LTS: Trước sự việc điều chuyển giáo viên trung học cơ sở xuống tiểu học ở Nghệ An, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng việc này giáo viên có những khó khăn mà cũng có thuận lợi.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài viết "Hàng trăm thầy cô ở Nghệ An khóc ngất vì bị chuyển xuống dạy tiểu học!" của tác giả Trinh Phúc đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 4/8/2018 chắc chắn sẽ có nhiều người cảm thông và… sốc.
Bởi, 2 cấp học này có kiến thức khác nhau, phương pháp khác nhau, tâm lý lứa tuổi học sinh cũng khác nhau.
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà nhiều địa phương đang giảm biên chế, cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên thì chủ trương đưa giáo viên Trung học cơ sở xuống dạy Tiểu học ở huyện Diễn Châu (Nghệ An) vẫn được xem là giải pháp hợp lý và nhân văn.
Trong bài viết này, chúng tôi xin phân tích những thuận lợi và khó khăn trong công việc điều chuyển này.
Nghệ An thực hiện luân chuyển giáo viên khiến nhiều thầy cô lo lắng. Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn |
Những khó khăn
Việc giáo viên đang dạy Trung học cơ sở đang quen dạy những học trò lớn, nhận thức của học trò cấp học này cũng hoàn toàn khác với các em Tiểu học.
Hơn nữa, giáo viên đang dạy cấp Trung học cơ sở ở địa phương này hiện nay đang thiếu tiết.
Vì thế, việc sắp xếp số tiết dạy cho giáo viên thường chỉ có một số buổi nhất định trong tuần nên có rất nhiều thuận lợi để giáo viên bố trí công việc gia đình.
Bây giờ, khi bị điều chuyển xuống Tiểu học thì học sinh nhỏ hơn, “vừa dạy vừa dỗ” các em nên chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn.
Nhất là cấp Tiểu học hiện nay số tiết dạy đang nhiều hơn so với trung học cơ sở (23 so với 19).
Điều này cũng đồng nghĩa số buổi đến trường sẽ nhiều hơn.
Đặc biệt, khi đội ngũ giáo viên Trung học cơ sở bị điều chuyển xuống Tiểu học thì vẫn thường bị Ban giám hiệu và giáo viên cấp học này có cái nhìn nghi hoặc về phương pháp và khả năng đứng lớp.
Vô tình, những giáo viên đó trở thành “công dân hạng 2” trong nhà trường.
Hàng trăm thầy cô ở Nghệ An khóc ngất vì bị chuyển xuống dạy tiểu học! |
Nhưng, có lẽ khó khăn nhất là chuyện giảng dạy chuyên môn.
Phải nói rằng việc dạy ở cấp học cao thường nhàn hơn rất nhiều so với cấp Tiểu học bởi học sinh đã ý thức được việc học tập.
Hơn nữa, không bắt buộc giáo viên phải “cầm tay uốn nắn” các em từng chi tiết nhỏ nhất. Thế nhưng, xuống cấp Tiểu học thì hoàn toàn ngược lại.
Chẳng hạn như môn Văn ở cấp Trung học cơ sở có 3 phân môn là Văn bản, Tiếng Việt và Tập làm văn thì cấp Tiểu học gọi là môn Tiếng Việt và môn học này có thêm phân môn đọc (đọc thầm, đọc to) và viết chính tả.
Người ngoài ngành cứ ngỡ 2 phân môn này dễ nhưng thực tế rất khó.
Kĩ năng đọc của học sinh sẽ hình thành khả năng diễn đạt ngôn ngữ nói của con người sau này.
Nếu đọc đúng, đọc diễn cảm, biết hóa thân vào từng ngữ cảnh, từng nhân vật tốt thì sau này học sinh rất tự tin diễn đạt, giao tiếp, ứng xử trước mọi người.
Nếu đọc kém sẽ dẫn đến khả năng diễn đạt, trình bày ngôn ngữ trước mọi người khó thuyết phục.
Phân môn chính tả cũng vậy. Nếu giáo viên đọc đúng, viết đúng, viết đẹp và tận tâm uốn nắn tốt cho học trò thì sau này khi các em lên cấp học cao hơn sẽ là một lợi thế.
Nếu giáo viên không có nghiệp vụ, kĩ năng cơ bản, phương pháp phù hợp khi giảng dạy, hướng dẫn đúng sẽ dẫn đến học trò sai theo hệ thống về sau và rất khó khắc phục ở các cấp học cao hơn.
Đặc biệt, cái khó nhất của giáo viên xuống dạy môn Tiếng Việt ở cấp Tiểu học là khả năng trình bày chữ viết trên bảng.
