Học sinh nói bị thầy giáo “lên gối”, tát xước má
Câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu tại Trường trung học cơ sở Kim Lũ (Sóc Sơn, Hà Nội) là một bằng chứng cho thấy, nhận định trên là có cơ sở.
Trong đơn tố cáo gửi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, phụ huynh N.T.T. (xóm Bèo, xã Xuân Dương, Sóc Sơn, Hà Nội) phản ánh việc học sinh N.T.G. (con chị) lớp 6D, Trường trung học cơ sở Kim Lũ, bị thầy giáo Nguyễn Tiến Phương hành hung hôm 23/4/2018, gây ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý.
Học sinh G. nói vết xước trên má, gần thái dương là do thầy P. gây ra. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp. |
Tiếp xúc với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam tại gia đình, học sinh N.T.G. dường như vẫn bị ám ảnh bởi hành vi bạo lực mà theo G. đó là do thầy Phương gây ra với mình.
Học sinh G. cho biết, sự việc xuất phát từ việc bản thân có mâu thuẫn với bạn cùng lớp tên H. trong giờ Sinh học của thầy Phương hôm 23/4.
Phát hiện sự việc, thầy Phương liền gọi G. lên bàn giáo viên để trình bày sự việc rồi tát vào mặt G., yêu cầu G. xin lỗi bạn cùng lớp, nhưng học sinh này không thực hiện.
Lúc này, thầy Phương gọi H. lên và cho phép H. tát lại G. nhưng H. không làm.
Thầy giáo túm cổ áo, tát vào mặt, đạp vào người học sinh gây chảy máu |
"Khi đó thầy bảo nếu không tát thì để thầy tát hộ, rồi tiếp tục tát cháu mấy cái vào mặt", G. kể lại.
Ấm ức vì bị thầy giáo phạt, G. về chỗ cũ và đánh vào tay H. thì bị thầy P. phát hiện. Vị giáo viên liền túm tóc, lên gối, đá vào bụng G. kéo ra ngoài, rồi buông lời hăm dọa "mày có muốn nghỉ học không?", cháu G, kể.
Quá hoảng sợ vì hành động của thầy, G. trả lời "nếu nhà trường cho con nghỉ thì con nghỉ", nhưng liền bị thầy giáo túm cổ áo lôi vào lớp, đánh tiếp vào người với thái độ rất hung hãn.
Một số học sinh trong lớp 6D xác nhận, thời điểm G. bị thầy Phương hành hung, học sinh trong lớp đã lên tiếng can ngăn nhưng giáo viên này không nghe.
Sự việc khiến phụ huynh hết sức bức xúc và làm đơn tố cáo hành vi hung hãn của thầy P.
"Thay vì dùng những hình phạt theo đúng chuẩn mực của ngành giáo dục và đạo đức nhà giáo để uốn nắn học sinh thì thầy Phương lại có những hành động thiếu kiểm soát, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần con tôi", chị T. cho biết.
Vị phụ huynh học sinh cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền huyện Sóc Sơn, Hà Nội vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm khắc và thích đáng đối đối với hành động được cho là phản giáo dục của thầy P. để môi trường giáo dục được lành mạnh hơn.
Vì sao lãnh đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn im lặng với báo chí?
Hôm 8/8, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Ngô Sỹ Dân, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Kim Lũ thừa nhận việc, có chuyện thầy Nguyễn Tiến Phương hành hung học sinh.
Ông Dân nói rõ: “Trong lúc nóng giận, thầy Phương không kiểm soát được hành vi của mình nên mới có hành động không đúng với học sinh G.
Tuy nhiên, cho dù là nguyên nhân gì đi nữa thì việc thầy đánh trò là sai.
Ngay sau khi sự việc xảy ra chúng tôi đã đến gia đình chị T. để xin lỗi và hai bên đã có thỏa thuận với nhau về sự việc nói trên. Nhưng không hiểu sao sự việc lại đến tai báo chí?”, ông Dân nói và cho biết, vết xước trên má của học sinh G. là do thầy Phương gây ra.
Vị Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Kim Lũ cho biết thêm, ngay sau khi nắm bắt được sự việc, nhà trường đã làm việc với các bên có liên quan và đề nghị thầy Phương làm kiểm điểm.
Tuy nhiên trong buổi trao đổi với, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt đề nghị lãnh đạo nhà trường cung cấp thêm thông tin (bằng văn bản) về việc xử lý thầy P. nhưng bị từ chối với lý do "phải có thời gian tìm lại".
Trường trung học cơ sở Kim Lũ, Sóc Sơn, Hà Nội. Ảnh của Thiên Minh/giaoduc.net.vn. |
Không đồng quan điểm với ông Dân, chị T. (mẹ học sinh G.) cho biết, sau hành vi của thầy Phương với cháu G. là không thể chấp nhận được và khiến con chị rơi vào tình trạng hoảng loạn về tinh thần:
“Những ngày sau đó cháu sợ không dám đi học và đòi chuyển sang lớp khác vì sợ thầy Phương. Sự việc diễn ra đã hơn 3 tháng, tôi mới chỉ nhận được lời xin lỗi qua loa từ thầy Phương kèm theo những lời bao biện rất khó chấp nhận về hành vi phản giáo dục của nhà giáo này.
Họ cho rằng đó là tai nạn nghề nghiệp. Nhưng tôi cho rằng, không thể gọi những hành động mang tính côn đồ của thầy giáo này là tai nạn nghề nghiệp được. Nó không đúng với phong cách của những nhà giáo chân chính”, chị T. bức xúc.
Cũng theo lời chị T., sau khi sự việc xảy ra, gia đình đã có đơn tố cáo gửi lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa được xử lý thấu tình, đạt lý.
Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã rất nhiều lần liên lạc (trực tiếp và gián tiếp) với Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn đề nghị làm rõ một số vấn đề trong đơn tố cáo của công dân nhưng chưa nhận được thông tin phản hồi.