Đây là số liệu Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trong báo cáo giải trình và đánh giá tác động chính sách đối với việc nâng chuẩn trình độ được đào tạo của giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) hệ thống giáo dục mầm non đã đạt những thành tựu quan trọng.
Cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI, đặt ra mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị tốt cho trẻ bước vào lớp1.
Các ý kiến thống nhất nâng chuẩn giáo viên mầm non lên trình độ cao đẳng sư phạm. (Ảnh minh họa: vtv.vn) |
Việt Nam cam kết thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 4, trong đó có mục tiêu 4.2: Đến năm 2030, đảm bảo tất cả bé trai và gái được tiếp cận giáo dục mầm non và giáo dục tiền tiểu học có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng cho các em vào Tiểu học.
Chương trình giáo dục mầm non mới được ban hành 2009, được điều chỉnh năm 2016 đã được thực hiện ở hầu hết các cơ sở giáo dục mầm non.
Chương trình đặt ra yêu cầu cao về chất lượng, đòi hỏi giáo dục mầm non có trình độ, năng lực cao hơn để thực hiện đúng các yêu cầu của Chương trình giáo dục mầm non.
Hiện nay nhiều giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non có trình độ đào tạo trung cấp sư phạm chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình.
Yếu kém về chất lượng giáo viên là nguyên nhân chính gây ra các vụ bạo hành trẻ ở các cơ sở giáo viên mầm non.
Theo báo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số giáo viên bậc mầm non cả nước trong năm học 2017-2018 (bao gồm cả nhà trẻ và mẫu giáo) là 337.488 giáo viên, trong đó giáo viên nữ là 336.616 giáo viên (chiếm 99,7%).
Giáo viên biên chế là 208,574 giáo viên (chiếm 61,8%), số giáo viên đạt chuẩn (trình độ trung cấp trở lên) là 332.403 giáo viên (chiếm 98,5%).
Bên cạnh đó hệ thống giáo dục mầm non cả nước có 159.007 người làm công tác quản lý, gồm 14.739 hiệu trưởng, 22.608 hiệu phó, 121.660 người là nhân viên.
Nếu theo Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (tốt nghiệp cao đẳng) thì số lượng giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn tổng cộng là 107,150 giáo viên, chiếm 33,8% (29,221 giáo viên ở bậc nhà trẻ và 77,929 giáo viên ở bậc mẫu giáo).
Tuy nhiên, đây là số liệu của năm học 2016-2017. Nếu ước tính vào thời điểm Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực (năm 2019) thì số lượng giáo viên giáo viên mầm non chưa đạt trình độ cao đẳng sẽ giảm nhiều so với thống kê nói trên.
Do số giáo viên chưa tốt nghiệp cao đẳng phần lớn thuộc nhóm giáo viên lớn tuổi nên sẽ hết tuổi lao động trước khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, nhóm giáo viên mới tuyển dụng đều có trình độ cao đẳng trở lên.
Số lượng giáo viên tuy chưa tốt nghiệp cao đẳng nhưng hiện tại học cao đẳng, đại học hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo liên thông… sẽ tốt nghiệp trong thời gian 2018 và 2019.
Từ đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất phương án và lộ trình nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên mầm non.
Bộ Giáo dục thừa nhận, nhiều nơi thuyên chuyển giáo viên chưa qua đào tạo |
Cụ thể, về lộ trình thực hiện, khi Luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực, sẽ còn khoảng 30% (khoảng 80.000 giáo viên mầm non) phải được đào tạo để nâng chuẩn.
Ước tính thời gian đào tạo mỗi khóa học chuyển tiếp từ trung cấp lên cao đẳng khoảng 1 năm.
Nếu các cơ sở giáo dục mầm non cử giáo viên đi học theo hình thức “cuốn chiếu” theo từng khóa thì lộ trình nâng chuẩn đào tạo sẽ kéo dài khoảng 5 năm.
Vì thế, trong điều khoản chuyển tiếp của Luật Giáo dục (sửa đổi) cần thể hiện rõ: “Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên mầm non quy định tại điểm… khoản … Điều…. của Luật này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026”.
Về phương pháp thực hiện, báo cáo chỉ ra: Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn nhưng thời gian công tác còn lại dưới 5 năm (tính từ thời điểm Luật Giáo dục 2018 có hiệu lực) thì không nhất thiết phải tổ chức đào tạo để nâng chuẩn.
Các giáo viên này chỉ cần tham gia các khóa bồi dưỡng theo các chuyên đề phù hợp để nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đối với các trường trung cấp sư phạm mầm non (cả nước chỉ còn 2 trường) sẽ được tổ chức lại theo hướng chuyển đổi thành trường cao đẳng sư phạm (nếu hội đủ điều kiện) hoặc chuyển đổi trường trung cấp sư phạm thành khoa sư phạm tại các trường cao đẳng...
Xây dựng kế hoạch, chương trình và lộ trình để đào tạo liên thông từ trung cấp lên cao đẳng đối với nhóm giáo sinh đang theo học trung cấp mầm non.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy có những khó khăn nhất định nhưng với sự chuẩn bị chu đáo về kế hoạch và lộ trình thực hiện và sự hỗ trợ các nguồn lực từ phía nhà nước, chắc chắn đội ngũ giáo viên mầm non sẽ nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để khẳng định vị thế của nhà giáo và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.