Hiện nhiều địa phương tiến hành điều chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học, mầm non.
Mới đây nhất, trong tháng 8, Ủy ban nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An điều chuyển một lúc hơn trăm giáo viên bậc trung học cơ sở xuống dạy bậc tiểu học.
Thực trạng này kéo dài dẫn tới gây nhiều bức xúc cho giáo viên. Ngoài ra, việc điều chuyển như trên khiến những giáo viên, sinh viên được đào tạo dạy bậc tiểu học, mầm non khi ra trường không được tuyển dụng.
Vị trí việc làm đáng ra thuộc về những người được đào tạo đúng chuyên ngành thì nay phải dành cho giáo viên bậc trung học cơ sở.
Trong khi, các giáo viên bậc trung học cơ sở xuống dạy tiểu học luôn tỏ thái độ không mặn mà đi dạy. Nhiều người nảy sinh tâm lý chán nản, miễn cưỡng.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa cho rằng: "Quan điểm của Bộ Nội vụ trong việc điều chuyển này là phải đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi được tuyển dụng" - ảnh Trinh Phúc. |
Trước thực trạng đó, ngày 20/8, tại cuộc họp báo thường niên của Bộ Nội vụ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã hỏi quan điểm của Bộ Nội vụ như thế nào về giải quyết thực trạng trên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ - ông Nguyễn Trọng Thừa cho biết, vấn đề điều chuyển giáo viên từ bậc trung học cơ sở xuống bậc tiểu học, mầm non xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua đến nay Bộ Nội vụ đang tổng hợp tình hình của một số địa phương.
Theo ông Nguyễn Trọng Thừa, hiện Bộ Nội vụ đang phân cấp quản lý giáo viên tiểu học, trung học cơ sở.
Theo đó, chủ trương phân cấp quản lý là giao quyền cho Hiệu trưởng. Những nơi chưa phân cấp triệt để thì phân cấp đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện.
Tuy nhiên, vừa qua có câu chuyện khi dự báo về phát triển dân số chưa chính xác.
Hàng trăm thầy cô ở Nghệ An khóc ngất vì bị chuyển xuống dạy tiểu học! |
Do vậy các bước tuyển dụng giáo viên một số khối, một số lĩnh vực nhiều hơn nhu cầu hiện nay.
Vị Thứ trưởng này lý giải thêm: “Khi tiến hành tuyển dụng thì phù hợp nhưng do không dự báo được các năm tiếp theo nên số học sinh thay đổi, dẫn đến có nơi thừa cục bộ, có nơi thiếu cục bộ.
Điều này đặt trên vai các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét bài toán, một là phải đảm bảo chất lượng giáo viên giảng dạy, vừa đảm bảo chất lượng và số giờ theo quy định pháp luật.
Từ đó mới sinh ra điều chuyển giáo viên thừa”.
Ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, quan điểm của Bộ Nội vụ trong việc điều chuyển này là phải đảm bảo quyền lợi cho giáo viên khi được tuyển dụng.
Theo đó, khi tuyển dụng giáo viên thực hiện theo đề án bố trí việc làm. Khi tuyển dụng được chấp nhận làm giáo viên bậc trung học cơ sở nay điều chuyển giáo viên cho xuống cấp tiểu học, mầm non là cần được xem xét.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa nhấn mạnh: “Đây không chỉ ý kiến của các giáo viên phản ứng mà quan trọng nhất ảnh hưởng đến chất lượng nền giáo dục Việt Nam.
Nếu một người thầy mà chỉ là người thợ thôi, xuống dạy tiểu học chỉ đọc chép cho học sinh thì nguy hiểm cho cả xã hội.
Hiện tại, tôi nghĩ rằng, giáo dục người thầy rất quan trọng”.
Trước đó Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ông Ngô Quang Long, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Diễn Châu, Nghệ An chia sẻ về lý do điều chuyển giáo viên do huyện Diễn Châu đang dư giáo viên trung học cơ sở đến 213 người. Trong khi, giáo viên tiểu học thiếu 113 người.
Sau khi xin phép Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, Ban Thường vụ Huyện ủy huyện Diễn Châu, phòng giáo dục thực hiện đề án sắp xếp giáo viên dôi dư, chuyển giáo viên hai môn Văn và Toán xuống bậc tiểu học.
Ông Long cũng cho biết: “Việc thừa giáo viên ở bậc trung học cơ sở là do lịch sử để lại. Vì trong 10 năm trở lại đây, huyện Diễn Châu không tổ chức tuyển dụng giáo viên.
Vì giảm quy mô trường lớp ở bậc trung học cơ sở nên sinh ra dôi dư. Trong khi, học sinh tiểu học lại bắt đầu tăng lên”.
Đưa giáo viên trung học xuống dạy tiểu học, không phải chuyện đùa |
Cũng theo vị Trưởng phòng này, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An khẳng định việc giáo viên dạy trung học cơ sở là đủ điều kiện để dạy học bậc tiểu học.
Vì trong quy định chỉ cần tốt nghiệp trung học sư phạm trở lên là được dạy bậc tiểu học.
Trước thắc mắc về công tác chuyên môn khi các thầy cô dạy văn, toán ở bậc trung học cơ sở khó đáp ứng được việc dạy học ở bậc tiểu học, ông Long chia sẻ thêm: “Khi xây dựng kế hoạch đào tạo, huyện sẽ hợp đồng đào tạo với Đại học Vinh để bồi dưỡng cho giáo viên.
Sau đó khi về các trường thì sẽ làm công tác tự bồi dưỡng về nội dung, phương pháp.
Các giáo viên khi về dạy ở bậc tiểu học chỉ được sắp xếp theo nhóm môn chứ không dạy như giáo viên tiểu học hiện nay.
Sẽ bố trí sắp xếp giáo viên toán dạy toán và một số môn khoa học tự nhiên. Trong khi, giáo viên văn sẽ dạy tiếng Việt mà một số môn khoa học xã hội.
“Kế hoạch này mới chỉ áp dụng cho năm học 2019 - 2020. Còn các năm học tiếp theo hiện chưa bàn đến” – ông Long nhấn mạnh.
Kế hoạch chuyển giáo viên bậc trung học cơ sở xuống dạy tiểu học của huyện Diễn Châu cho thấy, hiện huyện này có tổng số giáo viên Văn, Toán: 557 (Văn: 301; Toán: 256);
Nhu cầu giáo viên Văn, Toán: 280; dôi dư 277 (Văn: 116; Toán: 161) được bố trí sắp xếp như sau:
Thuyên chuyển: Từ 140-150 giáo viên dạy Tiểu học (giáo viên đào tạo có liên quan đến chuyên môn Văn và Toán). Số còn lại bố trí dạy chéo môn: Giáo viên Văn: Từ 60-65 người (Dạy các môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ...).
Giáo viên Toán: Từ 55-60 người (Dạy các môn: Vật lý, Tin học, Công nghệ...).