Cô giáo 20 năm tuổi nghề chia sẻ nỗi vất vả thu tiền đầu năm

09/08/2018 06:44
Thảo Ly
(GDVN) - Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải nơi kinh doanh. Nếu có nhu cầu mua tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm mà tôi tín nhiệm.

LTS: Tiếp tục chia sẻ về những nỗi vất vả khi các thầy cô là người vừa phải dạy học, vừa làm tư vấn viên bảo hiểm, làm người bán và kẻ đòi nợ thuê, cô giáo Thảo Ly đã thẳng thắn đưa ra quan điểm của mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hơn 20 năm đứng trên bục giảng thì cũng gần phân nửa số năm đó tôi trở thành người “tư vấn bảo hiểm”, “người đòi nợ thuê”, mà “con nợ” chính là cha mẹ học trò của chính mình.

Cái cảnh gọi điện thoại đến cháy sim, đi tới nhà học trò đến chùn chân mỏi gối, hứng chịu những lời từ chối cay nghiệt của một số phụ huynh… luôn là nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh của khá nhiều giáo viên khi phải đứng ra thu tiền đặc biệt là bảo hiểm tai nạn.

Nhà trường thu hộ tiền bảo hiểm là đúng hay sai?

Năm học vừa qua, một phụ huynh ở Hà Nội đã phản kháng lại khi nhà trường viết giấy về đòi phụ huynh đóng khoản tiền bảo hiểm.

Vị phụ huynh nói rằng: “Nhà trường là nơi truyền chữ cho học sinh, không phải công ty kinh doanh bảo hiểm.

Nếu có nhu cầu mua bảo hiểm thì tôi sẽ chủ động liên hệ với công ty bảo hiểm nào mà tôi tín nhiệm để mua trực tiếp chứ nhất định không thông qua khâu trung gian môi giới, cò mồi.

Yêu cầu nhà trường không làm phiền cha mẹ học sinh bằng việc làm không đúng chức năng này”.

Câu chuyện trên thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Người cho rằng, vị phụ huynh đã nói đúng. Người lại nói rằng, nhà trường không hề sai khi bắt buộc phụ huynh phải đóng bảo hiểm cho học sinh.

Nếu căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia Bảo hiểm y tế bắt buộc và sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng.

Xin đừng biến nhà trường thành nơi kinh doanh bảo hiểm

Bảo hiểm y tế  bắt buộc còn các loại bảo hiểm khác thì không.

Từ trước đến nay, nhiều trường vẫn bắt các thầy cô làm hộ việc thu bảo hiểm không phải diện bắt buộc.

Bắt giáo viên trở thành người đa năng vừa dạy học, vừa làm tư vấn viên bảo hiểm, làm người bán và kẻ đòi nợ thuê.

Từ đó, dẫn đến tình trạng, giáo viên thì vất vả, mệt mỏi mà trách nhiệm của bảo hiểm đối với quyền lợi người tham gia bảo hiểm bị lơ là.

Lời ca thán của phụ huynh, chỉ thầy cô phải nghe

Từng có khá nhiều phụ huynh phản ánh rằng: “Nhiều loại bảo hiểm gia đình không có nhu cầu mua”.

"Mua bảo hiểm thì dễ, nhưng khi có việc, đền bù khó khăn, mệt lắm..."

Những lời phàn nàn, ca thán này chỉ giáo viên mới nghe. Nên nghe cũng chẳng giải quyết được gì. Người đáng nghe là phía công ty bảo hiểm thì chẳng một  ai có mặt.

Lẽ ra, phía bảo hiểm phải trực tiếp thấy cảnh người mua bất bình, thấy cảnh phụ huynh bức xúc, phản ánh về chất lượng phục vụ, để thấy được vì sao dân chưa mặn mà tham gia.

Cô giáo 20 năm tuổi nghề chia sẻ nỗi vất vả thu tiền đầu năm ảnh 1Bảo hiểm tự nguyện đang bị “bắt buộc” mua ở nhà trường

Có như thế, phía bảo hiểm mới có những chính sách ưu đãi phù hợp.

Còn hiện nay, trách nhiệm bán bảo hiểm giao cho nhà trường.

Chính nhà trường lại đổ gánh nặng lên đầu những giáo viên chủ nhiệm.

Ngoài việc dạy, thầy cô còn lo bán bảo hiểm sao cho đạt chỉ tiêu trên giao.

Muốn thế, thầy cô lo tư vấn sao cho hay, lo đòi nợ, lo thu tiền sao cho đủ. Còn phía bảo hiểm cứ yên tâm đã có nhà trường bán giúp mà “ngồi chơi xơi nước”. Nhàn nhã, vô lo nhưng doanh số bán bảo hiểm thu về vẫn luôn vượt chỉ tiêu.

Thảo Ly