Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã được Thường vụ cho ý kiến.
Theo đó, do còn nhiều vấn đề phải tiếp tục xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, đặc biệt là việc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông nên dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sẽ không được đưa ra thông qua tại kỳ họp Quốc hội cuối năm nay (kỳ họp thứ 6 – PV).
Cũng ngay tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã xin được lùi thời hạn trình dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) sang kỳ họp thứ 7.
Còn về dự án Luật Giáo dục Đại học, các ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rõ hơn các vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm, hoàn thiện trong 2 dự án Luật trên.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên họp. (Ảnh chụp màn hình: Đỗ Thơm) |
Phổ cập là miễn phí
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, dự án Luật Giáo dục lúc đầu chuẩn bị là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Bây giờ là Luật Giáo dục (sửa đổi), tức là sửa toàn diện Luật và một loạt vấn đề nếu ta chỉ xử lý trước mắt không tính lâu dài là không được.
Nhiều vấn đề phải bàn thấu đáo, xin ý kiến rộng rãi các đối tượng trong xã hội.
Theo Phó Thủ tướng, ở một số vấn đề liên quan đến nguyên tắc của giáo dục không quán triệt thì sau này rất vướng.
Ví dụ, giáo dục phổ thông là một trong dịch vụ công thiết yếu Nhà nước phải đảm bảo. Nhưng Nhà nước đảm bảo làm sao trực tiếp lo những phần cơ bản, tài năng, cộng với đối tượng yếu thế. Còn lại dành cho xã hội hóa. Thực tế hiện nay, tất cả các trường chất lượng cao, trường chuyên đều là công lập.
Hay là nguyên tắc phổ thông phân bổ trường gần học sinh, không để tình trạng ở miền núi, các cháu học sinh phải đi xa. Và không có nội trú thì không học được hai buổi. Đó là các nguyên lý rất quan trọng.
Nguyên lý phổ cập là miễn phí. Tất cả những nguyên lý đó không xác định thì sau này sẽ tiếp tục vướng.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta cần có thời gian để nghiên cứu quy định sao cho đảm bảo lâu dài nhưng phải có lộ trình cho trước mắt.
Người dân rất quan tâm Luật Giáo dục, lùi thời hạn thông qua đến năm 2019 |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ví dụ, hiện nay do thiếu trường lớp mà phân biệt đầu vào phổ thông là vô lý.
Ở một số thành phố lớn, thi đầu vào phổ thông cấp 2, cấp 3 vô cùng căng thẳng.
Cái này cũng không đúng với nguyên lý giáo dục phổ thông trên thế giới.
“Vì vậy, tôi thấy kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất sáng suốt là chúng ta phải tích cực chuẩn bị Luật này. Nếu không tích cực thì không đủ thấu đáo để trình”, Phó Thủ tướng nói.
Liên quan đến nội dung về phổ cập giáo dục, trong báo cáo một số vấn đề xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thực hiện nêu rõ, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã bổ sung khái niệm phổ cập giáo dục.
Tiếp tục quy định thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiến tới phổ cập bắt buộc giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.
Bổ sung chính sách miễn học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục công lập, hỗ trợ học phí đối với người học diện phổ cập ở cơ sở giáo dục ngoài công lập, thực hiện theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Đối với vấn đề này, Thường trực Ủy ban xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định rõ hơn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi theo hướng: Nhà nước tăng cường và bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi nhưng không làm ảnh hưởng đến sự chăm lo cho giáo dục các lứa tuổi khác.
Đồng thời, làm rõ quan điểm về phổ cập giáo dục bắt buộc (trước mắt là đối với giáo dục tiểu học - theo Hiến Pháp 2013), trong đó Nhà nước bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, học liệu, đội ngũ nhà giáo, sĩ số học sinh… để người học thực hiện nghĩa vụ học tập và đạt trình độ giáo dục phổ cập bắt buộc có chất lượng.
Thường trực Ủy ban cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật Phổ cập giáo dục tiểu học (1991) để cụ thể hóa các quan điểm và chính sách đối với giáo dục phổ cập nói chung và các cấp học phổ cập nói riêng.
Hội đồng trường là vô cùng quan trọng khi chúng ta cho tự chủ đại học
Về Luật Giáo dục Đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Luật này tương đối chuyên sâu và nhận được sự đồng tình cao của dư luận. Nó giải quyết được nhu cầu của bây giờ là tập trung vào tự chủ và công tác nghiên cứu trong các trường đại học.
Một số điểm các đại biểu Quốc hội có góp ý về câu từ như câu chuyện về đại học và trường đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông và Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cùng với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ trao đổi lại.
“Theo quy định, chỉ có Đại học Quốc gia, các đại học vùng được gọi là đại học. Còn như trường Bách Khoa, Kinh tế Quốc dân dù to nhưng không được gọi là đại học.
Nhưng hỏi người dân, có ai phân biệt Trường Đại học Bách khoa hay Đại học Bách Khoa. Chưa nói câu chuyện dịch ra tiếng nước ngoài càng phức tạp hơn.
Chúng tôi sẽ bàn nhau để làm sao khái niệm này thuận với tiếng Việt và không động đến quyền lợi của 2 Đại học Quốc gia, các đại học vùng.
Xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội 5 nội dung của Luật Giáo dục Đại học |
Đồng thời không hạn chế sự phát triển của các trường khác mà đến bây giờ chưa được gọi tên là đại học theo như cách này”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, các góp ý về hội đồng trường sẽ được tiếp thu để hoàn thiện Luật.
“Hội đồng trường là vô cùng quan trọng khi chúng ta cho tự chủ. Nếu không, tập trung quyền lực vào một người sẽ rất nguy hiểm.
Trước đây, chúng ta đã có hội đồng trường nhưng vì không quy định rõ quyền lực của hội đồng trường nên hội đồng trường mới hình thức.
Bây giờ quy định nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường rõ ràng thì sẽ ra con người, ra mọi thứ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm.
Cần giải trình cặn kẽ lý do đề nghị lùi Luật Giáo dục Kết luận nội dung cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý cơ quan soạn thảo cần rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Trong đó có đầy đủ báo cáo đánh giá tác động về những vấn đề mới, chú trọng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân để bảo đảm sự đồng thuận. Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đại học, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, dự án luật này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5. Dự án Luật này được sự đồng thuận cao của dư luận. Các ý kiến đóng góp sẽ tiếp tục được ban soạn thảo tiếp thu hoàn thiện. “Việc giải trình của chúng ta trước Quốc hội về việc không thông qua Luật Giáo dục mà đề nghị thông qua Luật Giáo dục Đại học cần phải nói rõ lý do cặn kẽ gửi đến các đại biểu cho ý kiến. Thường vụ đồng tình với việc trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để thông qua tại kỳ họp thứ 6”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. |