Tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV, việc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông hay xét tốt nghiệp Trung học Phổ thông được các Ủy viên Thường vụ tiếp tục cho ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là dự án Luật liên quan đến mỗi người dân, mỗi gia đình.
Vì vậy, cần phải tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, cử tri, nhân dân cho thấu đáo.
"Tôi đề nghị giao Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng hình thức nào đó sau tổng hợp lại.
Chúng ta tiếp tục lấy ý kiến, thảo luận tại kỳ họp thứ 6 và sẽ tiếp tục hoàn thiện tại kỳ họp sau”, Chủ tịch nói.
Ông Nguyễn Túc. (Ảnh: Zing.vn) |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ với chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rằng cần phải lấy ý kiến rộng rãi về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi).
Đặc biệt là góp ý về thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Đó là việc rất cần thiết vì đây là vấn đề lớn, động chạm đến toàn dân.
“Trước hết, theo quan điểm của tôi, cần lấy ý kiến của những người trong hệ thống giáo dục trước đã. Bởi đấy là những người trực tiếp làm giáo dục.
Tôi đề nghị lấy ý kiến của hệ thống giáo dục các cấp. Đặc biệt là hệ thống các trường cấp 3 và đại học.
Đó là những nơi, những người có trách nhiệm và quyền lợi trực tiếp. Sau đó, có thể lấy ý kiến của người dân mở rộng thêm”.
Theo ông Túc, nếu mà trưng cầu ý dân sẽ rất tốn kém và nên xem xét thật kỹ là có cần đến mức ý không.
“Việc lấy ý kiến rộng rãi là hay nhưng phải khoanh vùng cho phù hợp.
Tôi ví dụ như các bác nông dân, công nhân. Họ làm việc quần quật suốt ngày đêm, họ chỉ mong sao còn vào đại học thôi.
Người dân rất quan tâm Luật Giáo dục, lùi thời hạn thông qua đến năm 2019 |
Thi hai trong một hay thi riêng 2 kỳ thi họ cũng chẳng quan tâm lắm.
Lấy ý kiến đại trà là tốt nhưng phải là những người am hiểu, hoạt động liên quan đến giáo dục.
Đặc biệt là người có quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến việc thi hay không thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, thi theo hình thức nào”, ông Túc nói.
Ông Túc chia sẻ, ông cũng từng là nhà giáo và dạy ở trường Bách Khoa từ những năm 1957. Ông cho rằng phải thi.
Vì nếu không thi ai đảm bảo được rằng chất lượng giáo dục Trung học Phổ thông sẽ không đi xuống?
“Tôi sợ nếu chúng ta mà bỏ thi thì không rõ chất lượng giáo dục Trung học Phổ thông sẽ đi về đâu.
Vì thế cần chọn lọc đối tượng, phương án lấy ý kiến chứ không nên trưng cầu dân ý”, ông nêu quan điểm.
Theo ông, việc tham khảo cách làm hay của các nước khác trên thế giới là cần thiết nhưng phải nhớ đến đặc điểm văn hóa, tính cách của người dân Việt Nam.
Dân chúng ta ăn cơm chứ không ăn bánh mỳ. Khi định ra một chính sách nào đó, chúng ta phải nhớ đến các đặc điểm của dân tộc Việt Nam.
“Quan điểm của tôi là có thể kết hợp kỳ thi 2 trong 1 nhưng phải làm thật tốt kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Việc giám sát, kiểm tra, quản thật chặt thì sẽ dễ cho về sau vào đại học.
Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng đại học cứ cho vào thoải mái và quản chặt đầu ra.
Nói gì thì nói, tư tưởng phải học đại học của đa số các gia đình Việt Nam còn nặng nề.
Con cháu chúng ta đổ xô vào đại học. Thực tế thời gian qua là vào bao nhiêu cháu thì ra bằng bấy nhiêu. Số lượng rơi rớt rất ít.
Sau đó, ra trường các cháu không tìm được việc lại quay đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động là rất lãng phí của cải, thời gian”, ông Túc phân tích.
Theo vị Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Văn hoá - Xã hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vạn sự khởi đầu nan. Những việc mới làm bao giờ cũng khó khăn.
Có ý kiến này ý kiến khác khi xảy ra tiêu cực thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình. Nhưng quan điểm của ông là tiêu cực khó tránh khỏi nhưng nếu quản lý tốt thì mức độ vi phạm không như vừa qua.
Ông cho rằng: “Có thể vẫn thực hiện kỳ thi 2 trong 1 nhưng việc làm thi, phối hợp giữa các bộ phận chặt chẽ, tốt hơn nữa.
Tiêu cực thi quốc gia, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm |
Nếu hễ có vấn đề chúng ta đòi bỏ thì cuối cùng sẽ chẳng có gì ổn định cả.
Theo tôi chúng ta cần thận trọng nhưng cũng đừng vì những tiêu cực mà xổ toẹt hết”,
Ông Túc cũng đặt vấn đề là tại sao tiêu cực xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền núi, tỉnh còn khó khăn, mặt bằng dân trí chưa cao.
Chúng ta phải phân tích tại sao tiêu cực không xảy ra ở Hà Nội, Thành Phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
“Có lẽ ở các địa phương này, trình độ dân trí cao, giám sát từ cộng đồng xã hội tốt nên họ không dám tiêu cực? Hay tiêu cực tinh vi quá không phát hiện ra?
Đó là một điểm cần làm rõ để chúng ta tính toán phương án tổ chức, giám sát cho kỳ thi sắp tới hiệu quả, công bằng hơn”, ông Túc nêu quan điểm.