Giáo sư Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển cho biết: “Tôi cũng có nghe phần giải trình của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trước Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, cách lý giải đó tôi nghe thấy rất không thuyết phục. Hàng trăm dự án chậm triển khai, trong đó có những dự án chậm triển khai từ 5 – 10 năm là không chấp nhận được”.
Theo Giáo sư Đặng Đình Đào, trách nhiệm này thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước, trước hết là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Giáo sư Đặng Đình Đào: 'Trách nhiệm trước hết thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội". (Ảnh: Tạp chí Bất động sản) |
Hàng năm, Sở phải rà soát, xem xét để nhắc nhở thực hiện đúng quy định Nhà nước về quản lý đất đai.
Chủ đầu tư nào mà không thực hiện thì cần thông báo lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Nếu không thực hiện, Thành phố phải thu hồi để sử dụng cho mục đích khác.
Chúng ta cứ mãi phải nghe các lý do nêu ra khó khăn khách quan, rồi chủ đầu tư đã bỏ tiền nếu thu hồi thì bắt đền bù…Đó là cách nói không thuyết phục. Vì việc chủ đầu tư không triển khai dự án như cam kết rõ ràng là đã vi phạm luật.
Giáo sư Đào nhấn mạnh, đất vàng, đất bạc của Hà Nội không thể cứ để các chủ đầu tư ôm giữ phần vậy được.
Trong khi, Hà Nội đang rất cần các công trình an sinh xã hội như bệnh viên, trường học, công viên, nhà trẻ… mà đất đai lại để cho họ xí chỗ lãng phí là không được.
“Tôi cho rằng, Thành phố Hà Nội phải cương quyết làm mạnh hơn để thu hồi các dự án không triển khai trả lại đất để làm việc khác. Đừng giải trình xong để đấy”, Giáo sư Đào nêu quan điểm.
Bởi theo ông, các dự án chậm triển khai biết đâu họ nắm giữ để đầu cơ và đã qua tay nhiều chủ?
Rõ ràng, Thành phố phải đánh giá toàn diện để đưa ra được nguyên nhân chính xác, giải quyết triệt để tình trạng này.
Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai. Tại sao Hà Nội lại chưa làm được?
“Đất đai là tài sản có giá trị đối với bất kỳ địa phương nào. Đặc biệt là ở Hà Nội, nơi tấc đất, tấc vàng theo đúng nghĩa đen mà lại để hàng nghìn tỷ lãng phí theo thời gian như vậy”, Giáo sư Đào nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội nhiều khu vực đang thiếu trường, thiếu lớp học, sĩ số quá tải trầm trọng.
Nhiều dự án "đắp chiếu" vì năng lực kém hay chiêu trò giữ "đất vàng" Thủ đô? |
Từ mẫu giáo đến Trung học Phổ thông, các quận, huyện đều đang khó khăn về cơ sở vật chất, đất để xây trường học. Thậm chí có tình trạng cơ sở vật chất không đảm bảo nên học sinh phải đi học nhờ.
Giáo sư Đào phân tích: “Nhìn rộng ra, đây là trách nhiệm của Thành phố Hà Nội.
Hà Nội phải có biện pháp thích hợp, khẩn trương chứ không thể họp xong, giải trình xong để đấy”.
Giáo sư Đặng Đình Đào nói thêm, các dự án chậm triển khai trong đó có thực tế là chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. Cái chính ở đây là năng lực tài chính không đủ.
Rõ ràng, ở đây là có vấn đề trong thẩm định chủ đầu tư khi duyệt dự án. Có sự không minh bạch, không rõ ràng nên mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Nếu các chủ dự án có năng lực tài chính, có chữ tín trong làm ăn thì họ chắc chắn không để tài sản, nguồn lực nằm chết một chỗ như thế.
“Thành phố nên lập hội đồng để đánh giá tổng thể các dự án và nhất định cần thu hồi các dự án chủ đầu tư không chịu triển khai. Tôi tin là nếu làm mạnh thì tình trạng này sẽ có tiến triển.
Thêm vào đó, tôi cũng không hiểu cấp duyệt dự án kiểu gì mà các nhà máy, xí nghiệp chuyển ra ngoài nội đô nhưng lại thòng các chung cư, trung tâm thương mai vào.
Làm như vậy thì muôn thủa không giải quyết được bài toán tắc đường, ngập úng ở Hà Nội. Thế nên nhiều người vẫn phải thốt lên: Hà Nội không vội được đâu”, Giáo sư Đào phân tích.
Trước đó, ngày 13/8, Thường trực Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai trên địa bàn.
Doanh nghiệp làm dự án kiểu "rùa bò", giữ đất chờ hưởng lợi? |
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân đã dẫn chứng hàng chục dự án đắp chiếu nhiều năm nhưng chưa bị xử lý.
Các dự án cụ thể như: dự án Văn La (quận Hà Đông), dự án trường Trung học Phổ thông dân lập Trần Quang Khải (huyện Thanh Trì), khu đô thị Mỹ Hưng (huyện Thanh Oai)…
Báo cáo giám sát việc quản lý sử dụng đất đối với các dự án vốn ngoài ngân sách giai đoạn 2012 - 2017 của Hội đồng Nhân dân Thành phố cho biết: theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường và tại 8 đơn vị đoàn giám sát làm việc trực tiếp, số dự án chậm triển khai, để đất hoang hóa lên đến 211 dự án với tổng diện tích trên 44 triệu m2.
Trong đó có những dự án đã được phát hiện từ năm 2012 nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.
Ngoài ra, qua báo cáo của 22 quận huyện, đoàn giám sát phát hiện thêm 172 dự án chậm triển khai, nâng tổng số các dự án trong diện này lên 383 dự án.
Tại phiên giải trình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cũng cam kết sẽ kiên quyết xử lý các dự án chậm triển khai.
Ủy ban Nhân dân Thành phố sẽ đôn đốc thanh, kiểm tra, đề xuất thu hồi những dự án không đủ điều kiện, đồng thời tiếp tục đối thoại, làm rõ những vướng mắc, từ đó phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư.
Đặc biệt, ông Chung nhấn mạnh tới đây Hà Nội sẽ công khai danh sách 47 dự án chậm triển khai cần phải thu hồi đất, là những dự án thành phố đã nhiều lần đối thoại, tìm cách tháo gỡ vướng mắc nhưng các chủ đầu tư không thể tiếp tục triển khai dự án.