Như báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đang gặp phải rất nhiều vấn đề bê bối về điểm thi.
Từ phản ánh về điểm giỏi cao bất thường ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã liên tục lập tổ công tác xác minh, kết luận hàng trăm thí sinh được nâng điểm.
Điều đáng ngại là thủ phạm gây ra sai phạm như vậy không địa phương nào có cá nhân đơn lẻ mà đều có hơn 1 thủ phạm và hoạt động có mối liên hệ với nhau.
5 Cán bộ trong ngành giáo dục Sơn La bị khởi tố (Ảnh tổng hợp từ công an) |
Dư luận vẫn đang đặt câu hỏi về trách nhiệm của những người đứng đầu ngành giáo dục, địa phương phải chiu trách nhiệm như thế nào trước những sai phạm của cấp dưới.
Nhất là trong bối cảnh một trong ba trọng tâm công tác cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay được Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI chỉ rõ là "xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng".
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bà Bùi Thị An nguyên đại biểu quốc hội Việt Nam khoá XII đã có những quan điểm rất thẳng thắn về vấn đề này.
Hà Giang nhất định phải hành động để bảo vệ danh dự cho Bí thư Triệu Tài Vinh |
Theo bà An: “Chuyện xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình có thể thấy có kẽ hở trong quản lý nhà nước về giáo dục. Thứ nhất, trách nhiệm quản lý kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia trước hết là trách nhiệm ngành dọc của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai, phải khẳng định rằng các vị lãnh đạo của các Sở Giáo dục và Đào tạo này đã không bám sát công việc. Trước khi xảy ra sai phạm, hầu hết các đồng chí không biết quân mình làm ăn như thế nào.
Nơi nào cũng tự tin rằng mình làm nghiêm túc, đúng quy trình… nhưng rồi sai phạm vẫn cứ sai phạm.
Tỉnh Hòa Bình đã từng rất tự tin về kết quả nhưng vẫn có 2 cán bộ bị khởi tố vì gian lận điểm thi. (Ảnh Bộ công an) |
Đây phải nói thẳng ra là trách nhiệm trong quản lý con người, quản lý nhân viên, Bộ đã phân công cho các đồng chí Giám đốc Sở rồi, các đồng chí phải phát huy vai trò của mình ở vị trí đó.
Nói hàng trăm con người không quản lý được hoàn toàn không hợp lý, đặc biệt là việc chọn lựa nhân sự để làm công tác thi Trung học phổ thông Quốc gia.
Việc này thể hiện rõ việc anh nắm không chắc công việc, năng lực quản lý không tốt. Nói thẳng ra là những vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo này đã không hoàn thành nhiệm vụ”.
Nói về việc chịu trách nhiệm khi để ra sai phạm, bà An cho rằng: “Đứng về phương diện quản lý nhà nước thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm, đứng về phía địa phương thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm, ở đây phải là ông bí thư tỉnh ủy phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm”.
Bà An phân tích: “Giáo dục là một việc lớn, đáng ra, trong giao ban thường vụ tỉnh ủy, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy phải phát huy vai trò của người đứng đầu đối với giáo dục.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã nêu việc xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị…
Ông Trần Đức Quý, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhận trách nhiệm (Ảnh:LC) |
Như vậy có thể thấy, việc các đồng chí phân cấp cho đồng chí nào thì trách nhiệm là phải hoàn thành, chức trách nhiệm vụ đồng chí nào được phân công thì phải chịu.
Việc thi tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia diễn ra tại địa phương chắc chắn là một việc lớn, một việc trọng điểm của địa phương.
Trong các kỳ giao ban, các đồng chỉ lãnh đạo cần phải phát huy vai trò của người đứng đầu, yêu cầu thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đối với kỳ thi”.
“Chẳng nhẽ anh coi đấy là việc thường à”? Bà An đặt câu hỏi.
“Để địa phương xảy ra sai phạm thì trách nhiệm vẫn phải là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương. Cấp dưới vi phạm thì bản thân người này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, lãnh đạo vẫn phải chịu trách nhiệm người đứng đầu”. Bà An nêu quan điểm.
Nói về việc tính chất các vụ việc gian lận điểm thi càng ngày càng tinh vi hơn, bà An cho rằng:
"Bộ trưởng Nhạ nhận trách nhiệm, nhưng thi quốc gia nhất định phải có thay đổi" |
“Con người trong ngành Giáo dục cũng là công nhân viên chức của nhà nước và việc này trung ương đã khẳng định rằng có một bộ phận cán bộ có dấu hiệu suy thoái… trong số này chắc chắn sẽ có trong cán bộ công chức, viên chức ngành giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng là một thành tố của xã hội, không thể tách ra được cho nên vấn đề mấu chốt ở đây vẫn cứ là vấn đề con người.
Con người trong giáo dục ở đây không chỉ là những người làm giáo dục đơn thuần mà còn là phẩm cách, là trình độ chuyên môn, là nghiệp vụ của cán bộ ngành giáo dục.
Vấn đề này tôi cũng đã kiến nghị rồi, làm thế nào để chúng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ, đội ngũ giáo viên, đội ngũ quản lý giáo dục có đầy đủ năng lực, phẩm cách để làm tốt nhiệm vụ được giao.
Nhìn xa hơn, vấn đề cải cách giáo dục phải tập chung vào chính thầy cô, đây là việc rất quan trọng. Nhưng mà chúng ta phải làm từ đầu, từ khâu tuyển chọn vào đại học sư phạm.
Nghĩa là tìm ai, phẩm chất nào để vào được sư phạm là phải thống nhất, bên cạnh đó là chính sách về quyền lợi đi kèm đối với nghề giáo.
Việc cải cách giáo dục có thể có rất nhiều thành tố nhưng thành tố quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, đây là thành tố tối quan trọng.
Do đó, việc cần là phải xây dựng được đội ngũ ra thầy, ra cô thì mới thực hiện tốt được chứ”. Bà An kết luận.