Năm học mới đến rồi, các nhà quản lý, thầy cô, phụ huynh có ý kiến gì không?

14/08/2018 07:11
HỮU SƠN
(GDVN) - Trước thềm năm học mới, các chủ thể chính của ngành: cấp quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo, phụ huynh học sinh có nhiều điều chia sẻ, nhắn nhủ về nhau.

LTS: Nhìn lại năm học cũ, bắt đầu năm học mới, thầy giáo Hữu Sơn tổng hợp các ý kiến chia sẻ của các cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh học sinh.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có thể nói, năm học 2017-2018, ngành giáo dục nước nhà nổi lên nhiều vấn nạn gây bức xúc dư luận xã hội:

Lạm thu đầu năm, dạy học thêm tràn lan, bạo lực học đường, tiêu cực, gian lận sửa điểm thi Trung học phổ thông Quốc gia ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Năm học mới 2018-2019 chuẩn bị bắt đầu, dư luận xã hội cả nước hy vọng ngành giáo dục sẽ có những nhận thức, hành động đúng đắn và các biện pháp hiệu quả để đẩy lùi, giảm thiểu những vấn nạn nói trên.

Trước thềm năm học mới, các chủ thể chính của ngành: cấp quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo, phụ huynh học sinh có nhiều điều chia sẻ, nhắn nhủ về nhau.

Năm học mới đến rồi, các nhà quản lý, thầy cô, phụ huynh có ý kiến gì không? ảnh 1
Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Laodong.vn

Thầy Duy, một giáo viên trung học phổ thông ở thành phố Đà Nẵng nhận xét:

"Một bộ phận phụ huynh là “thủ phạm” dẫn đến tình trạng dạy học thêm trái phép, tràn lan hiện nay.

Vì bệnh thành tích, thích khoe mẽ, chuộng bằng cấp mà nhiều cha mẹ không để con trẻ phát triển tự nhiên, học hành theo năng lực mà luôn bắt ép con em mình học thêm tối ngày, hết trung tâm này, đến nhà thầy cô kia…

Và bộ phận phụ huynh cũng chính là “thủ phạm” gây nên bệnh “chạy” nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ quản lý về kết quả học tập, học bạ, về thi cử (tuyển sinh vào lớp 10, thi Trung học phổ thông Quốc gia) từ nhiều năm qua bằng sức mạnh quyền chức và tiền bạc của mình.”

Năm học mới đến rồi, các nhà quản lý, thầy cô, phụ huynh có ý kiến gì không? ảnh 2Nguồn gốc sâu xa những sai phạm thi cử là do công tác lựa chọn cán bộ

Mọi người đang quên một thủ phạm, một virus rất quan trọng, không có virus này sẽ không có chuyện gian lận, đó là một bộ phận phụ huynh.

Ông Vũ Trọng Lương (Phó trưởng phòng khảo thí ở Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) không tự nhiên sửa điểm mà phải có tin nhắn, mặc cả từ phụ huynh và “nguy hiểm hơn khi phụ huynh có thể có chức có quyền." 

Thầy Duy rất tâm đắc với phát biểu nêu trên của Tiến sĩ Phương pháp Giảng dạy Toán Lê Thống Nhất tại cuộc tọa đàm do báo Lao động tổ chức mới đây.

Chị Nguyễn Thị Thùy, 43 tuổi, ở thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), năm học này có 3 con vào tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông bộc bạch:

"Thời chúng tôi học phổ thông, môi trường giáo dục còn trong lành lắm, không có chuyện giáo viên chèn ép học sinh đi học thêm; hiếm có việc thầy cô giáo bạo hành con trẻ;

Đánh giá, cho điểm của thầy cô rất nghiêm túc, chặt chẽ, công bằng.

Hình ảnh người thầy thật đẹp đẽ, cao quý trong chúng tôi.

Nhưng nhiều năm nay, môi trường giáo dục đã khác xưa, đặc biệt năm học vừa qua, với hàng loạt vụ giáo viên, bảo mẫu bạo hành con trẻ, học sinh, một số cán bộ, thầy cô vi phạm quy chế thi, tiêu cực, gian lận sửa điểm thi Trung học phổ thông quốc gia ở ba tỉnh ở Miền Bắc…

Khiến niềm tin của nhân dân, phụ huynh và học sinh vào ngành giáo dục, người thầy bị giảm sút trầm trọng, khó lấy lại được trong nay mai.

Giáo dục mà như vậy thì tương lai đất nước, thế hệ trẻ sẽ đi về đâu."

Năm học mới đến rồi, các nhà quản lý, thầy cô, phụ huynh có ý kiến gì không? ảnh 3Hiệu trưởng nào để xảy ra lạm thu cứ cho vào “lò”, hết tiêu cực ngay

"Tất cả nhà trường, thầy cô giáo cần thấy rõ sứ mạng, trách nhiệm nặng nề mà cao quý của nghề mình, luôn biết làm đúng, tôn trọng pháp luật, thật sự bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ về vật chất, tiền bạc, lợi ích… của xã hội, bộ phận phụ huynh đương vây bủa bao quanh.

Kể cả các cấp quản lý giáo dục không thể “vô tội” trước những hạn chế, sai phạm của cấp dưới, thầy cô giáo, phải mạnh dạn nhận trách nhiệm, cầu thị và quyết tâm sửa sai, nói đi đôi với làm”, phụ huynh Vy trông mong.

Thầy H., một hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở tỉnh Quảng Ngãi cho biết:

"Làm thầy giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở gần 30 năm rồi, tôi thật sự buồn và lo lắng trước những sự cố, tai tiếng quá lớn nảy ra tại ngành giáo dục trong năm học 2017-2018.

Các cấp quản lý giáo dục từ các cơ sở giáo dục đến Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhận rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong các vấn nạn mà nhân dân, phụ huynh tiếp tục bức xúc, yêu cầu ngành phải giải quyết, chấn chỉnh.

Tôi thấy nhiều cán bộ quản lý giáo dục bây giờ làm việc còn nặng về hành chính, giấy tờ, quan liêu, rất sốt sắng chuyện “chạy mánh” gọi nhà thầu, mua sắm vật tư, thiết bị… mà ít chịu khó nghiên cứu, đi tìm hiểu thực tế ở cơ sở để nắm bắt tình hình, để chỉ đạo cho sát sao, cụ thể, hiệu quả."

HỮU SƠN