Đằng sau những tấm huy chương vàng, bạc quốc tế luôn lấp lánh những ánh hào quang mang niềm vui, niềm tự hào khôn tả.
Thế nhưng, phía sau ấy là những tháng ngày vất vả, nhọc nhằn, là sự học hỏi không ngừng vươn lên của cả thầy và trò.
Sự hy sinh thầm lặng của những người thầy không thể nào kể hết.
Vừa tròn 36 tuổi đời cùng với 10 năm tuổi nghề, cô Mai Châu Phương giáo viên Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa đã có trong tay thành tích giảng dạy khiến nhiều đồng nghiệp phải nể phục.
Trong vài năm gần đây, học sinh trong đội tuyển Hóa do cô trực tiếp bồi dưỡng đã gặt hái nhiều thành công (1 vàng, 2 bạc) trên đấu trường quốc tế.
Thành tích ấy, đã góp phần làm rạng danh thương hiệu Trường chuyên Lam Sơn và đất học tỉnh Thanh.
Cô Mai Châu Phương giáo viên Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Cô Mai Phương vốn là cựu học sinh lớp chuyên Hóa Trường trung học phổ thông chuyên Lam Sơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm học Hóa, được ôn luyện và cọ sát nhiều trong các kỳ thi quốc gia, cô đã có khá nhiều kinh nghiệm để dạy cho lớp học sinh của mình nhiều điều bổ ích.
Trong lớp học, cô luôn phân học sinh làm ba nhóm đối tượng để giảng dạy một cách hiệu quả nhất. Nhóm học bình thường, nhóm thi quốc gia và nhóm thi quốc tế.
Những kiến thức cần dạy chung thì truyền thụ trước lớp, từng nhóm đối tượng sẽ có bài tập riêng.
Ngoài ra, giờ rảnh, những học sinh tiềm năng (hạt giống thi quốc tế) sẽ được cô bồi dưỡng riêng ở nhà mà không cần đóng học phí.
Cô Mai Phương cho biết, không muốn xấu hổ khi đứng trước bục giảng vì các em quá giỏi. Để học trò có niềm tin vào mình cả về kiến thức học tập cũng như kiến thức trong cuộc sống đời thường, bản thân cô phải học hỏi miệt mài.
Để trò có kết quả tốt trong kì thi, cô và trò luôn đóng vai là đôi bạn học tập. Hết đọc những tài liệu nước ngoài liên quan đến môn Hóa lại làm khá nhiều những bài tập, những đề thi mang tầm quốc tế.
Kinh nghiệm của cô là khuyến khích tất cả học sinh trong đội tuyển của mình tham gia tất cả những kỳ thi lớn, nhỏ được tổ chức.
Đặc biệt với những học sinh như Nguyễn Văn Chí Nguyên (huy chương bạc), Nguyễn Khánh Duy (huy chương vàng)… luôn luôn tạo áp lực và đặt mục tiêu.
Sau mỗi kỳ thi, cô trò phải ngồi lại thật nghiêm túc để xem mình đã đạt được gì? Chưa đạt được gì? Thất bại từ đâu? Vì sao lại thất bại?
Luôn để học sinh giải thích trước, cô sẵn sàng ngồi lắng nghe, tôn trọng ý kiến các em và tuyệt đối không bao giờ áp đặt.
Và bao giờ cũng thế, cả cô và trò đều rút kinh nghiệm ngay lập tức để thời gian tới không thể mắc lại sai lầm.
Cô luôn dặn học trò: “Cho dù là kỳ thi nhỏ tham gia phải khác biệt không bằng lòng, thỏa mãn với thành quả ấy thế mới vươn cao được”.
Chia sẻ về việc dạy học sinh chuyên, đặc biệt những học sinh là hạt giống trong các đấu trường quốc gia, quốc tế, cô Mai Phương cho biết:
“Học sinh luôn luôn hỏi, tôi sẵn sàng thừa nhận những điều mình chưa biết. Tôi nói với các em, cô cần tìm hiểu kĩ và sẽ có câu trả lời sớm nhất.
Tôi sẽ hỏi thêm những chuyên gia về lĩnh vực ấy, về những người thầy của mình, về những học sinh cũ đã đi thi quốc tế, những đồng nghiệp quanh mình...”.
Cả gia đình ôm nhau trong niềm vui vỡ òa khi con giành Huy chương Vàng Olympic |
Một điều thú vị và rất đáng cảm phục khi nghe cô Mai Phương cho rằng:
“Học sinh mới vào trường mình là thầy của chúng, thời gian sau mình sẽ là bạn học và đến bây giờ (khi các em đã được vinh danh) mình trở thành học trò của các em.
Tôi luôn tâm niệm như thế mới học được nhiều điều của học sinh mình vì các em đã thông minh hơn rất nhiều”.
Chúng tôi thật ấn tượng với câu nói của một thầy giáo đồng nghiệp của cô “Mai Phương sinh ra là để dạy chuyên”.
Nói về giáo viên của mình, thầy Nguyễn Thanh Sơn Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Lam Sơn rất tự hào:
“Cô Mai Phương là một giáo viên còn trẻ nhưng có tay nghề chuyên môn vững vàng. Cô luôn nhiệt tình trong mọi công việc, hết lòng vì học sinh.
Ban giám hiệu đặc biệt tin tưởng khi phân công cô giảng dạy và luyện đội tuyển. Cô cũng được đồng nghiệp, phụ huynh luôn quý trọng và tin yêu”.