LTS: Vào đầu năm học mới, câu chuyện về việc trường học "tận thu" lại nóng lên khiến nhiều phụ huynh bức xúc.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh tất tả để lo chạy tiền cho con vào nhập học.
Ngoài những khoản tiền bắt buộc phải chi như tiền sách giáo khoa, tiền quần áo, giày dép, tiền học phí, tiền mua bảo hiểm thì còn hàng chục khoản tiền khác.
Khá nhiều trường học “tận thu” nhưng lại tránh mang tiếng thu tiền của phụ huynh nhiều nên tự “đẻ” thêm một số khoản tiền khác.
Ví như đã thu tiền quỹ hội phụ huynh lại thu thêm khoản tiền quỹ lớp.
Quỹ lớp, quỹ hội đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ huynh. Ảnh minh họa: Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam. |
Nếu gộp chung hai khoản tiền phải đóng này thì số tiền cha mẹ các em bỏ ra một năm cho con phải tính đến bạc triệu.
Bởi thế, áp lực tiền trường đang đè gánh nặng lên vai các bậc cha mẹ. Khổ nhất là những gia đình có điều kiện kinh tế dưới mức trung bình.
Nhập nhằng tên gọi quỹ hội phụ huynh và quỹ lớp
Quỹ hội phụ huynh chính là tiền mà cha mẹ học sinh ủng hộ để phục vụ việc học tập và sinh hoạt cho con em mình.
Số tiền thu được của mỗi lớp tùy từng trường quy định sử dụng. Có trường cho các lớp giữ lại khoảng 70%, 30% còn lại sẽ nộp về quỹ hội phụ huynh nhà trường.
Có trường lại thu 70% số tiền phụ huynh từng lớp ủng hộ, 30% còn lại để tại lớp.
Có thể kể ra những khoản thầy cô sẽ chi từ số tiền quỹ hội giữ lại như photo tài liệu ôn tập, bồi dưỡng cho học sinh trong đội tuyển, chi bồi dưỡng cho các em giao lưu, tập văn nghệ, chi phần thưởng cho học sinh, hỗ trợ kịp thời học sinh gặp khó khăn…
Nhưng với số tiền để lại lớp quá ít như vậy nên các lớp (được nhà trường bật đèn xanh) mới “đẻ” thêm khoản tiền quỹ lớp.
Thế là, cha mẹ các em lại phải móc hầu bao đóng thêm một loại quỹ nữa là quỹ lớp.
Số tiền phải đóng quỹ lớp cũng không hề nhỏ. Cô con gái học tại một trường tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mỗi tháng con phải đóng tiền quỹ lớp 100 ngàn đồng (tiền quỹ hội phụ huynh nhà trường đã thu đầu năm một triệu đồng).
Số tiền này, được chi cho việc photo tài liệu học tập, ủng hộ các phong trào của nhà trường, sơn, sửa, phòng vệ sinh, trang trí phòng nội trú…
Ở một số trường công lập ở Đồng Nai mức đóng tiền quỹ hội phụ huynh và tiền quỹ lớp có ít hơn (hai khoản khoảng 600 ngàn đồng/học sinh/năm).
Khá nhiều phụ huynh bức xúc “đã đóng tiền quỹ hội còn phải đóng tiền quỹ lớp. Quỹ hội với quỹ lớp khác nhau chỗ nào?”.
Khổ nỗi cũng chỉ là những tiếng bàn tán, xì xào bên ngoài chứ mấy ai dám lên tiếng vì họ lại sợ con mình bị để ý, bị trù dập.
Thế nên đa phần phụ huynh bảo nhau “nhắm mắt đóng cho xong để yên chuyện”.
Một số trường Trung học phổ thông ở Bình Thuận dù đã thu đồng loạt (mức thu bắt buộc) mỗi phụ huynh 250 ngàn đồng tiền quỹ hội phụ huynh nhưng mỗi lớp học vẫn thu tiền quỹ lớp riêng. Mức thu nhiều ít do từng lớp quyết định.
Cần xóa bỏ tiền quỹ lớp
Nhiều trường học hiện nay sử dụng nguồn kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp trái với tinh thần của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.
Thông tư quy định “Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp từ đóng góp tự nguyện của cha mẹ học sinh theo nghị quyết cuộc họp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh lớp.
Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh trường được trích từ kinh phí hoạt động của các Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp theo nghị quyết của cuộc họp toàn thể các trưởng ban Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đầu năm học và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho Ban đại diện học sinh trường”.
Vì thế, theo đúng nguyên tắc sau khi phụ huynh đóng góp xây dựng kinh phí cho lớp sẽ thống nhất trích về trường bao nhiêu %.
Số còn lại sẽ để lớp hoạt động. Và nguồn kinh phí này gọi là quỹ lớp.
Nhưng trong thực tế, nhiều hiệu trưởng lại đứng ra quy định buộc các lớp phải nộp hết tiền phụ huynh đóng góp cho lớp về trường.
Sau đó nhà trường sẽ trích lại (khoảng 30%) cho các lớp. Số tiền quá ít này không thể giúp lớp hoạt động. Bởi vậy, tiền quỹ lớp đã ra đời.
Xóa bỏ quỹ lớp ở nhiều trường học hiện nay không ai khác chính là Ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp, cùng với Ban đại diện cha mẹ học sinh toàn trường.
Ngay trong biên bản cuộc họp phụ huynh đầu năm ở lớp cũng như ở trường, Ban đại diện phụ huynh cần cương quyết đề xuất ý kiến này.
Khi và chỉ khi phụ huynh đồng lòng thì dù muốn hay không, nhà trường cũng không thể làm khác.