Ở cấp Trung học cơ sở không có yêu cầu này nên nhiều giáo viên thường viết rất ẩu và chữ rất xấu bởi mỗi tiết học phải viết rất nhiều.
Tuy nhiên, xuống cấp Tiểu học lại hoàn toàn khác. Viết ít hơn nhưng yêu cầu cao hơn với rất nhiều kiểu chữ: chữ hoa, chữ in, chữ thường và tất nhiên là độ cao của từng loại chữ bắt buộc phải đúng theo ô ly, đúng từng cỡ chữ.
Giám đốc Sở Giáo dục Vĩnh Phúc: Điều chuyển nhân viên thì dễ, bố trí cán bộ khó |
Giáo viên viết mẫu sai sẽ dẫn đến học sinh sai, chấm bài cho học sinh sai theo và hơn nữa là nếu bị đồng nghiệp dự giờ thì đó sẽ là một thảm họa.
Ngoài ra, còn rất nhiều môn học khác mà những giáo viên bị điều chuyển từ cấp Trung học cơ sở xuống Tiểu học phải biết, phải nắm được để giảng dạy cho học trò.
Những điều này, đòi hỏi những năm đầu giáo viên phải đầu tư, học hỏi từ đồng nghiệp và tự trau dồi chuyên môn, kiến thức thường xuyên mới có thể đảm đương được.
Những thuận lợi
Bên cạnh những khó khăn thì những giáo viên Trung học cơ sở cũng có nhiều lợi thế để nhanh chóng đảm nhận công việc mới của mình.
Bởi, nếu như giáo viên Toán, Văn cấp Trung học cơ sở xuống Tiểu học dạy tất cả các môn như giáo viên Tiểu học thì mới thực sự khó khăn.
Đằng này, theo ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu, Nghệ An trao đổi với phóng viên thì:
“Khi xây dựng kế hoạch đào tạo, huyện sẽ hợp đồng đào tạo với Đại học Vinh để bồi dưỡng cho giáo viên.
Sau đó khi về các trường thì sẽ làm công tác tự bồi dưỡng về nội dung, phương pháp.
Các giáo viên khi về dạy ở bậc tiểu học chỉ được sắp xếp theo nhóm môn chứ không dạy như giáo viên tiểu học hiện nay.
Sẽ bố trí sắp xếp giáo viên toán dạy toán và một số môn khoa học tự nhiên. Trong khi, giáo viên văn sẽ dạy tiếng Việt mà một số môn khoa học xã hội”.
Như vậy, về cơ bản giáo viên sẽ được bồi dưỡng về chuyên môn và phương pháp.
Những ưu điểm của chính sách điều chuyển giáo viên tại Quảng Ngãi |
Điều quan trọng là các giáo viên bị điều chuyển vẫn được dạy môn chính mà mình đã được đào tạo.
Điều này, nằm trong khả năng của người thầy.
Ở bất kì ngành nghề nào cũng vậy, khi môi trường làm việc đã trở nên quen thuộc hàng ngày thì chắc chắn mọi việc sẽ suôn sẻ và dễ dàng hơn.
Khi đổi sang một môi trường làm việc mới chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi và xáo trộn.
Nhất là với những người thầy đã quen với đối tượng học trò của mình, quen với các đơn vị kiến thức và phương pháp giảng dạy.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một huyện như Diễn Châu đang dư thừa 213 giáo viên thì ngân sách địa phương phải trả hàng năm không phải là một con số nhỏ.
Trong khi, giáo viên Tiểu học của huyện lại thiếu 113 người.
Nếu, con số dư thừa ấy vẫn giữ nguyên mà huyện tuyển thêm 113 giáo viên tiểu học thì đó mới thực sự là nỗi lo cho ngân sách địa phương và lãng phí vô cùng.
Việc điều chuyển dù có khó khăn trước mắt nhưng dù sao nó vẫn thể hiện được tính nhân văn cũng như ghi nhận sự đóng góp của giáo viên Trung học cơ sở đối với ngành giáo dục.
Việc điều chuyển giáo viên ở huyện Diễn Châu nghe qua có phần phi lý nhưng suy cho cùng đó cũng là điều hợp lý với thực tế của địa phương.
Vì thế, dù có khó khăn bước đầu nhưng có lẽ những giáo viên cũng nên chấp hành lệnh điều chuyển của huyện bởi mọi quyền lợi của giáo viên vẫn được đảm bảo mà quan trọng hơn là đảm bảo được sự ổn định cho giáo dục huyện nhà.
Đó mới là vấn đề mấu chốt để duy trì công việc và đảm bảo cuộc sống của thầy cô giáo trong diện dư thừa.
Tài liệu tham khảo:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hang-tram-thay-co-o-Nghe-An-khoc-ngat-vi-bi-chuyen-xuong-day-tieu-hoc-post188468.gd