Một trong 3 chủ nhân chiếc huy chương vàng đoàn Việt Nam trong kỳ Olympic Sinh học quốc tế lần 29 là em Nguyễn Phương Thảo - học sinh lớp 12, trường trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đặc biệt, Phương Thảo còn đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi (với 98,13/100 điểm) trên tổng số 261 thí sinh của 71 quốc gia tham dự Olympic Sinh học 2018, được tôn vinh là the first winner (người thắng cuộc cao nhất).
Đây cũng là lần đầu tiên học sinh Việt Nam đạt điểm cao nhất kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế.
Cô gái vàng Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi Olympic Sinh học 2018, được tôn vinh là the first winner (người thắng cuộc cao nhất). (Ảnh: Thanh Chuyên) |
Được biết, năm 2017, Thảo là thí sinh nữ duy nhất trong đoàn dự thi Olympic quốc tế giành huy chương. Thành tích năm ngoái của nữ sinh trường chuyên Khoa học Tự nhiên là huy chương bạc.
Chia sẻ với chúng tôi về khoảnh khắc khi được gọi tên trở thành thí sinh có điểm cao nhất, Phương Thảo tâm sự:
“Em thật sự bất ngờ khi mà tên mình được đọc trong top ba - những thí sinh cuối.
Đặc biệt hơn, khi anh dẫn chương trình gọi tên và đọc to hai tiếng Việt Nam lúc đó cả khán đài vỗ tay rất lớn, trong đầu em hiện hình ảnh những thầy cô, gia đình và những người đã hỗ trợ cho em trong quá trình học tập để mình có thành tích như ngày hôm nay”.
Theo lời kể của cô gái vàng này, để giành được chiến thắng thuyết phục này, Nguyễn Phương Thảo cùng đoàn thí sinh Việt Nam đã phải trải qua hai phần thi hết sức căng thẳng.
Lần đầu tiên, Việt Nam có điểm cao nhất Olympic Sinh học quốc tế |
“Năm nay, cả đề lý thuyết và thực hành đều rất phân hoá. Đồng thời, cách đánh giá điểm cũng khắt khe hơn nhiều so với năm trước, bởi vậy đòi hỏi khả năng của thí sinh cao hơn rất nhiều.
Ví dụ: Các thí sinh phải thi 1 bài lý thuyết có 50 câu trắc nghiệm; có 4 ý trắc nghiệm đúng sai.
Bình thường, ban tổ chức sẽ chấm điểm theo kiểu đúng 4 ý được 1 điểm; 3 ý được 0,6; 2 ý 0,2 đúng 1 ý thì không được điểm.
Nhưng năm nay, ban tổ chức chấm chặt hơn rất nhiều, 4 ý mới được 1 điểm: 3 ý được 0,5 nếu đúng 1 hoặc 2 cũng đều không được điểm. Vì có sự thay đổi về cách chấm điểm như vậy dẫn đến việc lấy điểm lý thuyết khó khăn hơn rất nhiều”, Thảo nói.
Để vượt qua những khó khăn trong quá trình làm bài thi, trước đó, Phương Thảo đã chịu rất nhiều áp lực từ chính bản thân mình với mong muốn đổi màu huy chương.
Được biết, để trở thành “cô gái vàng” hôm nay, Phương Thảo đã có một chiến lược học lâu dài. Đó là vừa phải rèn khả năng suy luận, vừa rèn khả năng tranh phản xạ.
Đồng thời, để tránh việc quên kiến thức phải đọc rất nhiều đề, làm nhiều bài tập để luyện phản xạ.
Thảo cũng chia sẻ, mỗi cuộc thi đều giúp em đúc rút được những điều dành cho bản thân mình.
Kỳ thi Olympic năm quốc tế 2017 là một bước đệm, một thử thách đầu tiên cho em, đồng thời cũng là kinh nghiệm quý báu giúp em áp dụng vào cuộc thi Olympic Sinh học quốc tế 2018.
Được biết, dự định của cô gái vàng Sinh học Nguyễn Phương Thảo ngay sau cuộc thi này là nộp hồ sơ vào ngành Cử nhân tài năng Sinh học của trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội để theo đuổi đam mê Sinh học của mình.
Trong quá trình học Thảo cố gắng học tiếng Anh và săn học bổng để đi du học.