Trước thông tin nâng điểm của Hà Giang và hàng loạt các địa phương khác có nghi vấn gian lận điểm thi, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho rằng, trong vụ việc trên, cơ quan có thẩm quyền có dấu hiệu buông lỏng quản lý, đặc biệt là lỗ hổng trong công tác giám sát việc chấm thi.

“Ai cũng biết quy trình tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia hết sức chặt chẽ. Theo đó, có ít nhất 3 lực lượng tham gia giám sát từ đầu đến cuối để đảm bảo sự an toàn cho kỳ thi ở các cụm thi (Thanh tra Bộ, Thanh tra sở, Công an).

Từ vụ việc tại Hà Giang ai cũng thấy có kẽ hở trong khâu kiểm tra, giám sát. Các cơ quan này ở đâu mà để cán bộ làm chuyện tiêu cực như vậy?”, bà Hằng nhận định.

Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 Hà Giang chiếm 0,59% số thí sinh của cả nước, nhưng lại có số thí sinh điểm cao tốp đầu bất thường. Qua kiểm tra phát hiện 144 trường hợp được nâng điểm. Ảnh minh họa: TTXVN
Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 Hà Giang chiếm 0,59% số thí sinh của cả nước, nhưng lại có số thí sinh điểm cao tốp đầu bất thường. Qua kiểm tra phát hiện 144 trường hợp được nâng điểm. Ảnh minh họa: TTXVN

Nói riêng về việc tổ chức thi Trung học phổ thông quốc gia tại Thanh Hóa bà Hằng cho rằng, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan có liên quan khác đã làm hết sức mình để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn:

“Riêng Thanh Hóa, sau khi kết thúc kỳ thi này, phụ huynh, học sinh rất hài lòng vì tất cả các quy trình tổ chức thi được thực hiện nghiêm túc.

Cho đến giờ phút này, với cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, tôi có thể tự hào rằng, tại Thanh Hóa không có bất kỳ một điều tiếng gì về cách thực hiện tổ chức thi”, bà Hằng cho biết.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cũng cho rằng, từ vụ việc tiêu cực của Hà Giang cho thấy, vai trò của người đứng đầu rất quan trọng để đảm bảo một kỳ thi an toàn, thành công.

“Người lãnh đạo cần thể hiện quan điểm rõ ràng, đồng thời quán triệt sâu sắc những quy định tổ chức thi tới lãnh đạo các trường, học sinh để họ nhận thức được vấn đề học hành, thi cử.

Đồng thời người đứng đầu phải lường trước những sai sót có thể xảy ra trong khi tổ chức thi để lên phương án xử lý kịp thời.

Riêng Thanh Hóa, cán bộ tham gia vào công tác tổ chức thi không dám làm tiêu cực bởi làm cái gì cũng có thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Do đó, nếu lãnh đạo sát sao thì không thể có chuyện một cán bộ khảo thí lại dám làm chuyện tiêu cực trong thi cử như ở Hà Giang”, bà Hằng nói.

Đổi chéo chấm bài thi trắc nghiệm có hạn chế được tiêu cực?

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cho biết, từ vụ việc tiêu cực trong thi cử xảy ra tại tỉnh Hà Giang, bà cảm thấy thanh thản vì giảm được áp lực về thứ hạng điểm trung bình thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.

“Ban đầu nhìn vào xếp hạng điểm trung bình thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 của Thanh Hóa so với các địa phương trên cả nước năm 2018, tôi cảm thấy rất buồn;

Vì trong năm qua, tất cả những người làm công tác giáo dục trong tỉnh đã rất cố gắng, nhưng kết quả không được như mong muốn.

Nhưng sau những gì đã xảy ra ở Hà Giang, bây giờ tôi cảm thấy rất thanh thản như trút bỏ được gánh nặng về tâm lý về thứ hạng.

Chúng tôi khẳng định không chạy theo bệnh thành tích và không vì bệnh thành tích mà tiêu cực”, bà Hằng chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hằng cũng cho rằng, từ vụ tiêu cực trong thi cử tại Hà Giang và một số địa phương có nghi vấn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát các địa phương khác có nghi vấn gian lận điểm thi, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm hành vi có vi phạm.

Vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nói thêm: “Qua vụ việc này, chúng ta cũng phải nhìn nhận lại từ quy trình chấm thi, cách thức thi cử hiện nay.

Một phương án có thể khả thi hơn đó là đổi chéo chấm bài thi trắc nghiệm giữa tỉnh này với tỉnh khác để ngăn ngừa tiêu cực trong việc chạy điểm, sửa điểm thi.

Tuy nhiên, đây có thể coi là phương án dự phòng bởi, nếu địa phương nào cũng thực hiện nghiêm túc công tác tổ chức thi theo chỉ đạo của cấp trên thì sẽ không thể có chuyện tiêu cực.

Phương án thứ hai, Bộ có thể thành lập ra một số trung tâm khảo thí tại các cụm thi. Các cụm thi sau đó chuyển bài thi tới các trung tâm khảo thí để chấm và trả kết quả về cho địa phương sau khi hoàn tất công đoạn này”, bà Hằng nêu quan điểm.

"Tất cả là do con người"

"Tôi rằng tiêu cực trong thi cử tại Hà Giang là do việc sắp xếp, bố trí và tổ chức thực hiện nhiệm vụ không đúng vị trí việc làm. Nếu như chúng ta kiểm soát nghiêm ngặt từng vị trí trong quá trình tổ chức thi sẽ không thể có chuyện tiêu cực nêu trên.

Thậm chí, trong quá trình tổ chức thi một số anh em làm nhiệm vị tổ chức thi coi thường các bước quy trình và quy định về việc các bộ phận trong thực hiện quy trình phải giám sát lẫn nhau.

Còn việc đổi chéo để chấm thi thì cũng chưa hẳn đã cần thiết vì quy trình tổ chức thi là do con người. Quy trình Bộ đưa ra là chuẩn rồi, nhưng khi người chỉ huy chỉ đạo thi coi thường việc thực hiện quy trình thì rất dễ xảy ra sai sót.

Tất cả là do con người hết. Tại sao các tỉnh thành khác không vướng mà một số tỉnh thành lại có tiêu cực. Do đó, nếu ai sai thì phải bị xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, sau khi phát hiện sai sót tại một số địa phương, cơ quan có thẩm quyền mới cho kiểm tra thì quá muộn. Tôi cho rằng, khi chuẩn bị "chiến đấu" thì phải đề phòng trước.

Qua sự việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nhìn nhận lại vấn đề quản lý, giám sát đồng thời nên giao trách nhiệm cho địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thi", Ông Nguyễn Xuân Trường – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết.

QUỐC TOẢN