Bất cứ mất mát hy sinh nào giữa thời bình đều để lại những niềm tiếc thương vô hạn. Người dân tiếc thương khi các anh không còn được nhìn thấy bầu trời đất mẹ, quân đội mất đi những phi công đầy kinh nghiệm, và gia đình mất đi một thành viên. Còn đau xót nào hơn!
Khi Bộ Quốc phòng phát đi thông báo cho biết hai phi công trong vụ rơi máy bay chiến đấu Su 22 đã hy sinh, gồm:
Trung tá Khuất Mạnh Trí (sinh năm 1978, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, quê thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội) và Thượng tá Phạm Giang Nam (sinh năm 1972, Chủ nhiệm bay Trung đoàn 921, quê Thái Thụy, Thái Bình) hy sinh trong lúc bay huấn luyện trên bầu trời Nghệ An.
Trung tá Khuất Mạnh Trí cùng gia đình (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Nhiều người đã không khỏi xót xa và cầu mong một điều kỳ diệu nào đó sẽ xảy ra, rằng các anh kịp thời bung dù để thoát ra ngoài. Đồng bào cả nước cầu nguyện, chờ đợi một cái kết có hậu.
Thế nhưng, mọi ước mơ đã tan biến. Lời nguyện cầu không được hồi đáp. Các anh mãi mãi không về…
Cơn mưa đêm 26/7 xứ Nghệ như cũng trút hết nỗi niềm khi người dân và đồng đội đưa các anh về Quân Khu 4. Các anh đã vĩnh viễn chẳng bao giờ còn nhìn thấy bầu trời được nữa.
Nhiều người dân tại làng Dừa, xã Nghĩa Yên (huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) nói, dường như khi chiếc máy bay gặp sự cố, phi công lái máy bay Su22U đã cố bẻ lái để tránh nhà dân, đâm vào ngọn đồi trống.
Đó đã là hành động của anh hùng, khi các anh sẵn sàng hy sinh bản thân mình để người dân được an toàn.
Trong khoảnh khắc sinh tử và sự quyết định chỉ tính trong vòng vài phần trăm giây đó, người lính đã thể hiện được bản lĩnh, sự quyết đoán và tinh thần vì nhân dân của mình.
Để rồi cơn mưa đêm đưa các anh an lành về trong nước mắt và vòng tay người dân cùng đồng đội.
Khoảnh khắc máy bay rơi và phát nổ (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Trong tình huống tai nạn, máy bay hư hỏng có thể mua được cái khác nhưng mất phi công là tổn thất vô cùng lớn.
Còn nhớ năm 2016, thời điểm 2 chiếc máy bay Su-30 và CASA-212 của Không quân Việt Nam cũng gặp nạn trên biển, có những phi công đã không trở về.
Sự ra đi của các anh không chỉ là mất mát của gia đình, mà còn là tổn thất cho cả quân đội, cho cả quốc gia. Đọc thông tin trên các báo mà thấy rưng rưng.
Trung tá Khuất Mạnh Trí muốn nối nghiệp binh của bố nên đã bỏ Đại học Bách khoa để vào trường không quân, học lái máy bay chiến đấu.
Ngoài việc làm bạn với bầu trời, anh còn có sở thích chăm sóc hoa lan. Anh ấy có cả một vườn lan trồng trong sân nhà.
Người phi công giữ cương vị chỉ huy thường xuyên xa nhà.
Thời gian 2 đứa trẻ được gần bố cũng ít ỏi.
Người thân cho biết anh lần nào cũng nói chuyện với vợ trước khi cất cánh.
Vậy mà, lần này anh bay mãi không về…
Các anh, đã hóa thành những đàn sếu bay giữa trời, như trong một đội hình để khi ai đó bất chợt ngước nhìn về phía trời xa lại thấy như các anh vẫn bay và vẫy tay giữa bầu trời đất mẹ.
Ở đâu đó trên dải đất hình chữ S này vẫn có những sự hy sinh như thế. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân vì đồng đội, vì nhiệm vụ cao cả giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân, cho độc lập Tổ quốc vững bền.
Những sự hy sinh rất thực, diễn ra ngay trước mắt chúng ta, không hề xa lạ, hay sách vở. Và, với những người lính đang ngày đêm gìn giữ biên cương, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, để canh giữ giấc ngủ bình yên cho nhân dân, khi Tổ quốc cần họ sẵn sàng hy sinh.
Hôm nay ngày 27/7, ngày cả dân tộc tưởng nhớ tới những anh hùng, thương binh liệt sỹ, và các anh cũng hòa vào trong đó, như ngọn lửa của cha ông bao đời.