Đậu Ngọc Khánh, cậu học sinh lớp 12 chuyên Toán Trường chuyên Trần Hưng Đạo, Phan Thiết, Bình Thuận có một tuổi thơ thiệt thòi so với nhiều bạn bè cùng trang lứa.
Mới học lớp 3, cha mẹ em chia tay nhau. Không tiền bạc, không nhà cửa, cô bảo mẫu Bùi Thị Cẩm (làm việc tại Trường mẫu giáo Hòa Phú, Tuy Phong tỉnh Bình Thuận) dắt 2 con và một bé trong bụng về tá túc tại nhà ngoại ở huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận.
Với đồng lương hơn 2 triệu đồng/tháng, mẹ Khánh đã rất vất vả để lo cho các con được ăn học đến trường.
Em Đậu Ngọc Khánh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Thương con, thương cháu, ông bà ngoại và mấy dì cưu mang cho anh em Khánh ăn uống qua ngày.
Khánh học giỏi, chăm ngoan và rất thương mẹ.
Đã nhiều lần Khánh muốn nghỉ học đi làm phụ mẹ để mẹ đỡ vất vả, nhưng chị Cẩm cho biết:
“Dù phải làm vất vả đến đâu, dù có phải chịu cực như thế nào cũng quyết cho con học hành đến nơi đến chốn. Đời mình ít học nên khổ thế, đời con không thể đi theo vết xe đổ của mình”.
Thương mẹ, Khánh chỉ biết lao vào học. Năm lớp 10 em đã thi đỗ vào lớp chuyên Toán Trường chuyên Trần Hưng Đạo Phan Thiết.
Do trường học quá xa nhà nên em phải vào ở kí túc xá của trường để ở. Khó khăn lại chồng khó khăn khi ở nhà em còn được ngoại, dì cưu mang cho ăn uống, nay đi học xa, mẹ phải gửi tiền ăn, tiền học cho em nên chi tiêu của cả gia đình càng thêm khốn khó.
Số tiền lương mẹ kiếm được hàng tháng đã gửi gần hết cho Khánh. Chị Cẩm nói, ngày thứ 7, chủ nhật chị đi làm thêm bất cứ việc gì khi có ai gọi.
Nhưng, công việc quen thuộc nhất là lau nhà, quét dọn cho nhiều gia đình quanh vùng để có thêm chút tiền cho 3 mẹ con trang trải.
Không phụ lòng mẹ, Khánh học mỗi ngày một giỏi. Điều đặc biệt là ngoài giờ học trên lớp, Khánh tự học ở nhà mà không đi học thêm.
Khánh cho biết: “em học chắc kiến thức thầy cô giảng trong sách giáo khoa và tự học trên mạng”. Theo em, học thêm vừa tốn tiền lại tốn cả thời gian.
Học trên mạng, em gặp gỡ và làm quen với nhiều bạn giỏi, nhiều thầy cô giỏi ở khắp nơi. Nhờ đó, em đã luyện được nhiều đề khó, học được nhiều cách giải hay để nâng cao kiến thức cho mình.
Khánh đã liên tục có tên trong đội tuyển thi học sinh giỏi của trường và giành được nhiều giải thưởng cao.
Có thể kể, giải nhất tỉnh máy tính cầm tay lớp 9, giải nhất Toán tiếng Anh lớp 10, giải nhất học sinh giỏi Toán quốc gia lớp 11, huy chương đồng quốc gia lớp 11, giải nhất Toán lớp 12.
Huy chương bạc, huy chương vàng Olympic 30/4, thủ khoa kỳ thi giải bằng tiếng Anh toàn miền Nam, giải ba quốc gia IOE.
Mẹ Khán bật mí: “em tham gia nhiều kỳ thi và cố gắng đạt nhiều giải thưởng cũng vì muốn đỡ đần thêm cho mẹ”.
Mỗi khi có giải thưởng, em dành một ít tiền mua quà tặng người thân còn để dành chi tiêu để mẹ khỏi phải gửi tiền ăn hàng tháng. Nhờ có khoản tiền này mà việc học của em cũng đỡ vất hơn nhiều.
Nỗ lực chinh phục ước mơ trở thành thủ khoa khối C của nam sinh Hà Tĩnh |
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay, Đậu Ngọc Khánh đạt 25.15 điểm (Toán 8.6, Hóa 8.25, Sinh 8.25). Em được tuyển thẳng vào Trường đại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh.
Khánh lại khao khát được vào học tại Trường Y Dược thành phố Hồ Chí Minh. Với ước mơ trở thành bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh cho mọi người.
Nhưng, ước mơ ấy sẽ chẳng thể thực hiện khi gia cảnh nhà em hiện quá khó khăn. Với đồng lương hơn 2 triệu đồng/tháng của mẹ và còn phải nuôi 2 đứa em thì làm sao có thể đóng tiền học phí, lo tiền ăn, tiền trọ cho em khi đi học.
Những ngày này khi đang đợi giấy báo nhập học, em cũng chỉ biết giúp mẹ, giúp ngoại làm thêm một số công việc bên ngoài.
Nhưng, giữa vùng quê nghèo nơi gia đình em ở, để có thu nhập từ việc làm thêm cũng chẳng hề dễ dàng gì.
Khánh cho biết, em chỉ ước có chút tiền đóng học phí, lo chỗ trọ ổn định. Sau đó, em sẽ cố gắng đi làm thêm để tự trang trải cho việc học tập, sinh hoạt của bản thân để mẹ đỡ vất vả và dành tiền nuôi các em ở nhà.
Nói về em, thầy Trương Ngọc Triết - Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Toán Trường trung học phổ thông Chuyên Trần Hưng Đạo nói:
“Khánh có năng khiếu về Toán, học giỏi các môn tự nhiên và tiếng Anh. Ngoan, hiền, lễ phép, tích cực trong mọi hoạt động của lớp và luôn được thầy cô, bạn bè yêu mến.
Em sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiệt thòi quá nhiều so với đám bạn cùng trang lứa”.