LTS: Trước vấn nạn lạm thu tiền trường – một vấn nạn đã và đang diễn ra ở nhiều trường học hiện nay, đặt ra câu hỏi “Ai giám sát việc thu chi quỹ hội phụ huynh?”, tác giả Bình Thanh đã có bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Trong cuộc họp cha mẹ học sinh cuối và đầu mỗi năm học, phụ huynh trường nào cũng được giáo viên công khai bảng tài chính thu chi tiền quỹ hội.
Đó là một sấp giấy liệt kê chi chít những khoản chi trong suốt năm học vừa qua của nhà trường.
Thường thì giáo viên cũng chẳng thể đọc nổi cũng như nhiều phụ huynh cũng chẳng muốn nghe vì quá nhiều danh mục.
Sấp giấy kê khai được để lên bàn cho phụ huynh nào quan tâm thì lấy lên xem.
Phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng nhà trường ấn định mức thu |
Bao giờ cũng vậy, số tiền dù là vài chục triệu (trường quy mô nhỏ) đến hàng trăm triệu đồng thì phần kết dư cũng luôn bằng 0. Hoặc nhiều nhất cũng chỉ tồn quỹ khoảng vài ba triệu đồng cho năm học tới.
Công khai tài chính trước toàn thể phụ huynh kiểu này, nhà trường muốn cho cha mẹ các em biết rằng số tiền phụ huynh đóng góp đã được thu chi rõ ràng, đúng mục đích. Và từ đó, sẽ tiếp tục kêu gọi cho lần đóng quỹ phụ huynh tiếp theo.
Thế nhưng trong thực tế, khá nhiều trường thu tiền phụ huynh một cách bắt buộc, cào bằng, núp bóng danh nghĩa tự nguyện. Và khi chi tiền cũng không đúng danh mục quy định trong Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT.
Nhưng, chứng từ và bảng liệt kê công khai tài chính trên giấy lại được “thay tên đổi họ” cho khớp với những quy định ấy.
Việc thu chi lập lờ kiểu này, ai ai cũng biết nhưng lại chẳng ai dám có ý kiến ngoài những tiếng xì xào to nhỏ bên ngoài.
Bởi, lên tiếng chẳng được gì đôi khi còn rước họa vào thân. Thế là, bộ ba hiệu trưởng, kế toán và hội trưởng phụ huynh cứ vô tư lộng hành như thế.
Vai trò thanh tra nhân dân mờ nhạt
Bất kể trường học nào cũng có Ban thanh tra nhân dân. Nhiệm vụ của Ban thanh tra đã được quy định rất rõ ràng.
Ngoài một số quy định về việc giám sát mọi hoạt động nhà trường, xử lý đơn thư tố cáo thì Ban thanh tra nhân dân còn có nhiệm vụ “giám sát việc sử dụng kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn thu khác, chấp hành chế độ quản lý tài chính, tài sản và công tác tự kiểm tra tài chính của đơn vị, trường học.
Có thẩm quyền, việc xử lý các vụ việc tham nhũng, lãng phí trong đơn vị, trường học.
Cần phát huy nhiệm vụ của Ban thanh tra nhân dân. (Ảnh minh họa từ Giáo dục và thời đại). |
Ban thanh tra nhân dân có quyền đề nghị người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trường học cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám sát.
Trường hợp phát hiện có hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo, người lao động, có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích chi, thu ngân sách và các khoản đóng góp, quỹ phúc lợi của cán bộ, nhà giáo, người lao động và các hành vi vi phạm khác thuộc nội dung giám sát của Ban thanh tra nhân dân thì kiến nghị với người đứng đầu đơn vị, trường học để xem xét giải quyết, đồng thời báo cáo với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở...”.
Nếu làm đúng, làm tốt vai trò của mình thì chắc chắn chuyện lạm thu và chi bất hợp lý trong nhà trường sẽ không xảy ra.
Nhưng trong thực tế, Ban thanh tra nhân dân ở các trường học chỉ là “bù nhìn”, chỉ được bầu lên cho đủ các chức danh đúng theo quy định chứ tuyệt nhiên không hoạt động gì hoặc có hoạt động cũng khá mờ nhạt.
Như “món quà” đổi chác
Những thành viên trong Ban thanh tra nhân dân nhà trường cũng là giáo viên thế nên họ thường an phận thủ thường kiểu “ai làm gì thì làm” cho yên thân.
Ban giám hiệu nhiều trường học cũng nắm được thóp này nên cái gì cần ký, cần thông qua cho đúng luật họ mới gọi thanh tra có mặt. Nhiều khi biên bản đã được soạn sẵn chỉ việc ký là xong.
Nếu vị thanh tra nào hơi cứng cựa đương nhiên hiệu trưởng cũng có phần chùn tay trong mọi việc nhưng cái chức này vị thanh tra kia cũng chẳng thể giữ được lâu. Sẽ có muôn ngàn cách được bầu lại cho “đúng người đúng việc”.
Chẳng phải hoạt động gì nhưng một tuần cứ nghiễm nhiên được ăn 2 tiết phụ trội nên không ít người cũng đã mơ được nhận chức vụ này.
Và chẳng phải ai mơ cũng được, thế nên khi được rồi họ luôn biết làm đẹp lòng người đứng đầu xem như “món quà có đi có lại”.
Thay vì giám sát việc thu chi trong nhà trường để tránh tham nhũng thì phần lớn thanh tra nhân dân đều tảng lờ như không phải việc của mình.
Thế là, việc thu chi bị bỏ ngỏ, hiệu trưởng và “bộ sậu” của họ muốn làm gì mà chẳng được.
Làm gì để việc giám sát thu chi có hiệu quả?
Một đồng nghiệp của chúng tôi làm Trưởng ban thanh tra một trường trung học cơ sở ở tỉnh Kiên Giang cho biết:
“Trước đây nhà trường cũng hay lùm xùm việc thu chi bất minh, nhưng từ ngày mình đảm nhận nhiệm vụ này tình hình đã được cải thiện rất nhiều.
Không chỉ đề nghị hiệu trưởng công khai các khoản thu chi từng quý trước hội đồng. Tôi còn giám sát việc chi quỹ hội phụ huynh, quỹ từ nguồn ngân sách có đúng những danh mục đã quy định hay không. Nhờ đó, việc thu chi tiền quỹ hội đã cải thiện khá nhiều”.
Giáo viên này cũng cho biết mình luôn là cái gai trong mắt hiệu trưởng nhưng nhờ tay nghề giảng dạy vững vàng lại được lòng tập thể giáo viên nên dù ghét, hiệu trưởng cũng chưa thể xử lý hoặc làm khó.
Muốn làm tốt công việc của mình thì người làm công tác thanh tra nhân dân phải có được tính cách trung thực, thẳng thắn, luôn vì tập thể chứ không vì bản thân mình.
Những người như thế trường nào cũng có. Vậy nên khi bình bầu giáo viên phải biết tìm đúng người và nhất quyết không theo định hướng của cấp trên.