Giáo viên dạy học thế nào khi sĩ số lớp học suýt trăm em?

14/08/2018 07:12
Phan Tuyết
(GDVN) - Với số lượng học sinh vượt ngưỡng báo động 60-70 em/lớp, giáo viên chỉ giữ trật tự thôi đã khó nói gì đến việc truyền thụ kiến thức và giáo dục các em?

LTS: Việc sĩ số học sinh quá đông đang gây ra nhiều khó khăn cho công tác dạy và học của chính người giáo viên cũng như các em học sinh.

Từ đó, chia sẻ về vấn đề này, tác giả Phan Tuyết đưa ra quan điểm của mình thông qua bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Theo quy định Điều 17 Điều lệ trường tiểu học ban hành thì “mỗi lớp học có không quá 35 học sinh”.

Thế nhưng hiện nay, nhiều địa phương đang bố trí sĩ số học sinh trong một lớp học cao đến bất thường.

Điển hình nhất là Hà Nội, nhiều trường học sĩ số học sinh lớp 1 lên đến gần 70 học sinh/lớp.

Số lượng học sinh đông như thế nhưng không gian lớp học, không gian sinh hoạt vui chơi của các em vẫn không thay đổi.

Sĩ số lớp học quá đông gây áp lực lên cả học sinh và giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn).
Sĩ số lớp học quá đông gây áp lực lên cả học sinh và giáo viên (Ảnh minh họa: vov.vn).

Câu hỏi được nhiều người đặt ra, giáo viên sẽ dạy học và tổ chức cho học sinh vui chơi thế nào cho hiệu quả trong khi học sinh vào lớp 1 đang rất cần sự hướng dẫn sát sườn một cách tận tình của giáo viên?

Giáo viên kiệt sức

Ở bậc tiểu học, phần lớn giáo viên đều sợ phải dạy lớp 1 nhất. Nhiều giáo viên cho biết: “Học sinh lứa tuổi này đang rất cần giáo viên theo sát từng tí một.

Nhiều em tới lớp chưa biết cầm bút, chưa biết cách phát âm đến cách ngồi viết, cách đưa bảng, cách giơ tay, rồi cách thưa gửi… tất cả đều phải tập, phải hướng dẫn mẫu một cách chi tiết, ngày này qua ngày khác cho các em làm quen dần dần.

Học sinh theo dõi, tập trung thì giáo viên đỡ mệt. Nhưng trong thực tế vẫn có nhiều em quá năng động thậm chí là tăng động nên thầy cô vô cùng mệt mỏi.

Bạn hãy tưởng tượng xem, một lớp học với gần 70 học sinh ngồi chật kín một căn phòng chỉ đủ chỗ cho 35 em như thế chỉ cần vài em không tập trung đã “phá banh trật tự của lớp”.

Giáo viên dạy học thế nào khi sĩ số lớp học suýt trăm em? ảnh 2Các lãnh đạo ơi, lớp vẫn còn đông lắm!

Những học sinh hiếu động này, không bao giờ chịu ngồi yên quá 10 phút.

Hết đánh bạn, chửi bạn, rồi xé vở, giật bút, giành chỗ ngồi, chạy khỏi chỗ… ổn định trật tự đưa học sinh vào khuôn phép luôn là nỗi vất vả và ám ảnh của nhiều giáo viên.

Phải như trước đây, để giữ trật tự, giáo viên chỉ dùng cây thước gỗ đánh vào mông những thành phần ngỗ nghịch vài roi thì tức khắc các em sẽ vào nền nếp. Nhưng nay, vừa dạy, vừa dỗ nên nhiều trò vẫn không nghe.

Thế là cái lớp học bỗng chốc được ví như cái chợ vỡ.

Mỗi tiết học kéo dài 35 phút, cô giáo vừa giảng bài, hướng dẫn cách làm bài, rồi sửa bài lại phải vừa nhắc nhở các em giữ trật tự... sau buổi học, giáo viên nào cũng mệt nhoài và khan đặc giọng.

Học sinh chịu thiệt thòi

Với thời gian một tiết học không nhiều (35 phút phải trừ đi 10 phút ổn định trật tự), giáo viên chỉ dành cho mỗi học sinh chưa tới 30 giây. Với thời gian quá ngắn ngủi như thế, cô giáo sẽ làm gì với các em?

Lớp chật, đông người, giáo viên không thể đi hết từng em mà uốn nắn, mà sửa sai cũng không thể tổ chức nhiều hoạt động tương tác và trò chơi vận động để học sinh rèn kĩ năng.

Bởi thế, chuyện bỏ rơi học sinh hay có những học sinh không bắt nhịp được vào bài giảng của cô đã trở nên bình thường.

Giáo viên dạy học thế nào khi sĩ số lớp học suýt trăm em? ảnh 3Có phải giáo viên lười, ngại khó?

Nhiều giáo viên quả quyết “ngành giáo dục cứ hô hào phải đổi mới phương pháp dạy học.

Phải thực hiện phương pháp lấy học sinh làm trung tâm, học theo nhóm để học sinh tương tác với nhau, để rèn tư duy hợp tác, sáng tạo và tự tin.

Nhưng mấy ai biết, lớp đông như thế, bạn này ngồi sát nút bạn kia, lớp học được kê kín bàn ghế thậm chí không còn chỗ để len chân.

Vậy sao có thể tổ chức cho các em học nhóm?

Sao có thể kiểm tra và bao quát hết những hoạt động của các em?

Thế là, để an toàn nhất giáo viên luôn trung thành với phương pháp dạy truyền thống “cô giảng trò lắng nghe”, “cô đọc trò chép”.

Giáo viên buộc học sinh phải ngồi yên, mắt nhìn thẳng, hai tay khoanh trước bàn, miệng đọc theo cô.

Khi các em viết bài, thay vì đi cầm tay, sửa nét, sửa cách ngồi cho từng em thì giáo viên cũng chỉ nhắc chung trước lớp vì không thể kịp thời gian.

Thế rồi, phương pháp dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm chỉ để dạy lúc thao giảng dự giờ hoặc dạy trong các hội thi như trò biểu diễn.

Lớp học đông, những học sinh biết đọc, biết viết trước khi vào lớp 1 sẽ có nhiều thuận lợi.

Chỉ tội cho những em chưa biết gì. Những học sinh này sẽ trở thành “con vịt lạc đàn” trong lớp học trước sự bất lực của giáo viên.

3 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

Giải bài toán về sĩ số trước khi nghĩ đến đổi mới

Sĩ số học sinh 35 em/lớp nếu so với chuẩn thế giới đã là quá cao. Nhiều nước sĩ số học sinh chỉ ở mức 15-20 em/lớp. Nhưng hiện nay, sĩ số học sinh của chúng ta đã vượt ngưỡng báo động 60-70 em/lớp.

Với số lượng học sinh thế này, giáo viên chỉ giữ trật tự thôi đã khó nói gì đến việc truyền thụ kiến thức và giáo dục các em?

Chương trình thay sách giáo khoa tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo tới đây đang kỳ vọng giáo dục nước nhà sẽ chuyển mình.

Thế nhưng nếu sĩ số học sinh các lớp vẫn cứ đông như vậy thì chương trình mới có ưu điểm vượt trội thế nào cũng trở nên vô nghĩa.

Vì thế, cách tốt nhất bây giờ là ngành giáo dục nên giải bài toán về sĩ số học sinh trước khi thực hiện đổi mới chương trình. 

Phan Tuyết